Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chứng khoán Trung Quốc: Kề đỉnh cao là… vực sâu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những biến động dữ dội của thị trường chứng khoán Trung Quốc những tuần qua không khỏi gợi nhắc lại cơn ác mộng năm 2015 khi bong bóng chứng khoán đổ vỡ.

Một lần nữa, sự tham lam đang quay trở lại “thống trị” thị trường chứng khoán Trung Quốc. Đà tăng của thị trường khá tương đồng với những tuần cuối cùng của năm 2014, trước khi cú sốc năm 2015 diễn ra. Chỉ trong 5 phiên giao dịch gần nhất, chỉ số CSI 300 tăng 14%.

Đáng chú ý, các số liệu lịch sử cho thấy, đà tăng hơn 5% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai thường diễn ra trước khi bong bóng vỡ.

Động lực tăng mạnh mẽ xuất phát từ các nhà đầu tư cá nhân, vốn vừa có đợt “càn quét” tại thị trường trái phiếu.

Trước đó, thị trường này chứng kiến kỷ lục mới, khi một loại trái phiếu được ưa chuộng tới mức có lượng đặt mua gấp 170.600 lần lượng bán, tỷ lệ cao nhất ít nhất từ năm 2007 cho tới nay, theo số liệu của East Money Information Co.

Chứng khoán Trung Quốc: Kề đỉnh cao là… vực sâu ảnh 1

Diễn biến chỉ số CSI 300.

Theo giới chuyên gia, với tâm lý sợ “nhỡ tàu”, để tuột cơ hội tại thị trường chứng khoán đang có bước hồi phục tích cực sau cú sốc đại dịch Covid-19, nhà đầu tư cá nhân tại Trung Quốc ồ ạt gia nhập thị trường, khiến đà tăng càng thêm nóng bỏng.

Chỉ số CSI 300, theo dõi nhóm cổ phiếu niêm yết tại cả sàn Thượng Hải và Thẩm Quyến, đã tăng hơn 14% kể từ đầu năm tới nay, trở thành một trong những chỉ số có màn biểu diễn tích cực nhất trên thế giới.

Nhờ đà leo dốc kể từ tháng 3/2020 cho tới nay, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Trung Quốc - thị trường lớn thứ hai trên thế giới, đã tăng thêm 1.650 tỷ USD, chạm mức 8.400 tỷ USD.

Trong khi đó, các khoản nợ margin tại thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng lên 1.160 tỷ nhân dân tệ (164 tỷ USD), mức cao nhất kể từ tháng 1/2016.

Mọi chỉ số trên thị trường chứng khoán Đại lục, từ theo dõi các doanh nghiệp nhà nước lớn tại sàn Thượng Hải cho tới các công ty start-up tại Thẩm Quyến, đều ở trong trạng thái quá mua.

Môi trường lãi suất thấp, thiếu vắng các loại tài sản đầu tư hấp dẫn… cũng góp phần khiến thị trường chứng khoán trở nên thu hút hơn đối với các nhà đầu tư cá nhân.

Đáng chú ý, theo giới quan sát, đà tăng của thị trường còn nhận trợ lực nhờ những thông điệp đang được giới truyền thông Trung Quốc đưa ra.

Chẳng hạn, trang nhất của tờ China Securities Journal xuất bản ngày thứ Hai (6/7) đăng tải nội dung cho rằng, việc xây dựng và nuôi dưỡng đà tăng hiện tại của thị trường chứng khoán sau đại dịch trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với nền kinh tế.

Các trang mạng xã hội, công cụ tìm kiếm tại Trung Quốc “bùng nổ” với các nội dung liên quan tới “mở tài khoản chứng khoán”, thể hiện tâm lý phấn khích gia nhập thị trường.

Trước đó, vào cuối năm 2014, cũng nhờ sự cổ vũ từ truyền thông, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã thoát khỏi tình trạng trì trệ, nhưng dòng tiền mới ồ ạt đổ vào đã khiến các khoản nợ margin liên tiếp tạo đỉnh, gây nên cú sốc thổi bay 5.000 tỷ USD giá trị thị trường năm 2015.

Trong bối cảnh này, dù diễn biến thị trường có nhiều nét tương đồng, nhưng ở góc nhìn lạc quan, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, cú đổ vỡ tiếp theo khó có thể xảy ra, bởi giới chức Trung Quốc đã có bài học kinh nghiệm và luôn theo sát thị trường.

Dù tỷ lệ sử dụng đòn bẩy gia tăng, nhưng khối nợ hiện tại mới chỉ tương đương một nửa mức đỉnh năm 2015. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã rút tiển ra khỏi hệ thống tài chính trong 7 ngày liên tiếp tính tới ngày thứ Hai (6/7).

“Giới chức quản lý rất thận trọng trước mối lo ngại sẽ tạo ra vụ đổ vỡ tương tự năm 2015”, Wang Zhuo, nhà quản lý quỹ tại Shanghai Zhuozhu
Investment Management Co cho biết.

Từ góc nhìn nhà đầu tư, He Qi, nhà quản lý quỹ tại Huatai Pinebridge Fund Management Co cho hay: “Tôi đã dồn lực vào chứng khoán kể từ đầu tháng 6, đặt cược vào đà tăng của thị trường. Sau khoảng thời gian 1-2 tháng đầy khó khăn, cuối cùng đã tới thời điểm để tỏa sáng”.

Tin bài liên quan