Ảnh AFP

Ảnh AFP

Chứng khoán toàn cầu phân hóa

(ĐTCK) Trong khi chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ Apple và Microsoft, thì chứng khoán châu Âu giảm khi giới đầu tư thất vọng với gói cứu trợ của EU.

Sau phiên hụt hẫng với thông tin kém khả quan trong việc thử nghiệm thống văc-xin chữa Covid-19, phố Wall đã hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần (24/4) nhờ 2 đại gia công nghệ Apple và Microsoft và việc một số bang của Mỹ nới lỏng lệnh cách ly xã hội.

Kết thúc phiên 24/4, chỉ số Dow Jones tăng 260,01 điểm (+1,11%), lên 23.775,27 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 38,94 điểm (+1,39%), lên 2.836,74 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 139,77 điểm (+1,65%), lên 8.634,52 điểm.

Dù hồi lại trong phiên cuối tuần, nhưng với 2 phiên lao dốc đầu tuần theo giá dầu thô, phố Wall đã quay đầu giảm trở lại trong tuần qua sau 2 tuần tăng liên tiếp, đặc biệt là tuần trước đó với mức tăng lớn nhất kể từ 1974. Cụ thể, trong tuần Dow Jones giảm 1,93%, S&P giảm 1,32% và Nasdaq giảm 0,18%.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại giảm khá mạnh trong phiên cuối tuần khi giới đầu tư thất vọng với gói kích thích kinh tế mà EU vừa thông qua. Theo đó, các nhà lãnh đạo EU vừa thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 500 tỷ euro, nhưng lại gây chia rẽ khi bàn về gói cứu trợ lớn hơn trong bối cảnh nền kinh tế khu vực đang chịu tổn thất nặng nền vì Covid-19.

Kết thúc phiên 24/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 74,38 điểm (-1,28%), xuống 5.752,23 điểm. Chỉ số DAX giảm 177,70 điểm (-1,69%), xuống 10.336,09 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 57,68 điểm (-1,30%), xuống 4.393,32 điểm.

Chứng khoán châu Âu có tuần giảm thứ 2 liên tiếp, trong đó chỉ số FTSE 100 giảm 0,60%, chỉ số DAX đảo chiều giảm 2,73% sau 2 tuần tăng liên tiếp, chỉ số CAC40 giảm 2,35%.

Chứng khoán châu Á cũng giống chứng khoán châu Âu khi đồng loạt giảm điểm trong phiên cuối tuần bởi lo ngại về vắc-xin chữa Covid-19. Việc chưa có thuốc trị virus Corona chủng mới này khiến đại dịch có thể kéo dài và ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới.

Kết thúc phiên 24/4, Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 167,44 điểm (-0,86%), xuống 19.262,00 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 29,97 điểm (-1,06%), xuống 2.808,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 145,99 điểm (-0,61%), xuống 23.831,33 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 25,72 điểm (-1,34%), xuống 1.889,01 điểm.

Dù có 2 phiên hồi phục trong tuần, nhưng với các phiên lao dốc theo giá dầu, cùng phiên giảm cuối tuần khiến chứng khoán châu Á cũng đảo chiều giảm trở lại trong tuần qua sau tuần tăng khá trước đó. Cụ thể trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,19%, chỉ số Hang Seng giảm 2,25%, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,09% và chỉ số Kopsi giảm 1,33%.

Sau 2 phiên tăng mạnh, giá vàng chịu áp lực chốt lời nhẹ phiên cuối tuần nên điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, mức giảm không quá lớn khi rủi ro đang rình rập kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên 24/4, giá vàng giao giảm 3,1 USD (-0,18%), xuống 1.729,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 9,8 USD (-0,56%), xuống 1.735,6 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 2,55% và giá vàng giao tháng 6 tăng 2,17%. Trong tuần trước đó, giá vàng giao ngay gần như không đổi, còn giá vàng giao tháng 6 giảm 2,15%.

Cũng do các rủi ro đang rình rập kinh tế toàn cầu, nhất là sau thông tin thử nghiệm lâm sang vắc-xin ngừa Covid-19 không khả quan, giới đầu tư và phân tích đều đặt cược mạnh vào đà tăng tiếp theo của giá vàng trong tuần mới.

Cụ thể, trong 15 chuyên gia trả lời khảo sát có tới 12 người dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, chiếm 80%, cao hơn rất nhiều con số 47% của tuần trước, trong khi chỉ có 1 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 7%, thấp hơn con số 40% của tuần trước và 2 người dự báo đi ngang, chiếm 13%.

Tương tự, trong 1.031 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 729 lượt dự báo giá vàng tăng, chiếm 71%, cao hơn con số 68% của tuần trước; 192 lượt dự báo giá giảm, chiếm 19%, nhỉnh hơn so với 18% của tuần trước và 110 lượt dự báo đi ngang, chiếm 11%.

Giá dầu thô có phiên hồi phục thứ 3 liên tiếp sau 2 phiên sụp đổ đầu tuần nhờ thông tin Mỹ đã giảm sản lượng dầu. Tuy nhiên, giá loại nhiên liệu này không tránh khỏi tuần giảm mạnh tiếp theo.

Kết thúc phiên 24/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,44 USD (+2,60%), lên 16,94 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,11 USD (+0,51%), lên 21,44 USD/thùng.

Dù hồi phục 3 phiên liên tiếp cuối tuần, nhưng giá dầu thô cũng không thể bù đắp được cho 2 phiên sụp đổ đầu tuần nên có thêm tuần lao dốc. Cụ thể trong tuần, giá dầu thô Mỹ giao tháng 6 giả 32,32%, giá dầu thô Brent giao tương lai cũng giảm 23,65%.

Tin bài liên quan