Nhà đầu tư trong nước là bên mua trong thương vụ thoái vốn của Dragon Capital tại ACB.

Nhà đầu tư trong nước là bên mua trong thương vụ thoái vốn của Dragon Capital tại ACB.

Chứng khoán Việt Nam: Vốn nội "cân" hết vốn ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự kiện Dragon Capital thoái toàn bộ vốn tại Ngân hàng ACB sau gần 25 năm nắm giữ khiến các nhà đầu tư có một trải nghiệm đáng chú ý trong tuần qua.

Nhà đầu tư nội bỏ hơn 3.200 tỷ đồng mua ACB

Trong phiên giao dịch ngày 10/3/2021, hơn 100 triệu cổ phiếu ACB (của Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu) được giao dịch thỏa thuận ở mức giá 32.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị giao dịch tương đương gần 3.202 tỷ đồng.

Trước đó, hai tổ chức có liên quan đến Dragon Capital là First Burns Investments Limited và Asia Reach Investments Limited đăng bán ký ra gần 108 triệu cổ phiếu ACB. Như vậy, nhiều khả năng hai thành viên của Dragon Capital đã thực hiện bán ra cổ phiếu ACB như đã đăng ký.

Động thái của Dragon Capital được chú ý bởi đây là khoản đầu tư mà quỹ này nắm giữ gần 25 năm qua, tức là gần bằng quãng thời gian hoạt động của quỹ tại Việt Nam. Cũng đáng chú ý là bên mua trong giao dịch thỏa thuận trên là các nhà đầu tư nội, tương tự như nhiều thương vụ thoái vốn của Dragon Capital trong một số doanh nghiệp gần đây, chẳng hạn tại DIC Corp.

Nhìn rộng hơn bức tranh chung về vốn ngoại trên thị trường, dòng vốn chủ động vẫn tiếp tục bị rút ròng như số liệu đã thống kê.

Vốn ngoại bán ròng không phải là ngoại lệ. Có thể thấy, diễn biến tích cực của dòng vốn vào cổ phiếu các thị trường phát triển và thị trường mới nổi lớn lại tạo thành sức ép với các thị trường mới nổi nhỏ và thị trường cận biên. Dòng vốn tháng 2 cũng rút mạnh khỏi các thị trường Malaysia, Philippines, Thái Lan.

Hiện tại, xu hướng vốn dịch chuyển về các thị trường phát triển đang khá mạnh trước sức hút từ câu chuyện phục hồi kinh tế của Mỹ, nên có thể làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với dòng vốn đầu tư toàn cầu. Lợi tức, trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng có thể khiến dòng vốn ngoại tiếp tục quay trở lại các thị trường phát triển.

Bên cạnh vốn chủ động, dòng vốn ETF cũng hạ nhiệt. Tính chung cả tháng 2, cổ phiếu Việt Nam vẫn có khoảng 12,3 triệu USD vốn vào nhờ dòng vốn vào ETF (tăng 32 triệu USD). Tuy vẫn là tháng thứ 4 liên tiếp có vốn vào, nhưng quy mô đã giảm mạnh so với mức rất cao của tháng 12/2020 và tháng 1/2021.

Đáng chú ý là xu hướng rút ròng khá mạnh trong nửa cuối tháng 2 ở các quỹ ETF. Chẳng hạn, Quỹ VFM VN30 bị rút ròng 673 tỷ đồng trong tháng 2, phần lớn do nhà đầu tư Hàn Quốc rút tiền khỏi Quỹ KIM Kindex Vietnam VN30 ETF và do đó gián tiếp bị rút khỏi VFM VN30.

Kỳ vọng vốn ngoại sớm trở lại

Dragon Capital thu về hơn 3.200 tỷ đồng nhưng tiền này có chảy ra khỏi Việt Nam không, câu hỏi này có lẽ không khó để trả lời vì Quỹ đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới. Tương tự là động thái của nhiều quỹ khác. Họ bán ròng nhưng vẫn đang chờ đợi cơ hội cho một nhịp mới, khi giá nhiều cổ phiếu đã đạt đỉnh trong 5 năm gần đây.

Từ đầu năm ngoái đến nay, ước giá trị bán ròng của khối ngoại khoảng 7.000 tỷ đồng.

Cho đến nay, dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán có quy mô nhỏ, lượng bán ròng như đã đề cập đến 7.000 tỷ đồng, trong trường hợp rút khỏi Việt Nam cũng không phải là vấn đề đáng ngại.

Về tổng thể, cán cân thanh toán của Việt Nam trong nhiều năm gần đây liên tục dương, bởi thế tỷ giá sẽ không có biến động lớn, VND vẫn ổn định. Quan ngại về vốn ngoại rút ròng ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ là không có.

Còn về mặt tâm lý, xu hướng này đã diễn ra từ rất lâu nên không tác động quá lớn đến nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, các quỹ cũng không hẳn chiến thắng thị trường. Đơn cử, Dragon Capital thoái toàn bộ vốn tại DIC Corp với giá 23.000 đồng/cổ phiếu, sau đó cổ phiếu DIG đã “chạy” tới vùng giá 36.000 đồng/cổ phiếu và hiện duy trì ở mức trên 30.000 đồng/cổ phiếu.

Ở nhiều mã cổ phiếu khác cũng ghi nhận sự bứt phá sau khi quỹ ngoại hoặc nhà đầu tư nước ngoài thoái bớt vốn như tại Fecon, Chứng khoán BSC, Lộc Trời... Nhiều nhà đầu tư cho biết, nếu quỹ ngoại còn giữ cổ phiếu, sẽ rất khó có sự bứt phá vì nếu giá cổ phiếu tăng mạnh, nhiều khả năng các quỹ sẽ bán ra chốt lời, cổ đông lớn nếu muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu sẽ mua đắt, dĩ nhiên chẳng ai muốn điều đó.

Bao giờ vốn ngoại sẽ đảo chiều? Những tín hiệu dẫn sóng có lẽ sẽ nằm ở các quỹ ETF. Trong tháng 2, VFM Diamond ETF vào ròng 1.270 tỷ đồng, VanEck Vectors Vietnam 143 tỷ đồng, FTSE Vietnam 129 tỷ đồng. Xu hướng này tiếp tục duy trì trong tháng 3 không, chúng ta sẽ chờ xem.

Nhìn sang khu vực, dòng vốn vào các quỹ ETF cổ phiếu là 104 tỷ USD, tương đương 73,5% tổng lượng vốn vào cổ phiếu, tập trung vào thị trường Mỹ và các quỹ đầu tư đa quốc gia. Dòng vốn ETF đã trở lại thị trường Trung Quốc (+5,9 tỷ USD) sau mức sụt giảm mạnh của tháng 1 (- 6,4 tỷ USD).

Các quỹ cổ phiếu ghi nhận tháng thứ 6 liên tiếp có dòng tiền vào. Trong tháng 2, có 141 tỷ USD vốn vào cổ phiếu, tăng khoảng 70% so với dòng vốn vào tháng 1 và là tháng có dòng vốn vào cổ phiếu mạnh nhất kể từ đầu năm 2018 đến nay. Lượng vốn mới phân bổ ở cả thị trường phát triển và thị trường mới nổi.

Sự phục hồi kinh tế sau Covid-19 là động lực chính hấp dẫn dòng vốn vào thị trường chứng khoán. Trong khảo sát tháng 2 của Bank of America Merrill Lynch, các nhà quản lý quỹ đang áp dụng mức phân bổ tiền mặt thấp nhất kể từ tháng 3/2013 đến nay, trong khi mức phân bổ vào hàng hóa và cổ phiếu đang cao nhất kể từ tháng 2/2011.

Dù vậy, hiện ba rủi ro chính có thể tác động mạnh đến thị trường là: tiến trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19; diễn biến thị trường trái phiếu và xu hướng của lạm phát. Đây có thể là chìa khóa cho diễn biến thị trường trong thời gian tới và có tác động đáng kể tới hành động của các nhà đầu tư tổ chức, trong đó có vốn ngoại. Bởi thế, thời điểm này, nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò quan trọng.

Câu hỏi đặt ra là khi nhà đầu tư tổ chức và vốn ngoại giảm nhiệt, liệu đội quân đông đảo các nhà đầu tư cá nhân có giúp thị trường chứng khoán thiết lập kỷ lục mới.

Trong quá khứ, các ngưỡng tâm lý thị trường đã phải mất rất nhiều lần mới vượt qua được, ví dụ ngưỡng 1.000 điểm phải mất 7 lần mới vượt được trong giai đoạn 2018 - 2020 hay ngưỡng 600 điểm trong giai đoạn 2014 - 2016.

Với ngưỡng 1.200 điểm, VN-Index 3 lần tiệm cận thử thách mốc này trong các năm 2007, 2018 và tháng 1/2021 đều thất bại và tạo điểm gãy trong xu hướng khiến số đông nhà đầu tư thua lỗ.

Nếu so sánh thời điểm này với thời điểm đầu 2018 thì mức lãi suất hiện nay thấp hơn nhiều, nhưng thị trường lại có nhiều biến động hơn do hiện nay số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ở mức rất cao. Điểm giống nhau giữa hai thời điểm là đều có rủi ro về việc lãi suất có thể tăng trở lại trong bối cảnh kinh tế hồi phục nhanh và lạm phát tăng trở lại.

Cần theo dõi tiếp động thái khối ngoại

Ông Trần Thăng Long, Trưởng bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC)

Trong giai đoạn kinh tế chậm tăng trưởng trong vòng 1 năm thì việc tăng CPI cũng là một trong số các dấu hiệu cho thấy sự phục hồi đang được kỳ vọng. Điều đáng sợ nhất là kinh tế tăng trưởng chậm mà CPI tiếp tục giảm.

CPT tháng 2 tăng mạnh, mức tăng này phần lớn đến từ 3 nhóm, gồm nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 4%); nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 1,61%), nhóm giao thông (tăng 1,55%). Các yếu tố trên đều có tính chất là bật lại do ảnh hưởng của Tết, hoặc do ảnh hưởng của diễn biến giá thế giới, bắt nguồn từ kỳ vọng phục hồi của kinh tế sau đại dịch.

Các yếu tố đầu vào của các nhóm nói trên đều giảm hoặc tăng nhẹ trong hơn 1 năm vừa qua do sức ép của dịch bệnh, dẫn đến đà tăng của chỉ số CPI (so với cùng kỳ năm trước) cuối năm 2020 gần như nằm yên ở 0,19% so với cuối năm 2019.

Bây giờ, do kỳ vọng kinh tế phục hồi nên CPI bật lại là việc bình thường, sau 1-2 tháng tới, mức độ tăng sẽ bình ổn hơn (gần hơn với tốc độ tăng của CPI lõi). Nếu nhìn góc nhìn khác so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2 chỉ tăng 0,7%, thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay.

Còn góc nhìn về diễn biến bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, từ sau Tết đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tới 12 phiên liên tiếp, quy mô bán ròng trên HOSE lên trên 7.000 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng ở các thị trường mới nổi và cận biên đã diễn ra một thời gian. Khi thị trường chứng khoán các quốc gia phát triển đang có hiệu quả tốt hơn thì việc rút ròng từ các thị trường khác về thị trường phát triển là điều bình thường. Tất nhiên, từ góc độ nhà đầu tư các nước cận biên như Việt Nam sẽ không tốt lắm và sẽ cần theo dõi tiếp để xem diễn biến tiếp theo như thế nào.

Tin bài liên quan