Chứng khoán toàn cầu có một năm thăng hoa

(ĐTCK) Dù gặp nhiều thông tin bất lợi trong năm qua, nhưng chứng khoán thế giới vẫn có năm tăng trưởng ngoạn mục với mức tăng lớn nhất trong nhiều năm.
Ảnh AFP

Ảnh AFP

Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019 (31/12), các chỉ số chính của phố Wall dù yếu lình xình dưới tham chiếu khi đa số nhà đầu tư đã đi nghỉ Tết. Tuy nhiên, các chỉ số sau đó bật trở lại cuối phiên với việc S&P500 và Nasdaq đảo chiều thành công, Dow Jones hãm đà giảm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ được ký vào tháng 1/2020.

Kết thúc phiên 31/12, chỉ số Dow Jones giảm 106,82 điểm (-0,37%), xuống 28.538,44 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,49 điểm (+0,29%), lên 3.230,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 26,61 điểm (+0,30%), lên 8.972,60 điểm.

Trong năm 2019, thị trường đối mặt với nhiều thông tin sóng gió, từ thương chiến Mỹ - Trung, Mỹ - EU và một số nước khác được đẩy lên cao trào, đến khủng hoảng địa chính trị từ châu Âu, châu Mỹ tới châu Á. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại còn đẩy thế giới trên bờ vực của một cuộc suy thoái kinh tế mới.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là các thông tin tiêu cực chỉ ảnh hưởng ngắn tới thị trường, ngay khi có thông tin về việc giải quyết các thông tin trên, nhà đầu tư lại phản ứng tích cực, đẩy thị trường lên tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới và chốt lại năm 2019 với mức tăng lớn nhất trong nhiều năm. Trong đó, S&P 500 và Nasdaq có mức tăng tốt nhất kể từ năm 2013, còn Dow Jones có năm tăng tốt nhất kể từ năm 2017.

Cụ thể, trong năm 2019, Dow Jones tăng 22,34%, trong khi năm 2018 giảm 5,63%; chỉ số S&P 500 tăng 28,88% trong khi năm trước giảm 6,24%; Nasdaq thậm chí còn tăng 35,23%, trong khi năm trước giảm nhẹ 3,88%.

Còn tính trong quý IV, Dow Jones tăng 6,02% và S&P 500 tăng 8,53%, quý tăng thứ 4 liên tiếp của 2 chỉ số, trong khi Nasdaq sau khi điều chỉnh nhẹ quý trước đã bật tăng mạnh 12,17% trong quý IV này.

Trong tháng 12, Dow Jones tăng 1,74%, S&P 500 tăng 2,86% và Nasdaq tăng 3,54%, tháng tăng thứ 4 liên tiếp của cả 3 chỉ số.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, trong khi chứng khoán Đức nghỉ Tết sớm, thì chứng khoán Anh và Pháp điều chỉnh trong phiên cuối năm do áp lực chốt lời của nhà đầu tư sau 1 năm khởi sắc của thị trường.

Kết thúc phiên 31/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 44,61 điểm (-0,59%), xuống 7.542,44 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 4,15 điểm (-0,07%), xuống 5.978,06 điểm. Chứng khoán Đức nghỉ giao dịch.

Dù điều chỉnh phiên cuối năm, nhưng cả 3 chỉ số chính của châu Âu đều tăng điểm trong tháng cuối năm, trong đó FTSE 100 tăng tốt nhất khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với diễn biến mới của Brexit với mức tăng 2,67%, tháng tăng thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số DAX chỉ có mức tăng khiêm tốn 0,1%, nhưng là tháng tăng thứ 4 liên tiếp. Chỉ số CAC40 cũng có tháng tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 1,23%.

Trong quý IV, chỉ số FTSE 100 tăng 1,81% sau khi điều chỉnh trong quý trước, trong khi chỉ số DAX tăng 6,61% và CAC40 tăng 5,29%, quý tăng thứ 4 liên tiếp trong năm.

Qua đó, chốt năm 2019, chỉ số FTSE 100 tăng 12,10%, lấy lại hết những gì đã mất trong năm 2018. Chỉ số DAX tăng 25,48% sau khi mất hơn 18% trong năm trước. Chỉ số CAC 40 cũng tăng mạnh 26,37% sau khi giảm gần 11% trong năm 2018.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc nghỉ Tết sớm, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông vẫn giao dịch trong ngày cuối cùng của năm 2019.

Kết thúc phiên 31/12, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 10,10 điểm (+0,33%), lên 3.050,12 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 129,64 điểm (-0,46%), xuống 28.189,75 điểm.

Cũng giống chứng khoán Âu, Mỹ, phản ứng tích cực với triển vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, chứng khoán châu Á cũng có tháng tăng ấn tượng sau khi điều chỉnh trong tháng 11. Qua đó, cũng có quý tăng tốt và năm tăng ấn tượng.

Cụ thể, trong tháng 12, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,56%, chỉ số Hang Seng tăng 7%, chỉ số Shanghai tăng 6,20%, chỉ số Kospi tăng 5,25%.

Trong quý IV/2019, mức tăng lần lượt của các chỉ số này là 8,74%, 8,26%, 4,99% và 6,53%, trong đó với chỉ số Nikkei 225 là quý tăng thứ 4 liên tiếp.

Trong năm 2019, chỉ số Nikkei 225 tăng 18,20%, chỉ số Hang Seng tăng 9,07%, chỉ số Shanghai tăng tới 22,3% và chỉ số Kospi tăng 7,67%, lấy lại được hết những gì đã mất trong năm trước đó.

Trên thị trường, tâm lý ngày cuối năm khiến giao dịch diễn ra không mấy sôi động. Mở đầu phiên, giá vàng nhích lên trên thị trường châu Á và châu Âu, nhưng sau đó hạ nhiệt dần khi bước vào phiên giao dịch Mỹ. Tuy nhiên, đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019, giá vàng vẫn có được mức tăng nhẹ và đóng cửa trên ngưỡng kháng cự quan trọng 1.520 USD/ounce với giá vàng tương lai giao tháng 2.

Kết thúc phiên 31/12, giá vàng giao ngay tăng 1,8 USD (+0,12%), lên 1.516,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 4,5 USD (+0,30%), lên 1.523,1 USD/ounce.

Cũng giống như chứng khoán, giá vàng cũng có năm giao dịch thành công sau năm điều chỉnh 2018. Cụ thể, giá vàng giao ngay trong năm 2019 tăng 18,28%, còn trong quý IV tăng 3,08%, quý tăng thứ 4 liên tiếp. Trong đó, riêng trong tháng 12 tăng 3,61% sau khi mất 3,22% trong tháng 11.

Về giá vàng tương lai, giá vàng giao tháng 2 tăng 3,42% trong tháng 12, qua đó có quý IV tăng 2,94%.

Dù kỳ vọng vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, nhưng với áp lực chốt lời, giá dầu thô đã điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch cuối năm.

Kết thúc phiên 31/12, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,62 USD (-1,02%), xuống 61,06 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,06 USD (-0,09%), xuống 68,38 USD/thùng.

Dù điều chỉnh trong phiên giao dịch cuối năm, nhưng với những thông tin tích cực về kỳ vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, cùng với việc OPEC và các đồng minh gia hạn thời gian cắt giảm sản lượng, Iran bị Mỹ cấm vận, giúp giá dầu thô cũng có năm giao dịch khởi sắc, lấy lại cả vốn lẫn lãi đã bỏ ra trong năm 2018.

Cụ thể, trong năm 2019, giá dầu thô Mỹ tăng 34,46%, giá dầu thô Brent tăng 30,80%, sau khi giảm gần 25% và hơn 21% trong năm 2018. Trong đó, riêng quý IV/2019, giá dầu thô Mỹ tăng 12,93% và giá dầu thô Brent tăng 12,50%, lấy hết cả vốn lẫn lãi trong 2 quý giảm liên tiếp trước đó.

Trong tháng 12, giá dầu thô Mỹ tăng 10,68%, tháng tăng thứ 3 liên tiếp, còn giá dầu thô Brent tăng 9,53%, tháng tăng thứ 2 liên tiếp. 

Tin bài liên quan