Lực mua của khối ngoại cũng như nhà đầu tư nội được dự báo không còn mạnh khi bước vào quý II

Lực mua của khối ngoại cũng như nhà đầu tư nội được dự báo không còn mạnh khi bước vào quý II

Chứng khoán tháng 3, rủi ro có đến sớm?

(ĐTCK) Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) vừa phát hành bản báo cáo chiến lược, trong đó có những phân tích và nhận định đáng chú ý, cảnh báo sớm rủi ro trong bối cảnh thị trường chứng khoán hiện nay.

Theo HSC, năm 2018 có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ thị trường như: khối nhà đầu tư nước ngoài nhiều khả năng tích cực mua vào; làn sóng bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết của hàng loạt doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa tiếp tục diễn ra, cùng với đó là lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các công ty đã niêm yết; lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có triển vọng tăng trưởng cao, HSC dự báo lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) của Top 70 mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường sẽ tăng 18,2%.

Tuy nhiên, điểm khác biệt của năm 2018 là định giá cổ phiếu có vẻ đã đắt. Cuối năm 2017, dựa trên dự báo lợi nhuận của Top 70, P/E dự phóng năm 2018 là 18,8 lần. Trong khi đó, P/E hiện tại là 19,4 lần.

Lượng tiền của khối ngoại và tiền margin lớn đã góp phần giúp thị trường tăng trưởng trong năm 2017. Điều này cho thấy, thị trường đã có dấu hiệu tăng “nóng”

- CTCK HSC

HSC dự báo, năm 2018, thị trường chứng khoán sẽ biến động mạnh do định giá cổ phiếu đắt và chịu ảnh hưởng không nhỏ từ sự điều chỉnh chính sách tiền tệ của nhiều nước trên thế giới. Mức độ mua ròng của nhà đầu tư ngoại có thể sẽ không lớn như năm trước do không có thương vụ đấu giá cổ phần nhà nước nào có quy mô lớn tương tự Sabeco trong kế hoạch thoái vốn năm nay.

Trước đó, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng đưa ra cảnh báo rằng, thị trường không còn rẻ xét chỉ theo số định giá P/E vào cuối năm ngoái.

Phân tích kỹ hơn, HSC cho biết, mức P/E dự phóng năm 2018 là 18,86 lần vào ngày 3/1 hoặc 18,38 lần vào ngày giao dịch cuối cùng năm 2017 so với mức P/E dự phóng khoảng 14,2 lần vào thời điểm này năm ngoái, tương đương cao hơn 33%.

Chứng khoán tháng 3, rủi ro có đến sớm? ảnh 1

HSC cho biết, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên đắt đỏ, nhưng tất cả các thị trường chứng khoán thế giới bao gồm cả thị trường mới nổi và sơ khai cũng vậy. Điểm đáng lưu ý là các thị trường mới nổi và sơ khai đều nhận được sự hỗ trợ của dòng vốn ngoại trong năm 2017.

Nếu dòng vốn ngoại tiếp tục chảy vào thị trường, diễn biến tương tự có thể lặp lại, nhưng nếu dòng vốn này dừng lại thì đây là một trong những yếu tố sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư nội và diễn biến giá cổ phiếu.

Một yếu tố khác có khả năng ảnh hưởng đến thị trường là dự kiến giảm tỷ lệ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của cơ quan quản lý. Theo phân tích của HSC, dựa trên thị phần của Công ty, mức độ margin tăng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thị trường tăng điểm trong năm 2017. HSC so sánh, năm 2016, VN-Index tăng 18,6% và dự nợ cho vay margin tăng 6,9%, khối ngoại bán ròng 354,1 triệu USD.

Năm 2017, VN-Index tăng 48%, dư nợ cho vay margin tăng 67,9%, khối ngoại mua ròng 1,15 tỷ USD. Có thể nói, lượng tiền của khối ngoại và tiền margin lớn đã góp phần giúp thị trường tăng trưởng trong năm 2017.

Điều này cho thấy, thị trường đã có dấu hiệu tăng “nóng”, nhưng “chúng tôi nói vậy không có ý là thị trường sẽ không thể tăng tiếp, hiện tỷ lệ margin so với vốn hóa thị trường chưa phải ở mức đáng báo động”, báo cáo của HSC viết.

Trên thực tế, mức tăng trưởng của thị trường cao hơn mức tăng của margin cho đến gần đây vì một số doanh nghiệp vốn hóa lớn mới niêm yết chưa đủ điều kiện margin và các công ty chứng khoán hoàn toàn có khả năng huy động vốn để đáp ứng nhu cầu tăng margin của nhà đầu tư.

Nhận định chung, HSC cho rằng, triển vọng thị trường sẽ tích cực cho đến mùa hè, nhưng sau đó tình hình nhiều khả năng kém khả quan.

Trong kịch bản khả dĩ nhất, HSC dự báo, VN-Index đạt 1.200 điểm trong năm nay, thậm chí có thể chạm đến ngưỡng 1.320 - 1.360 điểm; chỉ số chủ yếu tăng trong nửa đầu năm. Lực mua ròng của khối ngoại và lực mua vững chắc của khối nội đã giúp thị trường tăng điểm trong tháng 1. Tuy nhiên, hai lực mua trên có lẽ sẽ không còn mạnh như vậy khi bước vào quý II, thậm chí xu hướng mua vào có thể bị đảo chiều phần nào sau đó trong năm.

Không chỉ HSC hay SSI có quan điểm thị trường chứng khoán không còn rẻ, mà nhiều chuyên gia cũng cho rằng, mặt bằng giá đang đắt đỏ và thị trường sẽ sớm “nguội” khi các thông tin mùa đại hội hội đồng cổ đông phản ánh hết vào giá.

Thị trường thời điểm này phụ thuộc không nhỏ vào các yếu tố bên ngoài như diễn biến trên thị trường Mỹ, dòng vốn đầu tư toàn cầu trước động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Rủi ro của thị trường năm nay được nhận định lớn hơn năm 2017.

Tin bài liên quan