Chứng khoán tuần mới: Tiếp tục phân hóa

Chứng khoán tuần mới: Tiếp tục phân hóa

(ĐTCK) Theo các CTCK, thị trường tuần mới sẽ tiếp tục phân hoá và những cổ phiếu có thông tin hỗ trợ vẫn có sự tăng giá đáng kể.

Tuần giao thứ 2 của năm 2013, từ ngày 14 - 18/1, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những điều chỉnh trở lại sau chuỗi 13 phiên tăng điểm liên tiếp. Tuy nhiên, trong tuần, thị trường vẫn có những phiên phục hồi nhẹ, giúp đà giảm được hãm bớt.

Cụ thể, trong tuần, sàn HOSE có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 454,16 điểm, giảm 8,53 điểm (-1,84%) so với phiên đóng cửa cuối tuần trước. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 87,09 triệu đơn vị/phiên, giảm 10,9% so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân 1.158,1 tỷ đồng, giảm 26,54% so với tuần trước.

Tổng hợp giao dịch trên sàn HOSE từ 14-18/1

Ngày

VN-INDEX

Thay đổi

KLGD

GTGD

18/01/2013

454,16

-2,60(-0,57%)

84.204.830

1.009.470

17/01/2013

456,76

-8,49(-1,82%)

96.329.037

1.226.820

16/01/2013

465,25

+3,83(+0,83%)

96.572.500

1.395.930

15/01/2013

461,42

+2,45(+0,53%)

88.782.010

1.171.710

14/01/2013

458,97

-3,72(-0,80%)

69.545.410

986.600

Tổng

-8,53(-1,84%)

435.433.787

5.790.530

Trong khi đó, sàn HNX tích cực hơn VN-Index khi có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Kết thúc tuần, HNX-Index đứng ở mức 62,05 điểm, tăng 1,5 điểm (+2,48%). Khối lượng giao dịch bình quân đạt 93,67 triệu cổ phiếu/phiên, giảm nhẹ 0,9% so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân 699,54 tỷ đồng/phiên, tăng 2,7% so với tuần trước.

Tổng hợp giao dịch trên sàn HNX từ 14-18/1

Ngày

HNX-INDEX

Thay đổi

KLGD

GTGD

18/01/2013

62,05

-0,28(-0,45%)

71.659.830

523.340

17/01/2013

62,33

-0,38(-0,61%)

102.312.490

754.250

16/01/2013

62,71

+0,52(+0,84%)

111.073.859

855.180

15/01/2013

62,19

+1,57(+2,59%)

111.354.522

848.990

14/01/2013

60,62

+0,07(+0,12%)

71.951.672

515.940

Tổng

+1,5(+2,48%)

468.352.373

3.497.700

 

Trong tuần, nhà đầu tư giao dịch của nước ngoài cũng giảm so với tuần trước đó. Cụ thể, trên HOSE, họ mua vào 38,44 triệu đơn vị, giá trị 946,43 tỷ đồng và bán ra 20,4 triệu đơn vị, giá trị 563,4 tỷ đồng. Như vậy, họ mua ròng 18 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 383,3 tỷ đồng trên HOSE.

Trên HNX, họ mua vào 6,45 triệu cổ phiếu, giá trị mua vào 79,07 tỷ đồng, và bán ra 5,36 triệu cổ phiếu, giá trị bán 66,54 tỷ đồng. Như vậy, họ mua ròng 1,08 triệu cổ phiếu, giá trị mua ròng 12,53 tỷ đồng trên HNX.

Tính chung trên cả 2 sàn, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 19,13 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 395,56 tỷ đồng.

 Chứng khoán tuần mới: Tiếp tục phân hóa ảnh 1

Nhận định của các CTCK

 

TTCK vẫn có triển vọng tăng

(CTCK FLC - FLCS)

Xu hướng tăng điểm của TTCK và sự tham gia tích cực của khối ngoại trong gần 2 tháng qua được sự hậu thuẫn từ đà tăng điểm của nhiều TTCK trên thế giới. Hiện các thị trường này chưa xuất hiện dấu hiệu đảo chiều giảm điểm. Do vậy, sự tăng điểm của chứng khoán Việt Nam có thể sẽ tiếp tục.

Xét thông tin vĩ mô trong nước, nhiều khả năng Công ty Mua bán nợ quốc gia (VAMC) sẽ được thành lập trong quý I/2013. Về bản chất, hoạt động của VAMC sẽ đưa thêm tiền vào nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng. TTCK có thể được hỗ trợ từ thông tin này.

Ở cấp độ vi mô, trước khi đến với nền kinh tế, luồng tiền mới đi qua hệ thống ngân hàng sẽ bị thắt chặt. Nguyên nhân đến từ việc nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn cao, rủi ro cho vay ra nền kinh tế còn lớn, do vậy ngân hàng sẽ có xu hướng sử dụng tiền để đảm bảo thanh khoản hoặc mua trái phiếu chính phủ. Theo đó, lượng tiền mới thực sự đi vào nền kinh tế sẽ ở mức hạn chế. Tất nhiên, nền kinh tế và TTCK vẫn sẽ được hỗ trợ.

Phiên giảm điểm ngày 18/1 với khối lượng thấp hơn cho thấy dòng tiền chuyên nghiệp không tích cực giao dịch theo chiều hướng giảm giá, đồng thời đây cũng là một tín hiệu thể hiện đà tăng giá trung hạn nhiều khả năng còn tiếp diễn.

Tuần này, dự báo TTCK tăng giảm nhẹ xen kẽ vào đầu tuần, sau đó tăng dần. Nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong những phiên giảm điểm, với khối lượng thấp.

 

Chú ý các cơ hội đầu tư giá trị

(CTCK Maritime Bank - MSBS)

TTCK trong tuần qua đã chuyển từ trạng thái hưng phấn sang trạng thái lo âu đối với nhiều nhà đầu tư sau 2 phiên giảm điểm cuối tuần. Hai phiên điều chỉnh mạnh đã xóa bỏ nỗ lực tăng điểm ở các phiên đầu tuần, khiến VN-Index giảm còn 454,16 điểm. Thị trường sau khi tạo đỉnh và không thể vượt qua được mốc 470 điểm đã gây ra tâm lý e ngại từ phía nhà đầu tư, với mẫu hình hai đỉnh đảo chiều. Các cổ phiếu lớn sau khi tăng nóng đã bị bán ra mạnh như: ITA, KBC, DPM, HPG, HAG. Nhiều cổ phiếu ngành bất động sản, khoáng sản, sản xuất sau phiên bull-trap (“bẫy” tăng giá) giữa tuần đã “đổ đèo” như: CSM, DRC, HSG, ITC, LCG. Mặc dù thị trường đảo chiều giảm điểm, nhưng khối lượng giao dịch vẫn lớn, đạt trên 1.500 tỷ đồng/phiên. Một số cổ phiếu nhỏ (penny) có lực cầu khá tốt như: BTP, CMI, DAG, DRH.

Chúng tôi cho rằng, thị trường điều chỉnh với khối lượng giao dịch duy trì ở mức cao thể hiện việc giảm điểm chỉ là tạm thời và nhiều khả năng sẽ hồi phục trong tuần này. Tuy nhiên, khởi sắc về điểm số trong tuần này của TTCK chủ yếu tạo cơ hội cho nhà đầu tư lướt sóng thoát hàng và giảm tỷ lệ margin. Nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế giao dịch và chú ý đến các cơ hội đầu tư giá trị.

  Chứng khoán tuần mới: Tiếp tục phân hóa ảnh 2

Xu hướng đi ngang có thể xuất hiện

(CTCK Woori CBV)

Thị trường kết thúc tuần điều chỉnh với các phiên tăng giảm xen kẽ trong tuần. Điểm tích cực là thanh khoản vẫn được duy trì ở mức tốt cho thấy dòng tiền vẫn đang ở lại trong thị trường. Quan sát trong phiên cuối tuần cho thấy nhà đầu tư cả bên mua và bán đều sẵn sàng đón nhận đợt điều chỉnh này. Bên mua không chủ động đẩy giá như trong đợt tăng điểm trước đó mà tập trung nhiều hơn ở vùng giá thấp gần tham chiếu. Cùng lúc đó, bên cầm cổ cũng không quá ồ ạt chốt lời, khiến cho thanh khoản suy yếu so với các phiên trước đó.

Thị trường nhiều khả năng chuyển sang giai đoạn dao động tạo một mặt bằng giá mới. Mức cao nhất VN Index đạt được trong đợt tăng giá vừa rồi là tại 470 điểm, sẽ là mức kháng cự trong ngắn hạn của chỉ số. Xu hướng đi ngang có thể xuất hiện trong tuần giao dịch tới và là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục của mình. Việc hiện thực hóa lợi nhuận ngắn hạn có thể được cân nhắc thực hiện.

 

Hạn chế tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại

(CTCK ACB - ACBS)

VN-Index có tuần giảm điểm đầu tiên sau 6 tuần tăng liên tiếp. Áp lực bán gia tăng nhưng bên bán không thực sự lấn át bên mua. Điều này khiến dao động trong phiên của VN-Index không có xu hướng rõ ràng.

Trong phiên hôm thứ Sáu, VN-Index đã xuyên thủng hỗ trợ 455 nhưng bật lại ngay sau đó và đóng cửa sát mức này. Như vậy, hỗ trợ 455 khá mạnh và có thể nâng đỡ VN-Index trong một vài phiên tới.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng VN-Index sẽ điều chỉnh sâu hơn. Như đã đề cập, chúng tôi đánh giá cao hỗ trợ 435 do sự trùng lắp của nhiều yếu tố kỹ thuật ở mức giá này, là kháng cự cũ, mức Fibo 38,2% của sóng tăng từ đáy 375 lên đỉnh 470, mức Fibo 50% của sóng tăng từ 400 lên 470 và cũng có thể là điểm tiếp xúc với đường trung bình 20 ngày.

Chúng tôi kỳ vọng khối lượng giao dịch sẽ giảm dần khi VN-Index điều chỉnh sâu hơn, cho thấy áp lực bán dần yếu đi.

Mở cửa dưới hỗ trợ 62,2, HNX-Index giảm sâu hơn trong phiên. Tuy nhiên, lực hỗ trợ từ đường xu hướng tăng của chuối tăng điểm đầu năm đẩy HNX-Index bật ngược lại.

Cây nến hammer không cho nhiều ý nghĩa kỹ thuật do xu điều chỉnh chưa rõ ràng. Khối lượng giao dịch thấp cho thấy lực bán yếu.

Nếu xuyên thủng đường xu hướng tăng nói trên, khoảng dưới 61, HNX-Index có thể tiếp tục giảm sâu hơn. Mức 59 của HNX-Index có mức độ quan trọng tương đương mức 435 của VN-Index. Đó là vùng giao nhau của kháng cự cũ 59, mức Fibo 38,2% của sóng tăng từ đáy 50,5 đến đỉnh 64, mức Fibo 50% của sóng tăng từ đáy 53,7 đến đỉnh 64 và có thể là cả đường trung bình 20 ngày.

Duy trì quan điểm thận trọng, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn hạn chế tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại. Với các chiến lược dài hơn, nhà đầu tư có thể tiếp tục gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

  Chứng khoán tuần mới: Tiếp tục phân hóa ảnh 3

Sẽ tiếp tục phân hoá

(CTCK Sài Gòn - SSI)

Các cổ phiếu tăng nóng đều giảm khá mạnh còn lại phần lớn các mã chỉ giảm nhẹ. Cây nến ngày cho thấy các động tác bán cao mua thấp ngay trong phiên khá sôi động.

Dòng tiền bán chốt lời ra ở các mã tăng mạnh có dấu hiệu chuyển dịch sang các mã có tiềm năng và an toàn hơn trong mùa báo cáo KQKD. Chúng tôi cho rằng, thị trường tuần tới sẽ tiếp tục phân hoá và những cổ phiếu có thông tin hỗ trợ vẫn có sự tăng giá đáng kể. Nhà đầu tư dài hạn nên tận dụng cơ hội hiệu chỉnh hiện tại để lựa chọn các cổ phiếu có mô hình tăng giá tốt hoặc có yếu tố cơ bản tốt.

 

Đợt mua bắt đáy đầu tiên có thể xuất hiện

(CTCK FPT - FPTS)

Các chỉ số đang rơi vào đợt điều chỉnh giảm đầu tiên sau con sóng phục hồi khá dài, với mức lợi nhuận tương đối cao cho nhà đầu tư. Do đó, sự điều chỉnh đang diễn ra là tất yếu và cần thiết để kiểm chứng độ bền vững của xu hướng đồng thời cung cấp cơ hội mới cho giới đầu tư.

Trong xu hướng giảm hiện tại, xác suất xảy ra đợt mua bắt đáy đầu tiên có thể xuất hiện tại khu vực 440-445 điểm. Dấu hiệu cần quan sát hiện nay đó là lực bán phải được kiềm chế dần, trước khi đảo chiều thị trường có thể sẽ xuất hiện phiên giao dịch có khối lượng và giá trị giao dịch giảm đột biến do hiện tượng tiết cung giá thấp. Nếu hiện tượng này xảy ra, sẽ là tiền đề cho bên mua có cơ hội để kích thích giá tăng trở lại. Nhà đầu tư thuộc nhóm chấp nhận rủi ro cao không nên giải ngân tại mức giá trần để giảm thiểu rủi ro bẫy giá (Bull trap).

  Chứng khoán tuần mới: Tiếp tục phân hóa ảnh 4

Thị trường vẫn sẽ nằm trong nhịp điều chỉnh

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Trong tuần tới chúng tôi cho rằng thị trường vẫn sẽ nằm trong nhịp điều chỉnh và không loại trừ khả năng xuất hiện thêm một hai phiên lao dốc mạnh của hai chỉ số. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhận thấy tâm lý khá tích cực của một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư và tâm lý này có thể giúp hình thành những nhịp hồi phục đan xen trong quá trình sụt giảm.

Sau một đợt điều chỉnh đủ dài để xác lập mặt bằng giá mới cho các cổ phiếu, thị trường có thể sẽ trải qua sự phân hóa rõ nét hơn giữa các dòng cổ phiếu dựa trên yếu tố KQKD hoặc các chính sách vĩ mô. Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng những yếu tố này thực ra đã được phản ánh khá nhiều vào diễn biến hồi phục vừa qua nên những tác động còn lại sẽ không đủ lớn để có thể giúp thị trường quay lại đà tăng trưởng ngay trong ngắn hạn. Các nhà đầu tư vẫn nên tạm đứng ngoài một thời gian chờ đợi các tín hiệu xác nhận xu thế rõ nét hơn trước khi tham gia trở lại thị trường.

 

NĐT ngắn hạn có thể chốt lời

(CTCK Maybank Kimeng - MBKE)

Thị trường tiếp tục điều chỉnh dù lực bán đã yếu hơn so với ngày hôm qua. Đóng cửa, VN-Index và HNX đã giảm 0,6% và 0,5% dù có lúc VN-Index đã giảm 1,4% và HNX giảm 2,4%. Hôm nay, khối ngoại tiếp quan tâm tới MBB, ITA, VCG và PVX. Về mặt  kỹ thuật, sau khi VN-Index tạo ra mẫu hình nến đảo chiều ”Bearing Enfulfing” hôm qua, nó tiếp tục có những dấu hiệu kỹ thuật xấu hơn để ám chỉ quá trình điều chỉnh vẫn diễn ra.

Chúng tôi cho rằng, các nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn có thể chốt lời,  giảm tỷ trọng danh mục và chờ đợi cơ hội mua vào khi dấu hiệu điều chỉnh kết thúc.