Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chứng khoán Trung Quốc: Nhà đầu tư ngơ ngác giữa màn sương

(ĐTCK) Làm cách nào để rót tiền vào thị trường trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng là thử thách lớn nhất đối với nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc đại lục.

Chỉ số Shanghai Composite đã giảm khoảng 13% kể từ mức đỉnh đạt được vào tháng 4/2019, chấm dứt đà đi lên của thị trường kể từ đầu năm 2019 và bao vây nhà đầu tư bởi màn sương dày đặc các yếu tố bất định. Khối lượng giao dịch suy giảm, các chỉ số hầu như không nhúc nhích, các thành viên thị trường đang chứng kiến chứng khoán Đại lục “bất động” trong khoảng thời gian dài nhất kể từ tháng 2/2019 cho tới nay.

Càng nhìn về tương lai, giới đầu tư càng thấy mơ hồ. Cuối tuần trước, Chính phủ Trung Quốc lên tiếng cho rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump là nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán thương mại sụp đổ. Thông tin này được đưa ra sau khi Bắc Kinh bị chỉ trích vì đã thiết lập một danh sách các tổ chức ngoại “không đáng tin cậy”, đồng thời mở cuộc điều tra đối với FedEx Corp vì lỗi khi vận chuyển đơn hàng của Huawei Technologies Co.

Theo giới chuyên gia, cuộc điều tra này giống như một lời cảnh báo của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Mỹ và cả Washington khi ông Trump áp đặt các lệnh cấm vận lên công ty công nghệ Trung Quốc là Huawei.

Trong khi đó, danh sách các tổ chức ngoại “không đáng tin cậy” được đánh giá dựa trên các tiêu chí như công ty/cá nhân/tổ chức nước ngoài đó có phân biệt đối xử với doanh nghiệp Trung Quốc hoặc tạo mối đe dọa với an ninh quốc gia hay không… Với bảng danh sách này, Trung Quốc có thể nhắm vào nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu, đặc biệt là các công ty Mỹ, hay các quốc gia đã cắt đứt quan hệ với Huawei.

Những diễn biến trên khiến mối lo ngại về chiến tranh thương mại ngày càng leo thang và đi kèm đó là nhiều hệ quả khó đoán định.

Chứng khoán Trung Quốc: Nhà đầu tư ngơ ngác giữa màn sương ảnh 1

Chỉ số CSI 300 không dao động quá 2% ở cả 2 chiều tăng - giảm trong 11 phiên liên tiếp.

“Chúng tôi chờ đợi thông tin nào đó để hành động, dù khó để nói chính xác là điều gì hay theo hướng nào. Có quá nhiều điều không thể nhìn rõ”, Wang Yiping, CEO Shenzhen Qianhai Evolution Asset Management Co cho biết.

Trong bối cảnh mối quan hệ thương mại với Mỹ không có cải thiện, chứng khoán Trung Quốc bị đẩy vào tình huống khó khăn khi thiếu các thông tin hỗ trợ. Nhà đầu tư lo ngại về khả năng đồng nhân dân tệ (CNY) sẽ bị bán tháo nếu ngưỡng 1 USD đổi 7 nhân dân tệ bị phá vỡ, điều chưa từng xảy ra trong 11 năm qua.

Hiện tại, tỷ giá USD/CNY là 1 USD đổi 6,93 CNY. Chưa kể, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục có các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, khi số liệu sản xuất mới công bố cho thấy số lượng đơn đặt hàng giảm nhanh hơn so với dự báo trong tháng 5/2019.

Không có gì ngạc nhiên khi giới đầu tư tỏ ra dè dặt, khối lượng giao dịch hàng ngày trên sàn chứng khoán Đại lục đã giảm 7 tuần liên tiếp, mức dài nhất kể từ năm 2010 theo số liệu tổng hợp bởi Bloomberg. Chỉ số chứng khoán nhúc nhích trong biên độ hẹp kể từ phiên rung lắc mạnh nhất vào đầu tháng 5. Chỉ số CSI 300 đã không hề chuyển động quá 2% ở cả 2 chiều tăng - giảm trong 11 phiên liên tiếp.

“Chiến lược hiện tại và tương lai gần của chúng tôi là quan sát và chờ đợi”, Zhai Jingyong, chiến lược gia tại Banyan Investment Management cho biết.

Cùng chung quan điểm, chiến lược gia tại Citigroup Inc nhận định, diễn biến trầm lặng hiện tại sẽ còn duy trì tại thị trường chứng khoán Đại lục, khi khẩu vị rủi ro của giới đầu tư ở mức thấp, đa phần nhà đầu tư quyết định chưa hành động.

“Các tác động của hàng rào thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc cùng áp dụng vẫn chưa được phản ánh trọn vẹn vào giá. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư không có lý do nào để tỏ ra tự tin”, Liang Jinxin, chiến lược gia tại Tianfeng Securities Co cho biết.

Tin bài liên quan