Ẩn số tăng giá, tăng vốn tại HVA

Ẩn số tăng giá, tăng vốn tại HVA

(ĐTCK) Doanh thu, lợi nhuận giảm mạnh, cổ phiếu HVA của Công ty cổ phần Đầu tư HVA gây bất ngờ trên thị trường khi có chuỗi tăng giá mạnh thứ hai kể từ đầu năm đến nay. Ngày 28/8/2018, Đại hội đồng cổ đông HVA đã thông qua phương án tăng vốn thêm 4,5 lần, nhưng tính khả thi của kế hoạch gọi vốn, kế hoạch kinh doanh của Công ty được đặt nhiều dấu hỏi.

Hơn 1 tháng, thị giá tăng gần 3 lần

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/8/2018 tại mức giá 6.800 đồng/cổ phiếu, dù trước đó đã có 3 phiên giảm liên tiếp (mất 5,6% giá trị), cổ phiếu HVA vẫn có mức tăng ấn tượng 61,9% kể từ đầu tháng 8/2018.

So với thời điểm giữa tháng 7/2018, mức giá hiện nay của HVA thậm chí còn cao gấp 2,8 lần. HVA là một trong những cổ phiếu có mức sinh lợi cao nhất thị trường trong hơn 1 tháng trở lại đây.

Cổ phiếu HVA đã có chuỗi tăng trần 6 phiên liên tiếp từ ngày 16/8 - 23/8. Có phiên, thanh khoản lên đến gần 1,1 triệu đơn vị, chiếm 19,2% số cổ phiếu đang lưu hành.

Đây là đợt tăng giá mạnh thứ hai của HVA kể từ đầu năm đến nay. Trước đó, từ ngày 11/12/2017 đến 11/1/2018, HVA có chuỗi tăng giá ấn tượng từ 2.400 đồng/cổ phiếu lên 8.600 đồng/cổ phiếu, khiến lãnh đạo HVA phải gửi công văn đề nghị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) kiểm tra giao dịch và cảnh báo tới các nhà đầu tư nếu có dấu hiệu thao túng cổ phiếu, nhằm hạn chế những ảnh hưởng không đáng có đến Công ty.

Đáng chú ý, đợt tăng giá của HVA diễn ra ngay sau khi thông tin kết quả kinh doanh không mấy tích cực trong nửa đầu năm 2018 được công bố.

Báo cáo tài chính của HVA cho biết, Công ty đã đạt 15,7 tỷ đồng doanh thu và 6,2 triệu đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2018, giảm 30,8% và 96% so với cùng kỳ 2017.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Tổng giám đốc HVA cho biết, trong quý II/2018, việc Công ty thực hiện các dự án kinh doanh mới, các khoản chi để thực hiện dự án lớn, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao, dẫn đến lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ.

CTCP Đầu tư HVA tiền thân là CTCP Đầu tư xây lắp An Hưng, được thành lập tháng 5/2010 với vốn điều lệ 4,5 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng.

Năm 2014, An Hưng đổi tên thành CTCP Nông nghiệp xanh Hưng Việt, ngành nghề kinh doanh chuyển sang chăn nuôi, trồng trọt và đến tháng 7/2015, HVA chính thức niêm yết trên sàn HNX.

Giai đoạn này, cổ phiếu HVA cũng không được nhiều nhà đầu tư biết tới. Sau khi niêm yết, trong năm 2016, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm mạnh 84% và 80% so với 2015, trên thị trường, thị giá cổ phiếu cũng giảm về chưa đầy 3.000 đồng/cổ phiếu.

Câu chuyện về HVA chỉ thực sự thay đổi từ cuối năm 2017 từ khi Hưng Việt đổi tên thành CTCP Đầu tư HVA cùng với định hướng hoạt động chuyển sang đầu tư với các lĩnh vực được công bố là sản xuất nước giải khát, công nghệ thông tin, hạ tầng bán lẻ nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản, sản xuất thiết bị tự động.

Chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, HVA cũng nhanh chóng công bố việc triển khai dự án mới trên nền tảng tài sản số; trong đó, nổi bật là kế hoạch huy động 1.000 tỷ đồng cho dự án "Cho vay ngang hàng trên nền tảng blockchain” - mô hình mà người đi vay và người cho vay sẽ được kết nối trực tiếp với nhau.

Hiện tượng HVA đang đặt ra một dấu hỏi: Trong bối cảnh lĩnh vực đầu tư mới gặp không ít thách thức, niềm tin của nhà đầu tư lung lay, kết quả kinh doanh không cũng mấy thuận lợi, đợt tăng giá mạnh mẽ thứ hai của HVA đến từ đâu? Đợt tăng giá này liệu có thể đưa cổ phiếu lên tầm cao mới như những kỳ vọng được đưa ra, hay sẽ lại “bạo phát, bạo tàn” như lần trước đó?   

Theo kế hoạch HVA công bố, trong 6 năm (từ 2019 - 2024), kỳ vọng dự án sẽ đem về 1.937 tỷ đồng doanh thu và 1.134 tỷ đồng lợi nhuận.

Để thực hiện kế hoạch này, HVA đã đề xuất lập sàn giao dịch tài chính gắn với blockchain, đề xuất hoàn thiện khung pháp lý lên các cơ quan quản lý…

Tuy nhiên, kế hoạch này đang vấp phải nhiều khó khăn, trong đó quan trọng nhất là việc tại Việt Nam hiện chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho thị trường tài sản số.

Cùng với sự hạ nhiệt của “cơn sốt” tiền kỹ thuật số trên thị trường thế giới, thị giá cổ phiếu HVA trên thị trường chứng khoán trong nước sau khi chạm mốc 8.600 đồng/cổ phiếu đã lao dốc không phanh xuống hơn 3.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 2/2018.

Giao dịch ảm đạm kéo dài đến trước khi bước vào đợt sóng tăng giá mạnh mẽ vừa qua. 

Dấu hỏi bài toán tăng giá, tăng vốn

Ngày 28/8/2018, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của HVA cuối cùng đã được tổ chức, trễ gần 2 tháng so với quy định.

Tại Đại hội lần này, bên cạnh việc trình kế hoạch kinh doanh 2018 với chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận trước thuế lần lượt giảm 31,7% và 71,1% so với thực hiện năm 2017, HVA đã đề xuất thay đổi ngành nghề kinh doanh để tăng giới hạn sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% và đưa ra kế hoạch huy động 200 tỷ đồng vốn trong 2018.

Theo đó, HVA sẽ rút 46 ngành nghề kinh doanh, chủ yếu là trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi - nhóm ngành bị hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Để nới “room”, Đại hội cũng ủy quyền cho Hội đồng quản trị xem xét rút các ngành nghề kinh doanh khác thuộc nhóm kinh doanh có điều kiện, nếu phát sinh thêm.

Về việc huy động vốn, HVA dự kiến chào bán 20 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, bao gồm 10 triệu đơn vị phát hành cho cổ đông hiện hữu và 10 triệu đơn vị phát hành riêng lẻ.

Số tiền 200 tỷ đồng huy động sẽ được dùng để M&A các doanh nghiệp bán lẻ, bán buôn, sản xuất liên quan đến áp dụng công nghệ cao (100 tỷ đồng) và đầu tư vào dự án sàn giao dịch cho các hợp đồng hợp tác kinh doanh và các loại tài sản số hóa.

Gần một tuần trước khi Đại hội diễn ra, vào ngày 22/8, Hội đồng quản trị HVA đã ra nghị quyết chuyển toàn bộ các dự án liên quan đến blockchain sang các đơn vị có chuyên môn về công nghệ thông tin thực hiện, HVA sẽ tập trung vào lĩnh vực ngân hàng đầu tư như đã đề ra.

Diễn biến này cho thấy, dù gặp nhiều khó khăn, HVA vẫn không từ bỏ mục tiêu đầu tư vào lĩnh vực tài sản số. Điểm khác biệt là ở hình thức, trực tiếp hay gián tiếp.

Tuy vậy, với số dư tiền và tương đương tiền đến cuối tháng 6/2018, theo báo cáo tài chính tự lập chỉ còn hơn 441 triệu đồng (tính đến hết ngày 28/8, HVA vẫn chưa công bố báo cáo tài chính soát xét của kiểm toán) nguồn vốn đang cho thấy là một trong những khó khăn lớn nhất cho những kế hoạch đầy tham vọng của Công ty.

Báo cáo tài chính tự lập của HVA cũng cho biết, tính đến 30/6/2018, trong 78,7 tỷ đồng tổng tài sản, chiếm chủ yếu là khoản phải thu (với 27,3 tỷ đồng, tương đương 34,7%); đầu tư vào công ty liên kết (49,79 tỷ đồng, chiếm 63%).

Dù không có thuyết minh chi tiết về các khoản đầu tư này, nhưng đối chiếu với số dư tại thời điểm đầu năm 2017, nhiều khả năng đây chính là các khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư thương mại Hưng Nguyên (doanh nghiệp nuôi trồng, chăn nuôi thủy sản, với 28 tỷ đồng), CTCP Phát triển xây dựng 199 (doanh nghiệp xây dựng san lấp mặt bằng, với 6 tỷ đồng) và CTCP Thạch Thành Xuân (sản xuất, chăn nuôi với 15,79 tỷ đồng).

Trước đó, ngày 10/3/2018, HVA công bố trở thành cổ đông đồng sáng lập CTCP Quản lý tài sản số (DAMH) với vốn điều lệ 100 tỷ đồng.

Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (dichvuthongtin.dkkd.gov.vn) cũng ghi nhận doanh nghiệp có tên tương tự được thành lập ngày 23/4/2018. Tuy nhiên, báo cáo tài chính tự lập quý II/2018 chưa có thông tin nào về khoản đầu tư này.

Như vậy, dù rầm rộ triển khai, giới thiệu, HVA vẫn chưa ghi nhận tài sản đáng kể hình thành trong lĩnh vực tài sản số. Chìa khóa cho các kế hoạch tham vọng của HVA được cho là sẽ phụ thuộc vào kết quả của đợt huy động 200 tỷ đồng vốn tới đây.

Số tiền này cao gấp 3,5 lần vốn điều lệ và tính khả thi đang bị thị trường đặt dấu hỏi.

Cụ thể, dù tăng giá mạnh trong hơn 1 tháng qua, mức giá HVA dự kiến phát hành hiện vẫn cao hơn 30% so với thị giá cổ phiếu trên thị trường. Lên kế hoạch tăng vốn mạnh, trong khi lợi nhuận thụt lùi, triển vọng kinh doanh trong lĩnh vực mới cũng chưa có gì sáng sủa từ yếu tố cơ bản nhất là khung pháp lý, liệu cổ đông, nhà đầu tư có sẵn sàng bỏ vốn vào HVA?

Bên cạnh đó, từ đầu tháng 8/2018 đến nay, báo chí đồng loạt đưa tin về ngành công nghiệp cho vay ngang hàng (P2P lending) trị giá 192 tỷ USD của Trung Quốc đang rơi vào tình cảnh chao đảo, với một loạt vụ phá sản của công ty cho vay ngang hàng.

Trong nước, một số thương vụ phát hành tiền số bị nghi ngờ lừa đảo càng khiến niếm tin của nhà đầu tư vào các tài sản số thêm lung lay.

Là doanh nghiệp niêm yết tiên phong đầu tư vào tài sản số, một lĩnh vực mới mẻ, HVA chủ động trình các cơ quan quản lý về đề xuất hoàn thiện khung pháp lý, mở cửa chính sách cho doanh nghiệp.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của HVA cũng ghi nhận việc tái cơ cấu toàn diện của HVA, từ thay đổi Ban lãnh đạo đến ngành nghề kinh doanh, chuyển đổi trụ sở làm việc… với mục tiêu giải quyết khó khăn và tiếp tục theo đuổi lĩnh vực này.

Hiện tượng HVA đang đặt ra một dấu hỏi: Trong bối cảnh lĩnh vực đầu tư mới gặp không ít thách thức, niềm tin của nhà đầu tư lung lay, kết quả kinh doanh không cũng mấy thuận lợi, đợt tăng giá mạnh mẽ thứ hai của HVA đến từ đâu? Đợt tăng giá này liệu có thể đưa cổ phiếu lên tầm cao mới như những kỳ vọng được đưa ra, hay sẽ lại “bạo phát, bạo tàn” như lần trước đó?

Tin bài liên quan