Các nhà đầu tư đều thận trọng, nên rủi ro suy giảm ở các nhóm cổ phiếu là như nhau. Ảnh Shutterstock.

Các nhà đầu tư đều thận trọng, nên rủi ro suy giảm ở các nhóm cổ phiếu là như nhau. Ảnh Shutterstock.

95% nhà đầu tư bị bào mòn tài khoản

(ĐTCK) Trong gần 1 tháng qua, chỉ số VN-Index giảm từ 1.025 điểm xuống dưới 960 điểm, mức giảm chung là hơn 6%, nhưng tài khoản của nhiều nhà đầu tư bị bào mòn gấp đôi, gấp ba. 

Phần lớn nhà đầu tư thua lỗ

Không phải khi VN-Index điều chỉnh, nhà đầu tư mới thua lỗ, mà giai đoạn cuối tháng 10, đầu tháng 11, thị trường có diễn biến tăng, không ít nhà đầu tư cũng lỗ.

Tình trạng này không khó hiểu, bởi chỉ số tăng điểm chủ yếu do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn kéo lên, còn hầu hết cổ phiếu khác giảm giá.

Với đợt điều chỉnh sau đó, nhiều cổ phiếu tiếp tục giảm giá, ngay cả những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trụ cũng chịu cảnh mất mát. Chỉ trong hơn 2 tuần gần đây, cổ phiếu VNM giảm giá hơn 10%, VCB giảm 13%...

Theo thống kê sơ bộ của ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank, chỉ khoảng 5% nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam có lãi, 95% nhà đầu tư thua lỗ, hoặc hòa vốn.

Con số này cho thấy, hoạt động đầu tư kiếm lời ngắn hạn trên thị trường chứng khoán ngày càng khó khăn, thua lỗ xảy ra với những nhà đầu tư vào/ra sai thời điểm và sai mã cổ phiếu.

Ông Trung cho rằng, đa phần nhà đầu tư để cổ phiếu bị lỗ lớn, hơn là cho phép cổ phiếu đạt mức lãi lớn, nghĩa là nhà đầu tư chấp nhận chốt khoản lãi nhỏ và không kịp thời cắt lỗ khi mức lỗ còn nhỏ.

Cụ thể, trong tài khoản có nhiều cổ phiếu, nhà đầu tư thấy cổ phiếu nào nhích lên sẽ bán ra, dù còn tiềm năng tăng, trong khi nhóm cổ phiếu đang tạm lỗ thì sẽ không cắt.

Điều này vô hình trung làm mất cơ hội tăng giá đối với cổ phiếu đã bán, trong khi các cổ phiếu còn lại tăng thêm tỷ lệ thua lỗ.

So sánh với thời điểm VN-Index đạt hơn 1.200 điểm trong tháng 3/2019, nhiều cổ phiếu hiện có mức giá giảm từ 15 - 40%, chủ yếu nằm ở nhóm doanh nghiệp sản xuất như thủy sản, sắt thép, dệt may.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, theo phân tích kỹ thuật, không ít mã cổ phiếu đang giảm về sát mức hỗ trợ.

Tuy nhiên, giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn là tâm điểm và quyết định mức độ hồi phục của các cổ phiếu lẫn chỉ số.

“Ba phiên vừa qua, khối ngoại mua ròng. Nhưng lưu ý, họ luôn hiện diện ở cả bên mua và bán. Tôi có cảm giác, họ chủ động hơn ở bên bán. Tức là, nếu họ có động thái xả hàng trong những phiên tới, thì cổ phiếu nhiều khả năng tiếp tục giảm giá, chỉ số tiếp tục giảm điểm. Hy vọng, tại những thời điểm cổ phiếu giảm về sát ngưỡng hỗ trợ, lực bắt đáy sẽ đủ lớn”, ông Lân chia sẻ.

Thận trọng khi bắt đáy

Ở khía cạnh đầu tư, sự điều chỉnh của thị trường sẽ mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư có nhiều tiền mặt và các nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục. Thực tế, cổ phiếu giảm giá càng mạnh càng kích thích lòng tham của nhà đầu tư.

Theo một số chuyên gia phân tích kỹ thuật, ACB, MSN, MWG, FRT… là các cổ phiếu giảm giá trong thời gian qua và có chỉ số khá đẹp, nhưng số lượng này không nhiều.

Ông Hoàng Thạch Lân khuyến nghị, thị trường vẫn khó lường, nếu đánh cược với những cổ phiếu như thế, nhà đầu tư chỉ nên bỏ ít tiền vào thăm dò.

Chiến lược bình quân giá cũng vậy (mua thêm khi giá tiếp tục giảm), không nên mua với toàn bộ số tiền còn lại. Vấn đề của người bắt đáy không hẳn là kinh nghiệm nhìn biểu đồ, mà là rủi ro hệ thống.

Trong khi đó, đối với những nhà đầu tư giá trị, việc giá cổ phiếu chiết khấu cao là cơ hội để gia tăng tích lũy, nhưng phù hợp với đầu tư dài hạn hơn là lướt sóng.

Có ý kiến cho rằng, trong điều kiện thị trường khó có thể hình thành nhịp tăng trở lại ngay lập tức, thì với tất cả các dòng cổ phiếu, rủi ro đều lấn át cơ hội.

Nếu đánh cược "bắt đáy" thì cần chọn những cổ phiếu vốn là tác nhân dẫn đến nhịp giảm mạnh trực tiếp vừa qua như VHM, VIC, VCB…, bởi nhịp dẫn dắt nhịp hồi phục có thể xuất phát từ nhóm này.

Thông thường, khi thị trường đang ở xu thế tăng mà các mã vốn hóa lớn có dấu hiệu chốt lời thì nhóm vốn hóa trung bình, rồi đến nhóm vốn hóa nhỏ sẽ nổi lên thay thế.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chỉ số VN-Index giảm sốc, nhóm vốn hóa lớn cũng giảm mạnh, thị trường không đơn thuần có hiện tượng chốt lời.

Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư đều thận trọng, khiến thị trường hầu như không có sự chuyển dịch dòng tiền giữa các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trung bình, hay nhỏ, mà rủi ro suy giảm cả 3 nhóm là như nhau.

Tháng 12 mở đầu với câu chuyện thị trường chứng khoán suy giảm mạnh khiến nhiều thành viên thị trường lo lắng, năm nay, chứng khoán khó có cái kết đẹp.       

Tin bài liên quan