Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán vẫn lình xình, vàng, dầu tăng trở lại

(ĐTCK) Thông tin kinh tế trái chiều tiếp tục được công bố khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán lúng túng. Trong khi đó, đồng USD bất ngờ giảm mạnh xuống mức thấp nhất hơn 1 tuần đã hỗ trợ cho vàng và dầu tăng giá.

Kinh tế Mỹ tiếp tục cho các thông tin trái chiều. Theo báo cáo mới nhất vừa được công bố, đơn đặt hàng mới cho hàng hóa sản xuất giảm 0,4% trong tháng 4, sau khi tăng 2,2% trong tháng 3. Đơn đặt hàng nhà máy đã giảm 8 trong 9 tháng qua do nhu cầu yếu và bị ảnh hưởng bởi đồng USD mạnh và giá dầu thô thấp.

Trong khi đó, doanh số bán xe ô tô tháng 5 lại tăng tăng mạnh theo năm, lên mức 17,79 triệu xe, từ mức 16,5 triệu xe trong tháng 4, mức mạnh nhất kể từ mua Hè năm 2005.

Những thông tin trên khiến phố Wall tiếp tục có phiên giằng co trong phiên thứ Ba, nhưng khác với phiên đầu tuần, các chỉ số lại đóng cửa với sắc đỏ nhạt.

Hiện giới đầu tư đang tập trung vào các báo cáo kinh tế lớn của Mỹ trong tuần, trong đó quan trọng nhất là báo cáo việc làm sẽ được công bố vào thứ Sáu.

Kết thúc phiên 2/6, chỉ số Dow Jones giảm 28,43 điểm (-0,16%), xuống 18.011,94 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,13 điểm (-0,10%), xuống 2.109,60 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 6,40 điểm (-0,13%), xuống 5.076,52 điểm.

Trên thị trường châu Âu, thông tin mới nhất cho biết, các cuộc họp giữa Hy Lạp và các chủ nợ gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Liên minh châu Âu tại Berlin (Đức) đã có nhiều tiến bộ và điều khoản của một dự thảo thỏa thuận đã đạt được và có thể được hoàn tất trong tuần này.

Tuy nhiên, thông tin tích cực này đã được giới chức Hy Lạp phát đi từ tuần trước và dường như nó đã phản ánh vào thị trường chứng khoán trong các phiên trước, nên không mấy tác động tới thị trường trong phiên giao dịch hôm thứ Ba.

Giới đầu tư đang hướng sự chú ý vào cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thứ Tư.

Kết thúc phiên 2/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 25,31 điểm (-0,36%), xuống 6.928,27 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 107,25 điểm (-0,94%), xuống 11.328,80 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 20,84 điểm (-0,41%), xuống 5.004,46 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã chấm dứt chuỗi 12 phiên tăng liên tiếp của mình bằng phiên giảm nhẹ hôm thứ Ba do áp lực chốt lời của giới đầu tư. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông đảo chiều giảm trở lại khi giới đầu tư chờ đợi hướng dẫn chính thức về chính sách đầu tư xuyên biên giới từ đại lục. Trong khi độ nóng của chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn chưa dừng lại khi chỉ số Shanghai Composite tiếp tục có phiên tăng mạnh lên mức cao nhất hơn 7 năm rưỡi và đang trên đà chinh phục đỉnh cao lịch sử được xác lập đầu tháng 10/2007.

Kết thúc phiên 2/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 26,68 điểm (-0,13%), xuống 20.543,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 130,44 điểm (-0,47%), xuống 27.466,72 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 81,79 điểm (+1,69%), lên 4.910,53 điểm.

Tưởng chừng vàng sẽ tiếp tục chịu sức ép từ đồng USD mạnh và có phiên giảm giá tiếp theo trong tuần, nhưng thông tin hỗ trợ bất ngờ đã đến. Sau chuỗi phiên giảm giá, xuyên qua ngưỡng 1.190 USD/ounce, lực cầu bắt đáy đã gia tăng, giúp giá vàng hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba.

Ngoài ra, sau phiên đầu tuần, đồng USD bất ngờ giảm mạnh trong phiên thứ Ba với chỉ số USD giảm 1,5%, xuống mức thấp nhất hơn 1 tuần, qua đó hỗ trợ cho các loại hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh, trong đó có vàng. Bên cạnh đó, vàng cũng nhận được thông tin hỗ trợ từ bên ngoài khi dầu tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 2/6, giá vàng giao ngay tăng 3,9 USD (+0,33%), lên 1.192,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 5,8 USD/ounce (+0,49%), lên 1.194,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 5,4 USD/ounce (+0,45%), lên 1.194,1 USD/ounce.

Như đã đề cập ở trên, sau phiên giảm đầu tuần, giá dầu thô đã tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Ba, lên mức cao nhất 2 tuần. Cũng giống như vàng, giá dầu được hưởng lợi khi đồng USD giảm mạnh xuống mức thấp nhất hơn 1 tuần.

Kết thúc phiên 2/6, giá dầu thô Mỹ tăng 1,06 USD/thùng (+1,73%), lên 61,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,61 USD (+0,93%), lên 65,49 USD/thùng.

Tin bài liên quan