Năm 2008, năm đầu tiên ARA được tổ chức trên TTCK Việt Nam, có 38 DN tham gia  Cuộc bình chọn

Năm 2008, năm đầu tiên ARA được tổ chức trên TTCK Việt Nam, có 38 DN tham gia Cuộc bình chọn

ARA: 10 năm sáng tạo và khát vọng

(ĐTCK) Trong hành trình 10 năm qua, Cuộc bình chọn báo cáo thường niên không chỉ đơn thuần là một sự kiện nhằm khuyến khích và tôn vinh các doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất, mà là khởi nguồn cho nhiều hoạt động tạo giá trị gia tăng cho DN, cho TTCK Việt Nam.

1. ARA là khởi nguồn cho nhiều hoạt động tạo giá trị gia tăng

Trong hành trình 10 năm qua, Cuộc bình chọn báo cáo thường niên không chỉ đơn thuần là một sự kiện nhằm khuyến khích và tôn vinh các doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất, mà là khởi nguồn cho nhiều hoạt động tạo giá trị gia tăng liên quan đến hướng dẫn, đào tạo và trao đổi hai chiều với các công ty niêm yết trong công tác quản trị rủi ro, quan hệ với nhà đầu tư, thiết lập báo cáo phát triển bền vững và quản trị doanh nghiệp theo các thông lệ tốt của quốc tế.

2. ARA là tiền đề ra mắt chỉ bộ chỉ số phát triển bền vững VN Sustainability Index (VNSI)

Thông qua Cuộc bình chọn, chất lượng báo cáo phát triển bền vững (ESG) và thông tin về quản trị công ty được cải thiện rõ qua từng năm. Đến năm thứ 10 thì hầu hết trong báo cáo đều có nội dung ESG. Những hoạt động xung quanh Cuộc bình chọn đã không những có tác động tích cực đến sụ thay đổi tư duy của doanh nghiệp trong vấn đề quan hê với nhà đầu tư, minh bạch hóa thông tin, đặc biệt là các thông phi tài chính mà còn là tiền đề để Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM xây dựng và cho ra mắt chỉ bộ chỉ số phát triển bền vững VN Sustainability Index (VNSI) trong năm 2017.

3. ARA là sự hợp tác của các thành viên tham gia thị trường và là sự kiện quan trọng hằng năm của thị trường chứng khoán Việt Nam

Cuộc bình chọn báo cáo thường niên đã trở thành một sự kiện quan trọng hằng năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, cuộc bình chọn ngày càng nhận được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp niêm yết trên cả nước trong mỗi mùa giải.

Bên cạnh Ban tổ chức là Sở GDCK TP. HCM, Sở GDCK Hà Nội, Báo Đầu tư Chứng khoán  và nhà tài trợ Dragon Capital, Cuộc bình chọn BCTN đã nhận được sự hợp sức của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cùng những hỗ trợ kỹ thuật đắc lực từ các chuyên gia từ các tổ chức uy tín trong và ngoài nước như IFC, ACCA, VCCI và gần đây nhất là KPMG, PWC, E&Y và DELOITTE.

4. Con đường tương lai

Sau 10 năm khởi tạo, cùng với sự quan tâm ủng hộ của giới chuyên môn trong lĩnh vực chứng khoán, quản trị công ty, Ban tổ chức Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên mang khát vọng duy trì và nâng cao chất lượng Cuộc bình chọn trong các năm tới như sau:

a. Thúc đẩy việc áp dụng các thông lệ tốt nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công bố thông tin

Nghiên cứu phát triển các tiêu chí mới, khuyến khích việc áp dụng các thông lệ tốt nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp để cùng hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.

b. Khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết áp dụng các thông lệ quốc tế về quản trị công ty và quản trị rủi ro để hướng đến phát triển bền vững

Quản trị công ty và thực hiện các cam kết phát triển bền vững trở thành tâm điểm nổi bật, nhận được rất nhiều sự quan tâm và kỳ vọng từ các nhà đầu tư và các đối tác hữu quan. Trong xu thế hội nhập của nền kinh tế, quản trị công ty và quản trị rủi ro tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức bởi phần lớn các DN vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức, còn nhiều thiếu sót trong tuân thủ lẫn năng lực.

Trên con đường tương lai, Ban tổ chức Cuộc bình chọn sẽ tập trung và tăng cường hơn nữa việc khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về quản trị công ty, quản trị rủi ro để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh và có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường vốn khu vực và quốc tế trong bối cảnh hội nhập ngày càng mạnh mẽ.

c. Mở rộng kêu gọi các tổ chức chuyên nghiệp, hội nghề nghiệp tham gia Hội đồng bình chọn

Tiếp theo sự tham gia của Big 4, Cuộc bình chọn dự kiến sẽ tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp trong và ngoài nước và mời các tổ chức này tham gia vào Hội đồng, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của giải cũng như nâng tầm giải thưởng thành giải thưởng có uy tín được công nhận trong cộng đồng nhà đầu tư quốc tế.

ARA: 10 năm sáng tạo và khát vọng ảnh 1

2008: Khởi đầu từ ý tưởng của Dragon Capital cùng sự hợp sức của Sở GDCK TP. HCM và Báo Đầu  tư Chứng khoán (ấn phẩm của Tòa soạn Báo Đầu tư) từ năm 2007, năm 2008, lần đầu tiên trên TTCK Việt Nam diễn ra cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (BCTN) các DN niêm yết.

2009: Các DN được bình chọn mở rộng ra sàn Hà Nội. Có 46 DN được chấm điểm BCTN mùa giải này với 13 DN được trao giải. Điểm nhấn của mùa giải này là nhiều DN lần đầu tiên đã đưa thông tin về trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán, giảm giá hàng tồn kho, dự phòng rủi ro khác, vấn đề tiền mặt của công ty… vào BCTN, điều mà trước đây chưa từng có.

2010: Ban Tổ chức quyết định rà soát và chấm trên tất cả các BCTN hợp lệ gửi về hai Sở GDCK, thay vì chỉ chấm các báo cáo do DN tự nguyện đăng ký. Số lượng BCTN cần xét chọn tăng gấp 9 lần. Công việc nhiều lên, nhưng Ban Tổ chức luôn nỗ lực, với quan niệm, những DN đoạt giải sẽ được khích lệ, vinh danh, dần dần sẽ tạo nên văn hóa học tập nhau, nâng dần chất lượng làm BCTN của tất cả các DN.

2011: Yêu cầu đối với BCTN ngày càng cao theo hướng chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu thông tin của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tuy vẫn lấy Thông tư 09/2010/TT-BTC làm cơ sở chấm giải, nhưng trong yêu cầu của một BCTN chuẩn mực, đã có khung chấm điểm khắt khe hơn.

2012: Cuộc bình chọn kỷ niệm sinh nhật lần thứ 5. Ban Tổ chức và Hội đồng nhận thấy, nhiều BCTN đã thể hiện rất rõ cái “tâm” của người lãnh đạo DN khi có tinh thần trân trọng và cầu thị đối với cổ đông và nhà đầu tư.

Năm 2012, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Vương Đình Huệ, Phó thủ tướng Chính phủ đã đến dự Lễ trao giải Báo cáo thường niên tốt nhất, động viên các DN niêm yết và ghi nhận nỗ lực của các tổ chức thực hiện Cuộc bình chọn đặc biệt này.

2013: Ban Tổ chức bổ sung giải thưởng báo cáo phát triển bền vững (sustainability reporting award - SRA). Theo đó, Ban tổ chức đã quyết định hướng DN công khai thông tin và xây dựng môi trường kinh doanh dựa trên nền tảng phát triển bền vững thông qua các tiêu chí trách nhiệm của DN đối với với môi trường và xã hội. Mùa giải này Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và ACCA chính thức tham gia Hội đồng bình chọn.

2014: 50 DN có BCTN tốt nhất, 5 DN có nội dung quản trị công ty tốt nhất được vinh danh tại Lễ trao giải BCTN. Đây cũng là năm đầu tiên Ban Tổ chức quyết định vinh danh DN có nội dung quản trị công ty tốt nhất trong BCTN, nhằm hướng DN quan tâm nhiều hơn đến công tác này.

2015: Công tác chấm vòng sơ khảo được thực hiện bởi các chuyên gia độc lập thuộc Trường đại học kinh tế - Luật TP. HCM. Cùng với đó, trong năm này, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức tham gia Hội đồng chấm chung khảo, chấm điểm trực tiếp BCTN của các DN để đánh giá những điểm các DN đã làm được và chưa làm được trong công tác minh bạch, quản trị công ty.

2016: Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên 2016 tạo nên dấu ấn mạnh mẽ trong tư duy kinh doanh, quản trị của các DN khi thúc đẩy các DN khẳng định uy tín không chỉ bằng kinh doanh minh bạch, quản trị hiệu quả, mà còn bằng việc xác định tầm nhìn phát triển bền vững để vươn lên trong bối cảnh hội nhập. Đây cũng là năm các DN lớn trên TTCK phải thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh để thực hiện nguyên tắc bình đẳng trong tiếp nhận thông tin giữa nhà đầu tư Việt Nam và nhà đầu tư quốc tế.

Tin bài liên quan