Áp dụng quy định kế toán mới, công ty chứng khoán lúng túng

Áp dụng quy định kế toán mới, công ty chứng khoán lúng túng

(ĐTCK) Việc chưa rõ ràng và thiếu nhất quán tại các quy định về áp dụng nguyên tắc hạch toán theo giá thị trường khiến nhiều công ty chứng khoán lúng túng khi chuẩn bị lập báo cáo tài chính quý I/2017.

Theo quy định của Luật Kế toán và Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán, có hiệu lực từ đầu năm 2017, bắt đầu từ quý I/2017, các công ty chứng khoán (CTCK) sẽ hạch toán theo giá thị trường đối với một số tài sản xác định được giá thị trường như quy định tại Thông tư 210/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán áp dụng đối với CTCK có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 (Thông tư 210 định ra nguyên tắc CTCK được áp dụng phương pháp kế toán theo giá trị hợp lý khi Luật Kế toán cho phép).

Theo đại diện Bộ Tài chính, việc áp dụng nguyên tắc hạch toán theo giá thị trường sẽ áp dụng đối với các tài sản xác định được giá thị trường tin cậy như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ… Khi đó, sẽ phản ánh xác thực và minh bạch hơn sức khỏe tài chính của các CTCK.

Ngày 27/12/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 334/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung và thay thế Phụ lục 02 và 04 của Thông tư 210/2014/TT-BTC.

Kế toán trưởng một CTCK lớn cho biết, Luật Kế toán cho phép hạch toán theo giá thị trường, nhưng theo quy định mới tại Thông tư 334/2016/TT-BTC, với các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) thì lại hạch toán theo giá gốc.

Trong khi với các tài sản là cổ phiếu chưa niêm yết (OTC), hạch toán theo giá gốc được nhìn nhận là tạm chấp nhận được do không có cơ sở xác định giá thị trường, thì với các cổ phiếu niêm yết, việc hạch toán theo giá gốc là không hợp lý. Điều này khiến các CTCK đang lúng túng.

“Chúng tôi đang gửi thắc mắc tới cơ quan quản lý để giải tỏa sự không rõ ràng này”, vị kế toán trưởng trên nói và cho rằng, để thực hiện quy định mới về áp dụng nguyên tắc hạch toán theo giá thị trường, nhà quản lý cần sớm có hình thức hướng dẫn chi tiết.

Theo phản ánh của các CTCK, sự không rõ ràng trên khiến họ gặp khó khăn và rắc rối trong quá trình đầu tư, xây dựng hệ thống phần mềm cho bộ phận kế toán.

“Hệ thống quy định về kế toán áp dụng đối với CTCK hiện chưa rõ ràng và thay đổi khá thường xuyên, khiến CTCK gặp khó khi xây dựng hệ thống phần mềm kế toán. Chỉ cần vài chỉ tiêu thay đổi theo quy định mới là các thông số liên quan bị đảo lộn. Để giảm thiểu rủi ro này, công ty đành phải thiết lập báo cáo tài chính bằng phương pháp thủ công, chứ không dám sử dụng phần mềm chuyên biệt. Bởi lẽ, nếu sử dụng thì dễ có nguy cơ bị sai lệch và thường xuyên phải rà soát, đối chiếu nên mất nhiều thời gian”, đại diện một CTCK chia sẻ.

Ngoài ra, theo các CTCK, Thông tư 334/2016/TT-BTC được ban hành để khắc phục một số bất cập nổi cộm, nhưng do thời gian sửa đổi diễn ra gấp, nên chưa bao quát hết những nội dung cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn của thị trường.

Thực trạng này có thể khiến nhà quản lý tính việc sửa đổi tiếp trong thời gian tới. Diễn biến này vừa là điểm được mong đợi, nhưng cũng là một nỗi lo, các CTCK sẽ lại tốn thêm nhiều thời gian và chi phí cho việc tuân thủ các quy định về kế toán.

Thực tế cho thấy, một trong những góc khuất trong bức tranh tài chính của khối CTCK lâu nay liên quan đến danh mục cổ phiếu OTC, nhất là với các công ty có giá trị đầu tư lớn. Trong khi đó, do việc xác định giá thị trường đối với cổ phiếu OTC vẫn rơi vào bế tắc, nên chưa thể áp dụng nguyên tắc hạch toán theo giá thị trường, dẫn đến chưa phản ánh xác thực giá trị của khối tài sản này.

Việc các CTCK vẫn hạch toán chứng khoán OTC theo giá gốc, trong khi giá trên thực tế là bao nhiêu và khả năng các CTCK có thể bán được danh mục này hay không đang là một ẩn số.

Không ít tài sản chứng khoán OTC, theo nhìn nhận của nhiều nhà đầu tư, có giá trị “ảo” khi doanh nghiệp phát hành đã "chết", hoặc "chết lâm sàng", nhưng trên báo cáo tài chính của CTCK thì đó vẫn là một khoản đầu tư được hạch toán theo giá gốc. Một khi bóc tách giá trị này ra khỏi bức tranh tài chính của các CTCK thì sẽ tác động ra sao đến “độ đẹp” của báo cáo tài chính, cũng như sức khỏe thực của các công ty?    

Tin bài liên quan