Giới phân tích nhận định, lần tăng lãi suất này sẽ có những tác động đáng kể tới các thị trường chứng khoán toàn cầu, bởi lẽ lãi suất của Mỹ luôn là biến số chủ chốt cho sự vận động của toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Bỏ qua những quan ngại về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) và hàng loạt rủi ro địa chính trị khác tại các cuộc bầu cử trên khắp “lục địa già”, các nhà hoạch định chính sách của Fed tin tưởng rằng kinh tế Mỹ đã đủ vững mạnh cho các đợt tăng lãi suất sắp tới.
Trên cơ sở những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, Fed để ngỏ khả năng tăng lãi suất nhanh hơn và tiến tới bình thường hóa hoàn toàn chính sách lãi suất. Chủ tịch Fed Janet Yellen cho biết thêm, định chế tài chính này cũng dự kiến tăng lãi suất thêm hai lần nữa trong năm 2017 và ba lần khác trong năm 2018.
Chỉ số chứng khoán chủ chốt bật tăng
Ngay sau quyết định của Fed, màu xanh đã phủ khắp các sàn chứng khoán từ Mỹ tới châu Âu. Cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều ghi nhận mức tăng từ 0,5 - 0,8% so với phiên trước đó. Chứng khoán châu Âu cũng có một phiên giao dịch tích cực sau động thái của Fed, khi các chỉ số FTSE 100 tại Anh, DAX 30 (Đức) và CAC 40 (Pháp) đều tăng.
Việc Fed tăng lãi suất là tin tốt lành đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng như Bank of America, Goldman Sachs và JPMorgan Chase, vốn là đối tượng hưởng lợi rất lớn khi lãi suất tăng, song sẽ là điều tồi tệ với các công ty bất động sản và khai mỏ, đặc biệt là vàng. Dù giá vàng đã bất ngờ tăng trong phiên 15/3 do các nhà đầu tư bắt đáy chốt lời sau hơn một tuần sụt giảm, song trong dài hạn, giới phân tích cho rằng, lãi suất cao hơn sẽ làm đồng USD tăng giá và khiến cho những hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này như vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua đang nắm giữ các đồng tiền khác.
Bên cạnh đó, vàng còn nhạy cảm với chính sách lãi suất của Mỹ bởi lãi suất tăng sẽ khiến xu hướng đầu tư vào các tài sản rủi ro cao hơn và làm cho các tài sản an toàn như vàng trở nên kém hấp dẫn hơn.
Rất nhiều khoản vay trên thế giới được định giá bằng đồng USD. Một mặt, việc lãi suất tăng cao hơn sẽ khuyến khích các nguồn ngân quỹ đổ vào nước Mỹ, mặt khác, lãi suất tăng cũng sẽ kéo theo chi phí đi vay tăng theo, đồng thời ảnh hưởng tới các khoản vay định giá bằng đồng USD.
Kết thúc kỷ nguyên tiền tệ giá rẻ và sự trở lại của lạm phát
Fed tiếp tục theo đuổi các đợt tăng lãi suất tiếp theo vào cuối năm nay là minh chứng cho thấy nước Mỹ đã sẵn sàng để chấm dứt hoàn toàn kỷ nguyên tiền tệ giá rẻ. Cho dù Nhật Bản và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn ưa chuộng chính sách lãi suất thấp, song nước Mỹ có thể trở thành tấm gương để hai nền kinh tế này dõi theo về những điều chỉnh chính sách lãi suất phù hợp.
Tất nhiên, một khi lãi suất tăng, lạm phát sẽ quay trở lại. Hiện tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã gần tiệm cận mức mục tiêu 2% mà Fed đặt ra trước đó. Trong ngắn hạn, lạm phát trong ngưỡng mục tiêu là tín hiệu tốt cho nước Mỹ, song sẽ trở nên đáng báo động nếu vượt khỏi tầm kiểm soát.
Nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng công kích Trung Quốc thao túng đồng nội tệ của mình, ngay cả khi Bắc Kinh đã nỗ lực tìm cách thu hẹp khoảng cách tỷ giá với đồng USD. Với việc đồng USD tăng giá sau khi lãi suất tăng, khoảng cách tỷ giá có thể càng nới rộng, làm gia tăng chi phí xuất khẩu của Mỹ và giảm giá hàng hóa nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Trung Quốc sở hữu mức thặng dư thương mại quá lớn đối với Mỹ, ước tính lên tới hơn 300 tỷ USD/năm. Do đó, ông Trump sẽ phải mọi tìm cách để xây dựng một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có lợi cho Mỹ hơn.
Không chỉ với Trung Quốc, đồng USD cũng sẽ tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới như euro và yen Nhật và là tác nhân khiến tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác trở nên trầm trọng hơn.
Tổng thống Donald Trump chắc hẳn sẽ không thích điều này vì nó sẽ “cướp” đi việc làm của người lao động Mỹ, vốn là điều ông luôn tuyên bố sẽ bảo vệ trong chiến dịch tranh cử của mình. Nếu điều này không đạt được, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ, áp đặt các hàng rào thương mại lẫn nhau là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra.