Sản phẩm chứng quyền có bảo đảm được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư

Sản phẩm chứng quyền có bảo đảm được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư

Ẩn số sản phẩm chứng quyền có đảm bảo “made in Vietnam”

(ĐTCK) Hiện tại, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) cùng các thành viên thị trường đang khẩn trương hoàn thiện công tác chuẩn bị cuối cùng để cho ra mắt sản phẩm Chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW). 
 

Trước thông tin này, có thể sẽ nhiều câu hỏi được nhà đầu tư đặt ra như: Tại sao phải triển khai sản phẩm này? Sản phẩm này có thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư không? Khi nào sẽ triển khai và loại chứng quyền nào được triển khai đầu tiên trên thị trường? Trong bài viết này, chúng tôi hy vọng sẽ giải đáp được những câu hỏi đó.

Chứng quyền có bảo đảm - nhìn từ quốc tế                   

Chứng quyền có bảo đảm đầu tiên xuất hiện vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước tại Hồng Kông, sau đó lan rộng và phát triển mạnh ở cả thị trường châu Á và châu Âu. Từ năm 2003 đến nay, số lượng chứng quyền niêm yết và giá trị giao dịch đã tăng lên một cách nhanh chóng.

Theo thống kê của Liên đoàn Các sở giao dịch chứng khoán thế giới, tính đến cuối năm 2015, đã có hơn 1,7 triệu loại chứng quyền được niêm yết trên toàn cầu và giá trị chứng quyền giao dịch đã đạt hơn 1.000 tỷ USD, đặc biệt trong Top 10 thị trường chứng quyền hàng đầu thế giới có 5 thị trường tại châu Á, bao gồm: Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia.

Trong suốt thời gian xuất hiện trên thị trường chứng khoán, chứng quyền có bảo đảm luôn được đánh giá là một trong những sản phẩm tài chính phái sinh năng động nhất dành cho các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là những nhà đầu tư thích rủi ro bởi các đặc tính như tỷ lệ đòn bẩy cao, chi phí đầu tư thấp và vòng đời sản phẩm ngắn hạn.

Nhìn tổng quan các thị trường có giao dịch chứng quyền sôi động và thành công như Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan..., có thể thấy phần lớn các nhà đầu tư cá nhân chính là thành phần tham gia tích cực vào thị trường.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, trong suốt 16 năm hình thành và phát triển, nhà đầu tư cá nhân luôn chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường và xu hướng đầu tư chủ yếu là ngắn hạn. Tính đến nay, đã có hơn 1,6 triệu tài khoản của nhà đầu tư, trong đó 98% là nhà đầu tư cá nhân, đây chính là nền tảng để kỳ vọng sản phẩm chứng quyền có bảo đảm thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, xét về chủng loại hàng hóa, có thể nói hàng hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam là khá ít, chỉ bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ, thị trường còn thiếu nhiều loại sản phẩm đầu tư khác như chứng khoán phái sinh hay các sản phẩm cấu trúc.

Điều này đã dẫn đến một hạn chế khá lớn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam mà nhiều nhà đầu tư thường gọi đó là thị trường một chiều. Nhà đầu tư chỉ có cách mua cổ phiếu và chờ giá lên, bởi thị trường thiếu các công cụ để nhà đầu tư có thể cân bằng vị thế cho mình và kiếm tiền khi thị trường xuống giá.

Như vậy, với bản chất tương tự như các công cụ phái sinh, nhưng được giao dịch và thanh toán giống như cổ phiếu, việc triển khai chứng quyền có bảo đảm được kỳ vọng sẽ đáp ứng đa dạng các phân khúc nhu cầu và khẩu vị rủi ro khác nhau của nhà đầu tư trên thị trường. Ngoài ra, việc không giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài cũng tạo điều kiện góp phần thu hút dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh có nhiều cổ phiếu đã chạm ngưỡng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

(còn tiếp)

Tin bài liên quan