Bước vào phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới, cũng là phiên giao dịch thứ hai của tháng 5, phố Wall không chịu tác động bởi các thông tin kinh tế vĩ mô, bởi thông tin quan trọng nhất là bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ mãi tới thứ Sáu mới được công bố.
Tuy nhiên, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều duy trì đà tăng khá tốt nhờ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tốt hơn dự báo. Nhiều nhà đầu tư và phân tích lo sợ việc đồng USD tăng cao và mùa Đông khắc nghiệt ở Mỹ sẽ khiến cho các doanh nghiệp của Mỹ có kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý I, nhưng các tập đoàn lớn công bố đều có kết quả tốt hơn dự báo. Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, Tập đoàn Berkshire Hathaway Inc của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett công bố lợi nhuận của mảng Đầu tư và bảo hiểm tốt hơn dự báo, giúp cổ phiếu của tập đoàn này tăng 1,62%.
Ngoài ra, Cognizant, nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cũng công bố doanh thu tăng trưởng mạnh hơn dự kiến và nâng mức dự báo cả năm, cũng góp phần giúp tô xanh phố Wall.
Kết thúc phiên 4/5, chỉ số Dow Jones tăng 46,34 điểm (+0,26%), lên 18.070,40 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,20 điểm (+0,29%), lên 2.114,49 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 11,54 điểm (+0,23%), lên 5.016,93 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, chứng khoán Đức và Pháp đã giao dịch trở lại sau ngày nghỉ lễ lao động, trong khi chứng khoán Anh bây giờ mới bước vào kỳ nghỉ. Ngay khi mở cửa trở lại, chứng khoán Đức đã nhận được thông tin tích cực.
Theo dữ liệu vừa công bố, chỉ số hoạt động sản xuất của Đức trong tháng 4 đã được điều chỉnh tăng hơn con số công bố ban đầu, cho thấy hoạt động sản xuất của nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn khỏe mạnh, bất chấp sự sụt giảm so với tháng trước.
Theo một cuộc khảo sát khác, tăng trưởng sản xuất của khu vực đồng euro cũng giảm trong tháng 4, nhưng các nhà máy tăng giá lần đầu tiên sau 8 tháng, lượng nhân viên cũng tăng lên với tốc độ nhanh nhất trong gần 4 năm.
Kết thúc phiên 4/5, chỉ số DAX tại Đức tăng 165,47 điểm (+1,44%), lên 11.619,85 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 35,48 điểm (+0,70%), lên 5.081,97 điểm. Chứng khoán Anh nghỉ giao dịch.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngay khi mở cửa phiên đầu tháng, thị trường đã nhận thông tin không khả quan từ Trung Quốc. Theo đó, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 4 giảm xuống mức 48,9, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2014, từ mức 49,6 trong tháng 3.
Thông tin này khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Hồng Kông ái ngại, nhưng chứng khoán Trung Quốc đại lục lại tăng tốt khi giới đầu tư kỳ vọng Chính phủ sẽ có quyết định tung ra gói kích thích kinh tế.
Kết thúc phiên 4/5, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 9,18 điểm (-0,03%), xuống 28.123,82 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 38,81 điểm (+0,87%), lên 4.480,46 điểm. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch.
Trên thị trường vàng, việc giá kim loại quý giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần trong phiên cuối tuần trước đã kích thích lực cầu bắt đáy khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, qua đó giúp giá vàng hồi phục mạnh trở lại.
Kết thúc phiên 4/5, giá vàng giao ngay tăng 9,9 USD (+0,84%), lên 1.187,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 9,4 USD/ounce (+0,8%), lên 1.186,8 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục giảm nhẹ phiên thứ 2 liên tiếp sau khi tăng lên mức cao nhất năm 2015 trong phiên thứ Năm tuần trước. Giá dầu giảm khi các đợt không kích của Ả Rập Saudi vào Yemen giảm dần, giúp giảm bớt lo ngại về ách tắc nguồn cung từ Trung Đông.
Kết thúc phiên 4/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,22 USD/thùng (-0,37%), xuống 58,93 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,01 USD (-0,02%), xuống 66,45 USD/thùng.