Bà Phương Hoàng Lan Hương và ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HOSE gặp lại những người bạn Mỹ trong chuyến công tác năm 2015

Bà Phương Hoàng Lan Hương và ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HOSE gặp lại những người bạn Mỹ trong chuyến công tác năm 2015

20 năm thị trường chứng khoán: bước ngoặt tình cờ thành duyên phận

(ĐTCK) Đầu năm 1997, theo giới thiệu của một người bạn, tôi “đầu quân” về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khoảng gần 5 tháng sau khi Ủy ban được thành lập. Bước ngoặt này có lý do là… sự tò mò một ngành mới, rất mới. 

Tôi rất muốn biết thị trường chứng khoán được vận hành như thế nào, mặc dù trước đó đã có lưng vốn kiến thức về chứng khoán khi tham gia khoá học về phát triển doanh nghiệp tại Hà Lan và sau này là khóa MBA Việt Bỉ. Giờ đây, ngồi ngẫm lại, đó chính là bước ngoặt duyên phận của mình.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng trong nền kinh tế và trở thành kênh đầu tư hấp dẫn với giới đầu tư trong và ngoài nước. Những thuật ngữ chứng khoán như cổ phần, cổ phiếu, cổ tức, niêm yết, khớp lệnh, phát hành, công bố thông tin, minh bạch... đã trở nên quen thuộc không chỉ với giới đầu tư. Nhưng hai mươi năm trước, chứng khoán và thị trường chứng khoán chỉ là những khái niệm khá mơ hồ đối với đa số mọi người.

20 năm thị trường chứng khoán: bước ngoặt tình cờ thành duyên phận ảnh 1

Bà Phương Hoàng Lan Hương

Tôi bắt đầu công việc ở Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán. Chức năng của Vụ thời đó nói nôm na là cấp phép hoạt động kinh doanh chứng khoán cho các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư, các quỹ đầu tư huy động vốn tại Việt Nam và quản lý hoạt động lưu ký chứng khoán. Những năm Uỷ ban mới thành lập, chúng tôi tập trung vào học tập và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về các nội dung theo chức năng nhiệm vụ của Vụ. Anh Vũ Bằng là Vụ trưởng lúc đó.

Các cán bộ trong Vụ hầu hết là những người rất trẻ, mới ra trường, đầy nhiệt huyết. Số người có mười mấy năm đi làm ở doanh nghiệp như tôi không nhiều. Tôi được phân công đầu tiên vào mảng nghiên cứu về tổ chức, vận hành của công ty quản lý quỹ và các loại quỹ đầu tư.

Thực tế, ở hầu hết các thị trường, công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư thường ra đời sau khi thị trường chứng khoán đã hoạt động một thời gian. Bởi vì trong giai đoạn đầu, người đầu tư thường thích tự đầu tư, thay vì đầu tư gián tiếp thông qua việc mua các chứng chỉ quỹ đầu tư hoặc uỷ thác quản lý tài sản. Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua đã cho thấy rõ điều đó.

Do cần ưu tiên thúc đẩy sự ra đời của các tổ chức trung gian là các công ty chứng khoán để chuẩn bị cho sự ra đời của thị trường vào năm 2000, phòng tôi được giao thêm việc cấp phép và quản lý các công ty chứng khoán thuộc các tổ chức phi ngân hàng. Chính ở đó, tôi đã may mắn được tham gia vào quá trình hỗ trợ hoàn tất các thủ tục để được cấp phép hoạt động kinh doanh chứng khoán cho ba trong số bốn công ty chứng khoán đầu tiên: Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và Công ty cổ phần Chứng khoán Đệ Nhất.

20 năm thị trường chứng khoán: bước ngoặt tình cờ thành duyên phận ảnh 2

Đa phần các tổ chức đứng ra thành lập công ty chứng khoán thời kỳ đầu là các định chế tài chính lớn như công ty bảo hiểm, ngân hàng tên tuổi. SSI và Đệ Nhất là những ngoại lệ. Ngày ấy, việc thành lập công ty chứng khoán có lẽ với mục tiêu chính là  “đặt chân” vào một lĩnh vực mới mẻ, đầy tiềm năng trong tương lai, chắc chưa tổ chức nào nghĩ đến lợi nhuận khi thị trường mở cửa vào tháng 7/2000 có tận 7 công ty chứng khoán mà chỉ hai cổ phiếu niêm yết!

Khó ai ngờ rằng, khi thị trường chứng khoán bùng nổ khoảng 5, 6 năm sau đấy (2006 - 2007), số các công ty chứng khoán lại lên tới con số trên 100, với chủ sở hữu rất đa dạng về thành phần và ngành nghề. Nhưng đó lại là thực tế ở rất nhiều nước đang phát triển trong giai đoạn đầu của thị trường. Tôi nhớ, hồi cuối năm 2005, tôi tham gia đoàn khảo sát thị trường chứng khoán tại Hungary và Đức. Tại Hungary, chúng tôi có đến làm việc với một công ty chứng khoán gần như lớn nhất nước này khi đó. Khi kể về lịch sử phát triển của Công ty, họ nói là đã mua vài chục công ty chứng khoán. Chúng tôi phải hỏi đi hỏi lại là vài hay vài chục công ty. Họ nói chính xác là vài chục, vì cũng có thời kỳ những năm đầu sau khi Hungary mở lại thị trường chứng khoán vào năm 1992 (Sở Giao dịch chứng khoán có ở Budapest từ những năm cuối thế kỷ 19, sau đó đóng cửa vào giữa thế kỷ 20), có đến gần 100 công ty chứng khoán được phép hoạt động và sau đó diễn ra quá trình thâu tóm, sáp nhập, hợp nhất giữa nhiều công ty chứng khoán, gần giống như quá trình tái cấu trúc các tổ chức trung gian chúng ta đang thực hiện hiện nay. Phải chăng đó là sự tất yếu, sinh tồn và đào thải trong nền kinh tế thị trường theo quy luật cung - cầu của các thị trường mới nổi, hay sự khắc nghiệt của thị trường chứng khoán mà ngày ấy, tôi chắc những thế hệ tiên phong cũng mới chỉ biết trên sách vở?

Ngày ấy, ranh giới giữa cơ quan quản lý, người quản lý giám sát và các công ty chứng khoán, đối tượng chịu sự quản lý giám sát dường như không có. Chúng tôi cùng hỗ trợ lẫn nhau để xây dựng nên quy trình, các quy chế... Có lẽ đây cũng là một trong những nét rất đặc trưng, riêng biệt của thị trường chứng khoán Việt Nam thời “khởi nghiệp”. Đã có rất nhiều sự thay đổi theo năm tháng. Cùng với sự phát triển của thị trường, mảng công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư được tách ra thành một vụ riêng. Mảng lưu ký không còn tồn tại mà chuyển chung vào việc xây dựng cơ chế chính sách và quản lý của Vụ Phát triển thị trường. Thế hệ cán bộ đầu tiên, những đồng nghiệp đầy nhiệt thành và vui vẻ của tôi ngày ấy ở Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán, mỗi người mỗi ngả đường khác nhau: người vẫn ở lại làm công tác quản lý ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, người ra làm kinh doanh hay chuyển sang vị trí, công việc khác. Giờ đây, cũng có người may mắn có chút thành công, người rẽ ngang chọn hai chữ bình yên và có cả người thất bại. Âu cũng là số phận của mỗi người, nhưng dù số phận thế nào, tôi cho rằng, họ vẫn có quyền tự hào vì những công sức đã đóng góp để hình thành nên một ngành chứng khoán hôm nay.

Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đối với tôi đó là “nghiệp”, đến bây giờ, tôi có thể khẳng định được điều đó. Khi tôi còn làm việc ở Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán, tôi không hề có một chút hứng thú nào với mảng quản lý hoạt động lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán, thậm chí, ngay cả khi tôi được giao nhiệm vụ chỉ đạo trực tiếp việc xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) theo định hướng đã được Chính phủ phê duyệt (năm 2003) tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2010.

Chỉ khi được giao trọng trách là người đứng đầu VSD, lúc đầu là Phó giám đốc phụ trách, sau đó là Tổng giám đốc rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị, thử thách nối tiếp thử thách để rồi chính mình cảm nhận những chuyên môn mang nặng tính kỹ thuật như nghiệp vụ của Trung tâm Lưu ký chứng khoán cũng có nhiều thứ hay mà toàn tâm toàn ý vào công việc mình mới khám phá ra.

Năm 2005, VSD được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai phòng đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán trực thuộc hai Trung tâm giao dịch chứng khoán TP. HCM và Hà Nội. Chúng tôi nhận bàn giao từ hai trung tâm giao dịch chứng khoán vào tháng 5/2006 và chính thức hoạt động từ tháng 7 cùng năm. Đây là thời gian đầy khó khăn và thử thách đối với chúng tôi: không trụ sở, nói đúng ra là đi ngồi nhờ tận ba nơi, gồm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hai trung tâm giao dịch; hệ thống công nghệ thông tin sơ đẳng, phân tán, có sự khác biệt không nhỏ giữa hệ thống của hai trung tâm giao dịch chứng khoán xây dựng trước đó, rất nhiều khâu tác nghiệp phải xử lý thủ công...

Trong khi đó, thị trường vào năm 2006 bắt đầu có những chuyển biến rõ rệt sau khoảng thời gian dài “ì ạch”. Đặc biệt là chính sách ưu đãi thuế khi niêm yết đã thúc đẩy hàng loạt công ty lên sàn. Thị trường bùng nổ vào cuối năm 2006 - 2007 dẫn đến sự ra đời của hàng loạt công ty chứng khoán. Vấn đề nhân sự nóng hổi. Lương bổng và chế độ đãi ngộ được dùng làm công cụ để lôi kéo nhân sự có năng lực. Lương trong ngành chứng khoán nói riêng và ngành tài chính nói chung được đẩy lên mặt bằng mới. Ở VSD, không ít cán bộ có năng lực lung lay vì những cơ hội trải nghiệm ở những môi trường cọ xát với thực tế và thách thức đầy thú vị! Thực khó mà không dao động khi VSD lúc đó hoạt động theo mô hình đơn vị hành chính sự nghiệp, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu do ngân sách cấp, lương bổng eo hẹp, chưa kể những khó khăn, thiếu thốn đủ thứ về cơ sở vật chật, cơ chế... Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác chạnh lòng khi tổng nguồn thu năm 2007 của chúng tôi không bằng số lẻ hàng chục (tỷ đồng) của Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM và còn thấp hơn cả số thu của Trung tâm Đào tạo chứng khoán (khi đó đào tạo chứng khoán rất “hot”, có lẽ khó khi nào có thể lặp lại).

Vượt lên trên những khó khăn, đội ngũ cán bộ VSD cùng với Ban lãnh đạo giải quyết lần lượt những “núi” công việc trong điều kiện cơ sở vật chất hết sức thiếu thốn của cơ quan mới thành lập, chưa kể áp lực vì những đòi hỏi của thị trường, của người đầu tư do bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể làm “rơi mất tiền” của họ. Cách đây 10 năm thôi, các đồng nghiệp của tôi, đội ngũ cán bộ đến từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hai trung tâm giao dịch chứng khoán và cả tuyển dụng mới, hiếm có người được về nhà trước 7h30 - 8h tối, thậm chí có ngày phải thức thâu đêm khi hệ thống có sự cố. Họ đã phải phó thác việc gia đình cho bố mẹ, vợ, chồng để cống hiến cho cơ quan. Băn khoăn có, tâm tư cũng có, nhưng hình như kêu ca phàn nàn thì không. Cho dù những công việc họ làm chỉ là những việc nhỏ so với bộn bề trọng trách nhiệm vụ chung của ngành, nhưng những hy sinh thầm lặng đó rất đáng được trân trọng.

Nhờ tinh thần “vượt khó, vượt khổ” đó mà chúng tôi đã tạo nên nhiều dấu ấn trong hơn 10 năm hoạt động. Chúng tôi đã không ngừng cải tiến quy trình tác nghiệp của tất cả các hoạt động chính bao gồm đăng ký, lưu ký thực hiện quyền cho người sở hữu chứng khoán, thanh toán bù trừ; nghiên cứu đề xuất việc giảm thời gian thanh toán; đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới và thay đổi phương thức cung cấp dịch vụ để nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ và quản trị rủi ro (luôn là niềm tự hào về sản phẩm “made in Vietnam” của chúng tôi); ứng dụng các giải pháp kết nối với các thành viên để giảm thiểu thời gian và thủ tục xử lý nghiệp vụ; đưa ra những sản phẩm mới như dịch vụ vay và cho vay chứng khoán, dịch vụ biểu quyết bằng điện tử, dịch vụ cho các quỹ đầu tư chứng khoán và các quỹ hoán đổi danh mục (quỹ ETF); cấp mã số giao dịch trực tuyến cho nhà đầu tư nước ngoài...

Rất nhiều vấn đề khi giải quyết, chúng tôi phải “căng người” để cân bằng mục tiêu, mong muốn và cả lợi ích của các thành viên thị trường, người đầu tư với những điều kiện hiện có và khả năng kiểm soát rủi ro hệ thống tại VSD. Việc giảm thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán là một ví dụ. Thời gian thanh toán T+3 cho đến nay vẫn là thông lệ quốc tế chung do các chuyên gia tên tuổi của ngân hàng thanh toán quốc tế BIS khuyến cáo áp dụng ở các thị trường. Trong một thời gian dài, chúng ta đã duy trì quy định người đầu tư chỉ được bán chứng khoán vào ngày T+4. Tất nhiên, thời gian thanh toán càng ngắn, chứng khoán càng sớm về tài khoản thì càng tăng cơ hội giao dịch cho người đầu tư và qua đó, góp phần gián tiếp tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Thị trường mong mỏi điều đó và chúng tôi cũng nhận được sự chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính có giải pháp để có thể rút ngắn hơn thời gian thanh toán, trước mắt là người đầu tư có thể bán chứng khoán vào ngày T+3. Chúng tôi không bảo thủ khi đưa ra những phân tích rõ ràng về những rào cản trong khoảng thời gian đó để quy định này được duy trì thời gian dài. Bởi vì suy cho cùng, giải quyết được vấn đề này thì “cả làng” cùng sướng và thành tích của chúng tôi tất nhiên là sẽ không nhỏ.

Tuy nhiên, các điều kiện cần thiết để giảm thời gian thanh toán lại không phải chỉ xuất phát riêng từ bản thân VSD, mà còn từ các tổ chức cùng tham gia vào hệ thống thanh toán như công ty chứng khoán, ngân hàng thanh toán và cả hệ thống thanh toán tiền liên ngân hàng... Việc điều chỉnh hệ thống công nghệ thông tin tại VSD không phải là vấn đề phức tạp trong trường hợp này. Vấn đề chính mà chúng tôi cứ phải “cân đo đong đếm” chính là quản trị rủi ro cho hệ thống thanh toán, tránh sự đổ vỡ mà cái giá phải trả không thể đo đếm được.

Thế rồi, mọi việc cũng được từng bước tháo gỡ. Với sự đồng thuận cao của các công ty chứng khoán, tôi vẫn nhớ những tràng vỗ tay rào rào của lãnh đạo các công ty chứng khoán tại một hội nghị khi tôi đề cập đến giải pháp để nhà đầu tư có thể bán chứng khoán vào ngày T+3 kèm theo điều kiện quản lý rủi ro nho nhỏ mà các công ty chứng khoán phải cam kết thực hiện.

Rồi một số ý kiến xôn xao từ phía các ngân hàng lưu ký nước ngoài trao đi đổi lại xuất phát từ cách hiểu và hạch toán, chúng tôi đã dời thời gian thực hiện thanh toán tại VSD từ chiều ngày T+3 xuống 8h sáng cùng ngày, kết thúc thanh toán trước giờ giao dịch hàng ngày (9 giờ sáng) để nhà đầu tư có thể bán chứng khoán ngay trong ngày T+3. Một bước đệm cần thiết, có thể không phải là thông lệ tốt nhất, nhưng hài hoà để tiến tới việc đưa thời gian thanh toán về T+2 như hiện nay.

Có rất nhiều câu chuyện trong ngần ấy năm đáng để kể ra. Chúng tôi đã có may mắn được tham gia từ đầu vào việc xây dựng một ngành mới, được chứng kiến những chuyển biến tạo nên những thành quả đáng tự hào của ngành, tuy đâu đó có phảng phất chút khắc nghiệt theo những thăng trầm của thị trường. Thật khó có thể tưởng tượng ra thị trường chứng khoán 10 năm nữa sẽ phát triển đến mức nào, bởi vì thực tế, nhiều thứ chúng ta thấy được của ngày hôm nay không hẳn giống như tưởng tượng của ngày ấy. Nhưng có một thứ mà tôi tin rằng sẽ ngày càng được hoàn thiện tốt hơn, đó chính là sự minh bạch của thị trường, nền tảng để tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư và cho sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tin bài liên quan