20 năm nữa, Việt Nam sẽ xây dựng được khoản vay dài hạn lớn, dựa vào quỹ hưu trí tư nhân

20 năm nữa, Việt Nam sẽ xây dựng được khoản vay dài hạn lớn, dựa vào quỹ hưu trí tư nhân

(ĐTCK) Thị trường vốn, tài chính Việt Nam đang có sự mất cân đối, ảnh hưởng đến khả năng huy động và cấp vốn dài hạn cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Để khắc phục hạn chế này, theo các chuyên gia, cần tạo cơ chế để phát triển quỹ hưu trí tự nguyện và giải quyết những bất cập để thị trường trái phiếu phát triển mạnh hơn nữa.

Doanh nghiệp gặp khó vì vốn mỏng

Câu chuyện vốn mỏng do khó khăn trong tiếp cận vốn và hệ lụy của nó tới tình trạng sức khỏe yếu của doanh nghiệp trong vai trò là các chủ thể tham gia và đóng góp vào sự phát triển của thị trường, nền kinh tế một lần nữa lại được đặt ra tại Diễn đàn chuyên đề thị trường vốn tài chính với chủ đề “Mở rộng thị trường vốn, tài chính Việt Nam - Giải pháp và thách thức” do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phối hợp với báo Vnexpress tổ chức vừa diễn ra sáng 21/8.

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê đến ngày 31/12/2016 có tới 53% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam không có lợi nhuận, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp  thiếu khả quan phải chăng do tình trạng vốn mỏng?

“Doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, do đó chi phí tài chính cao, cộng thêm các chi phí khác khiến doanh nghiệp kinh doanh chưa tốt. Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu nhà nước còn hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng băn khoăn, liệu gánh nặng của huy động vốn ngân hàng có đang quá sức, chưa kể sự mất cân đối giữa thị trường ngắn hạn và dài hạn của thị trường vốn. Vì vậy, theo Phó thủ tướng, cần xem lại tình trạng mất cân đối giữa thị trường tín dụng với thị trường vốn. Trong hoạt động tín dụng, cũng cần xem lại mất cân đối giữa tỷ trọng tín dụng với các dịch vụ gia tăng, bởi hiện nhiều tổ chức tín dụng chủ yếu là dựa trên nền tảng hoạt động tín dụng. 

“Chúng ta phải phát triển thị trường theo hướng hiện đại và quốc tế, đặc biệt là giải pháp cung cấp vốn, các giải pháp cần đẩy mạnh trong công tác cổ phần hoá, thoái vốn, tái cấu trúc thị trường, tăng cường năng lực hấp thụ của hệ thống các chủ thể tham gia thị trường và củng cố tài chính ngân hàng, nhất là trong tình hình kinh tế có nhiều biến động”, Phó thủ tướng gợi mở.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Fiachra MacCana, Giám đốc điều hành Khối Khách hàng tổ chức, Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM(HSC) cho rằng, thiếu vốn dài hạn là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng vốn mỏng. 

“Tạo ra quỹ hỗ trợ vốn dài hạn là một trong những giải pháp giúp giải quyết tình trạng vốn mỏng một cách hữu hiệu tại các ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng cần nâng vốn để giảm tình trạng vốn mỏng, đồng thời cung cấp các giải pháp để có gói vay dài hơn”, ông Fiachra MacCana đề xuất. Cũng theo chuyên gia này, khi nói đến vấn đề dài hạn, có thể tính tới các khoản vay thế chấp dài hạn, trong thời gian 30-40 năm.

“Trong khoảng 20 năm nữa, Việt Nam sẽ xây dựng được khoản vay dài hạn lớn, dựa vào quỹ hưu trí tư nhân - công cụ cung cấp vốn dài hạn hiệu quả. Đây cũng là một trong những giải pháp nâng nguồn vốn cho các doanh nghiệp", ông MacCana nói và cho biết: "Trong thị trường vốn, quỹ hưu trí có thể là giải pháp để nâng trần khối ngoại. Trong đó, chứng chỉ lưu ký (DR) không có quyền biểu quyết của nhà đầu tư nước ngoài và cổ phần vàng cho nhà nước được xem là cách để tăng sở hữu nước ngoài, giúp nhà đầu tư thâm nhập sâu hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam".

Cần rộng đường cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Liên quan tới kênh huy động vốn từ thị trường chứng khoán, theo Phó thủ tướng, cần giải quyết những bất cập còn tồn tại hiện nay là phát triển thị trường trái phiếu để phát huy tích cực vai trò huy động vốn từ thị trường đầy tiềm năng này.

20 năm nữa, Việt Nam sẽ xây dựng được khoản vay dài hạn lớn, dựa vào quỹ hưu trí tư nhân - công cụ cung cấp vốn dài hạn hiệu quả. Đây cũng là một trong những giải pháp nâng nguồn vốn cho các doanh nghiệp.

Về vấn đề này, ông Alwaleed Fareed Alatabani, chuyên gia tài chính trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, phát hành trái phiếu Chính phủ là bước đi phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện tại. Dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp can thiệp, song một thực tế là, thời gian qua, các ngân hàng vẫn phải chịu những áp lực nhất định, nhất là với tăng trưởng về tín dụng, nguồn vốn dài hạn tương đối mỏng.

"Nếu nhìn ra bên ngoài, chúng ta sẽ thấy có một số giải pháp khác như kỳ hạn của những gói vay, huy động 6 tháng, 9 tháng hay 1 năm. Đặc biệt, chúng ta phải làm thế nào huy động được nguồn vốn dài hơi hơn", ông Alatabani gợi mở và cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là cơ hội tạo bước đột phá mới giúp giải quyết vấn đề này một cách hữu hiệu.

Cùng quan điểm đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital khuyến nghị, cần nỗ lực đẩy mạnh hơn các cải cách môi trường pháp lý, chính sách minh bạch để gia tăng vai trò của các định chế phi ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho thị trường.

Theo chuyên gia này, từ năm 2014 đến nay, thị trường vốn tài chính Việt Nam phát triển nhanh và sôi động, nổi bật là thị trường cổ phiếu với nhiều khởi sắc. Sự phát triển mạnh của thị trường này đã hỗ trợ tăng nguồn vốn dài hạn và là động lực để khuyến khích các nhà đầu tư tập trung vào thị trường trái phiếu.

Bên cạnh đó, ông Andy Hồ cũng đề xuất, có thể chỉ định một quỹ ủy thác hoặc cơ quan ủy thác đứng ra trong việc mua bán trái phiếu của doanh nghiệp, để tạo niềm tin cho nhà đầu tư khi đầu tư mua trái phiếu, chứng khoán, cổ phếu dưới những dạng thức đa dạng.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, cơ hội thu hút các nguồn đầu tư trong nước (với dòng tiền nhàn rỗi) vào trái phiếu khi có thị trường là rất lớn. Ngoài ra, đề xuất cho phép phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng là một trong những ý kiến rất đáng quan tâm nhằm thúc đẩy đa dạng hóa nguồn vốn và thị trường trái phiếu bên cạnh các kênh chứng khoán, bất động sản, đồng thời sẽ làm nền kinh tế hấp dẫn hơn, năng động hơn.

Về đề xuất quỹ hưu trí tự nguyện, Phó thủ tướng cho biết, thực tế Chính phủ đã có những nghị định rất sớm để chỉ đạo với mục tiêu đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an toàn tài chính cho người nghỉ hưu. Đặc biệt, Trung ương cũng đã ban hành hẳn Nghị quyết số 28/HNTW 7 khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, đề ra những biện pháp nhằm bảo đảm cân đối, bền vững các quỹ trong dài hạn, trong đó có quỹ hưu trí tự nguyện...

“Vấn đề đặt ra là cần cụ thể hóa bằng những cơ chế, chính sách phù hợp, do vậy, đây là những thông tin rất đáng nghiên cứu, tham khảo, những giải pháp đề xuất mang tính bền vững và thực chất, khá phù hợp với những chỉ đạo của Chính phủ về chiến lược phát triển kinh tế xã hội và phù hợp với thực trạng nền tài chính Việt Nam hiện nay”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Tin bài liên quan