GDP tăng thấp, chứng khoán vẫn nhiều cơ hội
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 từ 6,5% xuống 6,3%, trong bối cảnh nền kinh tế 6 tháng đầu năm khép lại với mức tăng trưởng 5,73%.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nền kinh tế tăng trưởng thấp trong nửa đầu năm nay so với mục tiêu chủ yếu là do ngành dầu khí và khai khoáng đứng thứ tư về giá trị đóng góp vào GDP, nhưng trong kỳ tăng trưởng âm 8,2%, kéo giảm mức tăng trưởng chung.
Tuy nhiên, ông Linh cho rằng, nhiều khả năng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay sẽ đạt được và nền kinh tế có triển vọng tăng trưởng cao hơn trong các năm tiếp theo, từ 7 - 8%/năm. Bởi lẽ, phần lớn các ngành kinh tế có mức tăng trưởng cao, trong khi Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh.
Bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) nhận định, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng thấp hơn so với mục tiêu đề ra, nhưng xuyên suốt từ đầu năm đến giờ, Chính phủ vẫn cho thấy quyết tâm trong việc đảm bảo hoàn thành mục tiêu này.
Cụ thể, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% được giữ nguyên, dù GDP quý I tăng thấp. Số liệu GDP quý II cho thấy, mức tăng trưởng ước đạt 6,17%, cải thiện đáng kể so với quý I/2017 là 5,15% và so với cùng kỳ năm ngoái là 5,78%. Theo đó, GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,73%, cao hơn mức tăng 5,65% của cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm có nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán vẫn có xu hướng tăng điểm, VN-Index kết thúc tháng 6 tăng gần 17% so với cuối năm 2016. Thị trường sau đó duy trì xu hướng tăng, vừa qua có 2 phiên điều chỉnh mạnh (7 và 10/7), nhưng hiện tiếp tục có diễn biến khả quan.
Ông Linh cho biết, thị trường chứng khoán có một cơ cấu lệch so với cơ cấu nền kinh tế. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản chiếm tỷ trọng không cao trong cơ cấu GDP, nhưng trên thị trường chứng khoán, những lĩnh vực này chiếm khoảng 50%. Với cơ cấu lệch như vậy, dù nền kinh tế đi xuống nhưng thị trường chứng khoán vẫn có thể đi lên, nếu các lĩnh vực trên tăng trưởng.
Mặt khác, diễn biến trên thị trường chứng khoán thể hiện niềm tin và kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng kinh tế nói chung, các doanh nghiệp niêm yết nói riêng. Khi có niềm tin, nhà đầu tư sẽ mạnh dạn đổ tiền vào thị trường, nâng mức định giá cổ phiếu. Từ đầu năm đến nay, niềm tin này được củng cố khi thị trường chứng khoán nhận được không ít yếu tố hỗ trợ, trong đó có yếu tố lãi suất thấp, tỷ giá ổn định, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng.
Lãi suất và tỷ giá là hai yếu tố được dự đoán sẽ là rủi ro đối với nền kinh tế vĩ mô trong năm nay, nhưng đã không xảy ra. Lãi suất đã được duy trì ở mức thấp trong thời gian dài. Về tỷ giá, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, rủi ro biến động tỷ giá khi nhu cầu ngoại tệ có thể tăng dần từ giữa tháng 8/2017, tạm thời được loại bỏ.
Ảnh: Dũng Minh.
Về vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, giá trị mua ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm 2017 tăng đột biến so với các năm trước. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 9.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, so với cùng kỳ năm ngoái bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể lượng đầu tư gián tiếp vào Việt Nam thông qua các thương vụ M&A.
Thống kê từ một số ngân hàng nước ngoài cho thấy, dòng vốn ngoại có xu hướng chảy mạnh vào Việt Nam. Gần đây nhất, Hãng hàng không Nhật Bản ANA chuyển tiền mua cổ phiếu Vietnam Airlines giá trị hơn 100 triệu USD.
Liên quan đến lãi suất thấp và động thái nới lỏng tiền tệ, ông Linh cảnh báo, lãi suất thấp kéo dài tiềm ẩn rủi ro dòng tiền đi vào các kênh tạo ra giá trị không cao, đặc biệt là bất động sản. Lịch sử đã chứng kiến 2 lần khủng hoảng do nới lỏng tiền tệ, tăng trưởng tín dụng “nóng”, gây lạm phát cao vào năm 2007, 2010.
“Nếu nới lỏng không đúng cách, không đúng hướng, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Rủi ro này chưa thể xảy ra trong năm nay, nhưng tiềm ẩn cho năm sau, bởi vì lãi suất của Việt Nam không thể duy trì mức thấp trong thời gian quá dài”, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư, SSI nói.
Tiền nên chọn đầu tư ngành nào?
Về cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm, nhiều chuyên gia nhận định, chỉ số chứng khoán sẽ tạo lập các mức cao mới.
Theo MBKE, lợi nhuận năm 2017 của các doanh nghiệp niêm yết kỳ vọng tăng trưởng gần 14% (nếu loại bỏ nhóm dầu khí, con số tăng trưởng có thể đạt 17%), cao hơn mức trung bình của khu vực. Triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng giúp thị trường có diễn biến khả quan.
Tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành và đích đến dòng tiền trong thời gian tới nhiều khả năng tập trung vào các doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt và đội ngũ quản trị chuyên nghiệp, các doanh nghiệp gắn với các thương vụ thoái vốn nhà nước và mở “room” cho nhà đầu tư nước ngoài.
Về các nhóm ngành đầu tư, chuyên gia SSI cho rằng, với nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu, không chỉ ngân hàng mà những công ty bất động sản tham gia vào quá trình xử lý tài sản đảm bảo cũng sẽ được hưởng lợi. Có khả năng, ngân hàng kết hợp với các công ty bất động sản thâu tóm các mảnh đất với giá rẻ, điều này sẽ mang lại lợi nhuận lớn đối với các công ty bất động sản nắm bắt được cơ hội.
Bên cạnh bất động sản, vật liệu xây dựng cũng là nhóm ngành đáng xem xét đầu tư. Ngoài ra, khi thị trường chứng khoán đi lên, ngành chứng khoán cũng được cho hưởng lợi, theo hiệu ứng “nước lên, thuyền lên”.
Xét trong ngắn hạn, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, thay vì quan ngại diễn biến của chỉ số thị trường, nhà đầu tư nên tập trung lựa chọn ngành và lựa chọn cổ phiếu để có lợi nhuận cao hơn mức bình quân của thị trường. Trong đó, cổ phiếu ngành thép, vật liệu xây dựng và công nghiệp tiện ích kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý II/2017 khả quan và mang lại cơ hội ngắn hạn cho nhà đầu tư.