Bài học từ đợt bán tháo đầu năm 2020
Chứng khoán thế giới sụt giảm trong giai đoạn đầu năm 2020, nhưng sau đó liên tiếp tăng điểm, không ít thị trường thiết lập đỉnh cao lịch sử, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành trên toàn cầu. Diễn biến này khiến nhiều người bất ngờ và tiếc nuối vì trước đó bán ra cắt lỗ, hoặc bỏ lỡ cơ hội tham gia hay quyết định chốt lời quá sớm.
Thực tế, chúng ta không thể biết được thị trường chứng khoán sẽ biến động trong một năm như thế nào. Xác định thời điểm vào - ra thị trường nhằm mua đáy - bán đỉnh trong ngắn hạn là điều gần như bất khả thi và những ai hay làm điều này thường không có kết quả đầu tư tốt so với các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn.
Dịch bệnh Covid-19 trong năm ngoái cũng như các “sự cố” khác trong thập niên 1980, 1990 khiến thị trường chứng khoán gây ra những mất mát lớn trong thời gian ngắn. Nhiều người hoảng sợ và nhảy ra khỏi thị trường. Nhưng với tầm nhìn dài hạn, những sự cố đó là không đáng kể. Điều này làm khơi nguồn ý kiến cho rằng, các nhà đầu tư vẫn có khả năng thu được lợi nhuận nếu bám trụ lại trên sàn.
Nhận định đó là chính xác, nhưng chỉ là một phần của bức tranh tổng thể: sự thay đổi giá trị theo thời gian của các nhóm tài sản khác nhau.
Trong dài hạn, giá trị của tiền mặt và tài sản dưới tác động của lạm phát sẽ có sự chênh lệch rõ rệt: tiền mặt thường bị tác động mạnh mẽ hơn và mất giá nhiều hơn. Vì thế, nếu lạm phát là một trong những rủi ro mà bạn phải đối mặt, thì tốt nhất không nên nắm giữ tiền mặt.
Trên thị trường chứng khoán luôn có cơ hội đầu tư tốt, nhất là đối với các nhà đầu tư dài hạn. Vậy nhưng, nhiều nhà đầu tư không cân nhắc đến yếu tố thời gian. Yếu tố này có thể thay đổi nhanh chóng, tầm nhìn từ 5 - 10 năm lập tức giảm xuống còn 24 giờ khi có sự cố xảy ra - thường là do họ không có một kế hoạch đầu tư, cũng như một tầm nhìn cụ thể.
Nếu như bạn có thể đưa ra quyết định của mình dưới bối cảnh của một kế hoạch, hoặc mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ ít gặp sai lầm hơn.
Điều gì sẽ diễn ra sau một năm kỳ lạ?
Năm 2020 là một trong những năm lạ nhất trong lịch sử của thị trường chứng khoán. Dịch Covid-19 bùng nổ, giá trị vốn hóa sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất châu Phi là JSE đã bị thổi bay 30% trong vài ngày và đứng trước viễn cảnh tăm tối.
Thế nhưng, trong một vài tháng tiếp theo, giá cổ phiếu không chỉ hồi phục về giá trị ban đầu mà thậm chí còn vượt qua mức giá trị trước đó. Tình trạng này diễn ra tại cả thị trường Mỹ và châu Âu.
Nhớ lại quý đầu tiên của năm 2020, thị trường chứng khoán có diễn biến giảm điểm nhanh và mạnh. Tâm lý thị trường hoảng loạn và không chắc về những gì sẽ xảy ra trong thời gian tiếp theo.
Trong khi mọi người lo lắng về chuỗi cung ứng sản phẩm sẽ bị đứt đoạn thì các chuyên gia phân tích vẫn còn loay hoay nhận xét về những ảnh hưởng từ dịch bệnh bùng phát bởi một loại virus mới.
Thị trường lúc ấy có vẻ như cho rằng, viễn cảnh tệ nhất sẽ xảy ra, khiến nhiều người bán tháo cổ phiếu. Các thị trường mới nổi bị ảnh hưởng nhiều nhất khi dòng vốn ngoại chảy ra do các giao dịch theo kịch bản rủi ro.
Sau đó, một lượng vốn lớn chảy vào Kho bạc Hoa Kỳ dưới dạng đồng đô la tài sản dự trữ. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán bất ngờ hồi phục nhanh, không ít thị trường đạt đỉnh cao mới.
Có một câu ngạn ngữ trên thị trường: “Đừng bao giờ chống lại Fed”. Trong năm qua, lượng tiền kích thích kinh tế được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như nhiều ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới tung ra đạt mức kỷ lục.
Điều đáng nói là một lượng lớn vốn chưa chảy vào nền kinh tế, một phần trong số đó được cho là chảy vào các kênh đầu tư, bao gồm cổ phiếu.
Trong khi đó, kinh tế thế giới tuy suy thoái, nhưng lý do xuất hiện rất khác với những gì đã xảy ra trong các đợt khủng hoảng trước đó. Do đó, suy thoái kinh tế chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Có ý kiến lo lắng về việc các gói cứu trợ và kích thích kinh tế khổng lồ tạo ra những khoản nợ lớn trong hệ thống ngân hàng. Về cơ bản, nợ là vay từ tương lai, vì thế, chúng ta cần xem xét điều gì xảy ra với thu nhập thấp và chính sách lãi suất thấp. Trước mắt, có vẻ như mọi người đều nhận định rằng, thu nhập sẽ tăng và chứng khoán sẽ ổn định.
Chứng khoán “nhảy dựng” trong đại dịch Covid-19 quả thực là một điều độc đáo. Nhìn lại, thị trường có một khoảng thời gian kém hiệu quả - các gói kích thích có liên quan đến tình trạng này - nhưng cuối cùng thì giai đoạn đó cũng kết thúc. Quá trình nhà đầu tư chuyển đổi từ cổ phiếu tăng trưởng sang cổ phiếu giá trị thực sự là quan trọng.
Hiện tại, các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều thị trường khác đang phân cực. Một số cổ phiếu vốn hóa lớn được giao dịch ở mức giá cao, nhưng báo cáo tài chính của doanh nghiệp trông khá ổn. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đạt kết quả kinh doanh và có triển vọng khả quan, vì thế, việc lựa chọn cổ phiếu cần kỹ càng hơn. Các khoản đầu tư thụ động cũng cần được suy nghĩ kỹ, bởi các chỉ số chứng khoán đang khá “tập trung” và có rủi ro định giá.
Dẫu vậy, một trong những tâm lý chính hiện nay là “tiền mặt là rác”, khi mà lãi suất rất thấp. Bên cạnh đó, lạm phát tuy ở mức thấp, xung quanh 3,5%, nhưng có nguy cơ tăng khi các gói kích thích kinh tế tiếp tục được đưa vào thị trường. Do đó, tốt nhất là không nên nắm giữ tiền mặt vào lúc này.
Thị trường cổ phiếu nhìn chung vẫn hấp dẫn. Dẫu thị trường có nhiều vấn đề và kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, nhưng cổ phiếu tiếp tục mang lại cơ hội đạt lợi suất cao.
“Bây giờ là thời điểm phù hợp để tập trung vào các tài sản tăng trưởng, thay vì các tài sản mang xu hướng phòng thủ”, Adriaan Pask tại PSG Wealth nhận định.