Chứng khoán tuần mới: Khát vọng vươn lên

Chứng khoán tuần mới: Khát vọng vươn lên

Có thể tuần này và sang tuần sau, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ mang cả hai sắc thái vừa hiểm nguy vừa bừng tỉnh. Lại hy vọng, hy vọng cho những người chuyên nghề lướt sóng.

 

Hình như đang bước vào giai đoạn mà nhóm tạo lập thị trường không quá cần thiết phải phát huy vai trò "xanh vỏ đỏ lòng" nữa. Giải chấp đã không còn mấy thì tự nhiên sàn HNX cũng cứ thế mà lặng lẽ trôi dần vào cơn mộng du chưa có hồi kết của nó. Bây giờ chỉ còn lại chỉ số VN-Index với "sứ mạng" lớn nhất là phải giảm càng nhiều càng tốt, chấp nhận giảm mạnh hơn cả chỉ số HNX chỉ để làm sao kéo HNX cùng giá cổ phiếu hai sàn xuống hơn nữa, sâu hơn nữa.

 

Bởi thế, những ngày qua HNX dường như được "ưu ái" hơn HOSE khi tỷ lệ giảm sút của sàn này không đến nỗi quá tệ. Tuy nhiên tính từ đỉnh phục hồi giữa tháng 6/2011, HNX vẫn giảm mạnh hơn VNI (11,5% so với 8%).

 

Do vậy, quá trình vận động "song ánh" giữa VNI và HNX là hoàn toàn có thể được thỏa mãn mà không cần bất cứ một cổ phiếu siêu lớn nào làm xiếc.

 

Cứ so sánh tỷ lệ giảm của nhóm cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ với nhóm cổ phiếu siêu lớn trong tuần qua cũng thấy là tình trạng kiệt quệ về thanh khoản hóa ra lại là một thế mạnh của các cổ phiếu nhỏ. Thậm chí còn có một ít cổ phiếu nhỏ vẫn dung dung tăng trần chỉ với lô giao dịch vài trăm đơn vị.

 

Phải, HNX đã không còn muốn giảm thêm nữa, cho dù ai đó vẫn cố ý đánh xuống chỉ số này. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn ngày đêm ôm hy vọng về quá trình bào mòn sẽ chấm dứt vào một lúc nào đó khi cổ phiếu nhỏ không thể giảm hơn nữa. Nhưng biết đâu đấy, vẫn có những tổ chức lớn cần thoát hàng số lượng lớn. Chẳng may hàng đó lại bao gồm cả cổ phiếu nhỏ thì phải bán rỉ rả từ ngày này sang ngày khác chứ biết làm sao bây giờ.

 

Chỉ thương thay nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa vừa. Có thời, nhóm này đã là niềm tự hào giữ giá của nhiều nhà đầu tư. Còn nay, nó lại có cái tội quá lớn là đang tạo ra chênh biệt giàu nghèo với các cổ phiếu nhỏ. Vì thế, hẳn nhiên là những cổ phiếu vừa có thị giá 15.000-20.000 đồng hoặc hơn nữa sẽ phải "down" tiếp để khỏi gây phản ứng xã hội.

 

TTCK Việt Nam thời kỳ hậu giải chấp. Trên 50% số công ty chứng khoán báo lỗ cùng mặt bằng giá cổ phiếu nhỏ cứ mỗi ngày lại bị bào mòn thêm một ít. Cái cách suy giảm giằng co mòn mỏi như vậy lại có thể làm cho phần nhận định tuần của các công ty chứng khoán đỡ cực hơn: Cứ copy dự báo tuần trước, chỉ thay đổi vài số liệu rối áp cho dự báo tuần sau có khi vẫn còn nguyên giá trị.

 

Tập cuối của tác phẩm Con đường đau khổ của Alecxey Tolstoy có tên là "Buổi sáng ảm đạm". Thực ra, tiêu đề này rất xứng với con đường mà TTCK Việt Nam đang sa chân hiện giờ. Chỉ có điều, sự ảm đạm hiện nay có phải là phần kết của câu chuyện trôi dốc hay không thì không ai dám chắc. Mà có khi không khí ảm đạm đó lại được lái theo một mô típ văn học khá thời thượng hiện nay: cái kết mở.

 

Hình như vẫn còn quá sớm để hạ màn vở kịch. Tất cả vẫn còn mở ra trước mắt nhà đầu tư, cả rủi ro lẫn cơ hội. Thế nên vẫn còn công ty chứng khoán gồng mình khuyên nhà đầu tư lướt sóng. Thực ra, lướt sóng cũng là một thói quen giúp cho người bám bảng điện đỡ buồn ngủ, khi ngay cả Con Gấu cũng đã uể oải lắm rồi.

 

Có cảm giác như Con Gấu ấy không quá đáng trách, nếu không vì sứ mạng cao cả của nó - phục vụ cho chủ đề thoái dần vốn - thì có lẽ nó đã chui quách vào hốc cây nào đó để đánh một giấc li bì mê mệt, sau chuỗi tháng trời dằng dặc bị người ta bắt phải biểu diễn đủ thứ hỉ nộ ái ố trong gánh xiếc rong - một điển hình của thực trạng bóc lột sức lao động quá sức tưởng tượng trong xã hội loài người.

 

Con Gấu giờ đây không còn đáng sợ lắm. Có khi nó còn trở nên một thứ thú cưng bé nhỏ tội nghiệp. Mõm của nó đã bị người huấn luyện lấy rọ bịt chặt. Chỉ còn móng vuốt sắc cạnh của nó là vẫn cứ phải giương ra đó để làm vì, ít nhất cũng hù dọa được những khán giả yếu tim và làm cho rạp xiếc lâu lâu lại chộn rộn một phen.

 

Thời điểm chộn rộn đó đang đến gần, trước khi mọi chuyện đi vào êm ắng. Tinh thần song ánh giữa hai sàn cũng chính là sự đồng cam cộng khổ về tỷ lệ sụt giảm của VNI và HNX. Hình như cứ khi nào sự chia sẻ đó được biểu hiện một cách tối ưu - đồ thị vận động của hai sàn đồng dạng hoặc gần như thế - thì dĩ vãng rủi ro lại dần qua đi, tương lai ngắn ngủi lại dần hiện hình.

 

Có thể tuần này và sang tuần sau sẽ mang cả hai sắc thái vừa hiểm nguy vừa bừng tỉnh. Lại hy vọng, hy vọng cho những người chuyên nghề lướt sóng. Vẫn biết trước sau thì HNX cũng chạm lại đáy cũ, nhưng buồn ngủ trong giờ làm việc lại không phải là một thói quen tốt.

 

Ở đầu kia của hành tinh, các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng đang rơi vào cơn mơ màng thở dốc. Ở nơi xa xôi ấy, người ta đang thường nhắc đến hình ảnh Con Gấu hơn. Một giai đoạn đồng pha và đồng cảnh ngộ hiếm hoi đang mở ra trong mối liên hệ giữa TTCK Mỹ và TTCK Việt Nam . Cả hai cơ thể đều đang bị tình trạng thiếu máu cục bộ - dòng tiền đang có chiều hướng rút dần khỏi thị trường.

 

Đã không có lời hứa hẹn nào về gói QE3 đối với người Mỹ, cũng chưa có luồng gió mới nào từ chuyện miễn thuế thu nhập cá nhân đối với nhà đầu tư chứng khoán Việt - một tương lai để chạy ra hơn là chạy vào.

 

Hình ảnh an ủi đôi chút cho nhà đầu tư chứng khoán chỉ còn là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của nó xét trong tình thế hiện nay - thị trường bất động sản - cũng không khấm khá gì hơn. Cách đây vài tháng, dư luận đã bắt đầu râm ran về chuyện Chính phủ sẽ "cứu" thị trường chứng khoán hay thị trường bất động sản, hoặc cả hai. Tất cả vẫn phải chờ đợi phán quyết cuối cùng. Nhưng xem ra, với những động thái đề xuất chính sách từ phía các bộ ngành liên quan, chứng khoán vẫn bị lép vế đôi chút so với bất động sản.

 

Thế nhưng vẫn còn một đốm sáng trong đường hầm tăm tối. Chưa bao giờ, kể cả vào thời khẩn cấp năm 2008, tinh thần lạc quan của nhà đầu tư Việt lại được tôn tạo như lúc này. Chưa bao giờ, thi ca về chứng khoán lại tuôn trào đến thế trên các diễn đàn trong những phiên giao dịch mà dường như Con Gấu cũng sắp ngất xỉu vì kiệt sức. Chưa bao giờ... đến nỗi ta tự nhủ phải chăng đó là diễn đàn thi ca Việt Nam hơn là những diễn từ lê thê chán ngắt về chứng khoán.

 

Điều đó biểu trưng cho cái gì? Hãy cố sức lên hỡi các nhà đầu tư! Còn cái gì nữa nếu không phải là niềm tin bất diệt - như một nhà đầu tư đã trích dẫn chính từ Gorki: "Khát vọng vươn lên phía trước, đó là mục đích của Cuộc sống".