5 sự thật “mất lòng” trên TTCK Việt Nam

5 sự thật “mất lòng” trên TTCK Việt Nam

(ĐTCK) Nhằm kiểm soát rủi ro trong đầu tư chứng khoán, trước tiên, nhà đầu tư cần nhận diện được bản chất sâu bên trong các vấn đề mang tính tổng quan và bao quát, cụ thể là những sự thật ở tầng kinh tế vĩ mô, sau đó là hiện trạng của thị trường chứng khoán (TTCK). 

Hàn thử biểu sai lệch

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2019 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng đầu năm 2019 tăng 6,98% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây.

Nhà đầu tư có thể lập luận rằng, nền kinh tế tăng trưởng dương nhiều năm qua, xét từ thời điểm đầu năm 2018 tới nay, GDP giữ đà tăng này, nhưng TTCK chỉ tăng nhẹ, chỉ số VN-Index vẫn dao động dưới mức 1.000 điểm.

TTCK là “lăng kính” để quan sát diễn biến nền kinh tế nên có lẽ thị trường sắp tới sẽ có diễn biến tăng.

Tuy nhiên, lập luận này có nhiều sai sót và kẽ hở. Ðầu tiên, VN-Index đại diện cho tất cả các công ty niêm yết trên HOSE, nhưng đây là chỉ số theo trọng số của vốn hóa, mà vốn hóa hiện tại chiếm chủ yếu là nhóm ngành tài chính - ngân hàng, bất động sản, chứng khoán. Sự tăng trưởng của 3 nhóm ngành này không thể đại diện cho cả nền kinh tế.

Thứ hai, việc tính trên vốn hóa mà không xét tới tỷ lệ lượng cổ phiếu lưu hành tự do trên thị trường cũng là thiếu sót, vì đa phần các ngân hàng lớn có tỷ lệ sở hữu nhà nước ở mức cao, đối với những doanh nghiệp tư nhân lớn thì lượng cổ phiếu chủ yếu thuộc sở hữu của các cổ đông lớn, nên có sự sai lệch về tính đại diện đối với chỉ số VN-Index.

Thứ ba, mối quan hệ tương quan của hai biến số trên trong khoảng thời gian càng ngắn thì càng thấp (xét trong thời gian dài, chẳng hạn từ năm 2008 tới nay, thì diễn biến nền kinh tế và chỉ số VN-Index biến động đồng pha).

Ðây là thực tế đã tồn tại từ lâu, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng nhận diện được, kéo theo nhiều chỉ số mà các quỹ đầu tư hoặc những nhà tư vấn ưa thích dùng để gọi vốn như hệ số P/E TTCK, tỷ trọng vốn hóa cổ phiếu/GDP…

Các chỉ tiêu này được xem là “đang thấp và hấp dẫn”, từ đó có thể thu hút thêm vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhưng trên thực tế, nền kinh tế có không ít điểm nghẽn cần xử lý trong dài hạn để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Ngay cả việc cổ phần hóa, đăng ký giao dịch và niêm yết cũng kéo dài với nhiều vấn đề tồn đọng, chủ yếu là vấn đề quyết toán, định giá doanh nghiệp.

Giai đoạn thị trường đạt đỉnh quanh 1.200 điểm vào đầu năm 2018, một lượng vốn khổng lồ từ các quỹ đầu tư nước ngoài cho tới các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đổ vào TTCK Việt Nam, với áp lực giải ngân vào những công ty đầu ngành và bây giờ dòng tiền này đang bị kẹt tại những cổ phiếu ở vùng giá cao, cũng là biểu hiện của “chất” không theo kịp “lượng”.

Nhận diện được điều này giúp nhà đầu tư không bị lòng tham kéo vào những con sóng trên thị trường, để rồi gánh chịu thiệt hại khi thủy triều rút. 

Giá nhiều cổ phiếu không biến động tương quan với kết quả kinh doanh

Nhiều trường hợp, công ty kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận tăng trưởng trong nhiều năm, nhưng giá cổ phiếu không tăng. Ngược lại, có những công ty không tăng trưởng thì giá cổ phiếu lại tăng kéo dài.

Việc không ngừng đặt câu hỏi tại sao, tạo ra sự liên kết giữa các dữ kiện, số liệu, giúp tìm ra được hướng đi hợp lý trong đầu tư.      

Lý do có thể suy luận từ “hiện tượng” này là các công ty được niêm yết trên sàn với giá quá cao hoặc quá thấp so với giá trị thực, dẫn tới một thời gian dài sau đó, thị giá biến động không tương quan với kết quả kinh doanh.

Tuy nhiên, có những trường hợp thị giá không liên quan tới hoạt động cơ bản của công ty, chẳng hạn cổ phần hầu như nằm im trong tay các cổ đông lớn.

Khi nhà đầu tư dùng thị giá là “sợi dây liên kết” trong quá trình phân tích doanh nghiệp thì cần hiểu chất liệu làm nên sợi dây đó là gì, đi sâu vào thực tế kinh doanh của công ty để tránh những trường hợp ngộ nhận và không thể tìm được đáp án cho những câu hỏi bắt nguồn từ giá cổ phiếu. 

Tìm cơ hội đầu tư rất khó

Hầu như giá trị giao dịch hàng ngày trên các sàn được đóng góp bởi 80 - 90% là các nhà đầu tư cá nhân, nhưng lại không phải là những người nhận được giá trị từ các khoản đầu tư, hầu hết giá trị tạo ra bởi những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả rơi vào tay các cổ đông lớn và các tổ chức lớn.

Ðơn giản là vì nhiều nhà đầu tư cá nhân có chuyên môn, trình độ không cao, lại có tốc độ “đánh võng” lớn, dễ dẫn tới phá vỡ kỷ luật trong đầu tư.

Ngoài ra, hoạt động “lướt sóng” khiến giá cổ phiếu biến động mạnh, nhất là nhóm ngành chứng khoán và bất động sản, nên được xếp vào loại có hệ số rủi ro cao.

Thậm chí, không ít doanh nghiệp cũng tham gia vào quá trình này, việc vay nợ thông qua các công ty chứng khoán tương đối dễ dàng, cùng với việc lôi kéo nhà đầu tư cá nhân tham gia lướt sóng tạo ra giá trị nhiều cho doanh nghiệp hơn là hoạt động kinh doanh bình thường.

Theo đó, những bên tham gia vào thị trường được hưởng lợi chủ yếu là bên cung cấp nguồn vốn, bên cung cấp dịch vụ trung gian và những nhà đầu tư dài hạn - sự thật này tồn tại ở khắp nơi trên thế giới.

Thực tế, việc tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một doanh nghiệp tốt với giá cả hợp lý vô cùng khó và hiếm hoi.

5 sự thật “mất lòng” trên TTCK Việt Nam ảnh 1

Ðối với một số nhà đầu tư ngại rủi ro, họ tìm kiếm những doanh nghiệp không vay nợ hoặc vay nợ ít để đảm bảo rằng doanh nghiệp có dòng tiền mạnh và rủi ro khi sử dụng đòn bẩy thấp.

Nhưng trên thị trường, nhìn đâu cũng thấy doanh nghiệp vay nợ nhiều, tìm được doanh nghiệp vay nợ ít thì đó là các doanh nghiệp “tí hon”, ít thông tin để phân tích, trường hợp doanh nghiệp đầu ngành lại có thị giá cao.

Xem xét cấu trúc nguồn vốn tài trợ cho các doanh nghiệp, ước tính 80 - 90% doanh nghiệp trên sàn sử dụng nợ vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh hàng ngày, lượng vốn huy động hàng năm thông qua phát hành chứng khoán trên thị trường chỉ bằng 1/10 lượng vốn cung ứng từ ngân hàng, thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển.

Ðiều này chứng tỏ, TTCK Việt Nam chưa phát huy được hết vai trò là kênh huy động vốn trung - dài hạn cho các doanh nghiệp và khi không thể huy động được vốn cổ phần, hệ thống ngân hàng có tác động rất lớn tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ðiển hình trong giai đoạn vừa qua, các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn thay thế vốn vay, phải huy động trái phiếu với lãi suất cao.

Khi đa phần các doanh nghiệp đều vay nợ thì việc của nhà đầu tư không phải cứ né tránh mãi, mà cần tìm những doanh nghiệp vay nợ ở mức vừa phải hoặc ít, kiểm soát và sử dụng nợ vay tốt. Lưu ý, nợ vay tăng không phải là chỉ báo trước cho việc doanh nghiệp mở rộng đầu tư sẽ thành công. 

Ngộ nhận về đầu tư giá trị

Triết lý đầu tư của các nhà đầu tư giá trị huyền thoại của thế giới được cho là “lỗi thời” khi áp dụng tại Việt Nam, dù giá cổ phiếu đi lên cùng giá trị doanh nghiệp trong dài hạn là “nguyên tắc” bất biến, chứ không phải một món hàng hay thời trang mà có thể lỗi thời.

Ðiểm chính yếu là việc ngộ nhận và vận dụng sai kiến thức, sai thực tế dẫn tới sai lầm và sau này gây hiểu lầm về mặt phương pháp.

Thậm chí, TTCK Việt Nam khá giống với thị trường Mỹ những năm 1950 - 1960, khi có rất nhiều công ty giao dịch dưới giá trị sổ sách.

Ðiểm khác biệt là các nhà đầu tư mong muốn tìm được những công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững theo chiến lược của Warren Buffett, nhưng ở Việt Nam có rất ít công ty đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như thương hiệu mạnh, chi phí thấp, chi phí chuyển đổi cao, bí mật kinh doanh lớn...

Thực tế, Việt Nam là nước nông nghiệp, đang phát triển công nghiệp nặng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao hầu như chưa phát triển và ứng dụng công nghệ còn nhiều hạn chế.

Mặc dù có thế mạnh về khí hậu, đất đai, nhưng làm nông nghiệp rất khó có lời, mặc dù có thể nhận chuyển giao công nghệ để hỗ trợ phát triển công nghiệp nặng nhưng vẫn vấp phải sự cạnh tranh lớn từ Trung Quốc, các nước Ðông Nam Á.

Nhiều nhà đầu tư mất niềm tin vào doanh nghiệp

Ða số nhà đầu tư mất niềm tin vào doanh nghiệp, thị trường và rộng hơn là cả nền kinh tế. Con người thường nhìn thế giới theo cách mà họ trải nghiệm và suy nghĩ, nhìn theo những góc nhìn hẹp và tiêu cực, nhưng thực tế chưa chắc đã là như vậy.

Ðiều này dẫn tới số lượng nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam còn rất ít tính trên dân số.

Xu thế là thứ có thể thay đổi, nhưng quá trình hoàn thiện và phát triển là điều luôn tồn tại và tất cả các quốc gia đều hướng tới.

Sự phát triển của nền kinh tế cần đi kèm với sự phát triển của thị trường vốn, chứ không chỉ mãi phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng và nhà đầu tư muốn kiếm tiền bền vững thì không còn cách nào khác ngoài việc không ngừng học hỏi từng ngày, thay vì giữ mãi những cái nhìn tiêu cực.

Cuối cùng, việc không ngừng đặt câu hỏi tại sao, tạo ra sự liên kết giữa các dữ kiện, số liệu, giúp tìm ra được hướng đi hợp lý, cũng tương tự như bản chất của việc phân tích trong đầu tư không yêu cầu sự chính xác như câu nói của một nhà đầu tư nổi tiếng, “tôi thành công không phải vì tôi chính xác, mà là do tôi làm đúng”.

Sự thật thì luôn “mất lòng”, nhưng sự thật mới làm nhà đầu tư trưởng thành trong đầu tư nói riêng và cuộc sống nói chung.

Tin bài liên quan