Sóng ngầm cạnh tranh đang diễn ra khốc liệt trên thị trường chứng khoán Việt Nam với sự xuất hiện của nhóm công ty tới từ Hàn Quốc có lợi thế về quy mô tài sản và nguồn vốn lãi suất thấp.
Điều này dẫn tới thị phần môi giới và và các khoản dư nợ cho vay các công ty chứng khoán lớn của Việt Nam trước đây bắt đầu có xu hướng giảm dần.
Tổng kết 6 tháng đầu năm 2020 thị phần tốp 10 dư nợ cho vay margin ở các công ty chứng khoán cho thấy có sự chênh lệch lớn giữa các công ty tốp đầu. Dư nợ cho vay margin của Chứng khoán MAS đứng đầu toàn thị trường với khoảng 8.575 tỷ đồng, vượt hơn cả hai công ty đứng sau là SSI và HSC cộng lại về dư nợ cho vay margin.
Thậm chí, dư nợ còn tăng trưởng mạnh so với năm ngoái từ 6.909 tỷ đồng, trong khi cả SSI và HSC đều giảm dư nợ cho vay so với cùng kỳ.
Lý do vì lãi suất cho vay margin của các công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc rẻ hơn, chỉ ở mức 8 - 9%/năm so với các công ty chứng khoán vốn Việt Nam từ 11,5 - 14%/năm, đã hút một lượng lớn nhu cầu vay margin từ các khách hàng ở đây sang các công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc.
Đối mặt với những khó khăn này, các công ty chứng khoán lớn trên đã tham gia vào cuộc đua hạ lãi suất và tăng hoa hồng cho các nhân sự môi giới nhằm lấy lại thị phần đã mất như các gói vay lãi suất 9%/năm của SSI.
Trong cuộc chơi này, tưởng chừng các công ty chứng khoán nhỏ khác của Việt Nam sẽ bị biến mất khi “Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”, nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại khi đây lại là nhóm có sự tăng trưởng rất mạnh về doanh thu bất chấp sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Dư nợ cho vay margin của 10 công ty chứng khoán thấp nhất thị trường nửa đầu năm 2020 chỉ dao động trong khoảng 10 - 25 tỷ đồng. Điều này một phần phản ánh quy mô nhỏ của nhóm các công ty này, tuy nhiên có những công ty trong nhóm này có sự tăng trưởng ấn tượng về doanh thu trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ như APS với mức tăng 531%, ORS tăng 424%, hay Chứng khoán Smart Invest (AAS) có mức tăng 185% so với cùng kỳ,…
Chi tiết vào cơ cấu doanh thu nửa đầu năm của 3 công ty này thì thấy, các công ty đang tập trung hoạt động trong mảng dịch vụ vận hành trái phiếu, các hoạt động ngân hàng đầu tư và quản lý gia sản.
(Đơn vị: tỷ đồng)
Trong hơn 188 tỷ đồng doanh thu hoạt động của Chứng khoán SmartInvest (AAS) có tới một nửa con số đó là 87 tỷ đồng đến từ việc nhận lãi vay, cổ tức từ các tài sản tài chính cố định còn ORS và APS thì doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động tư vấn.
Chuyển từ các hoạt động cạnh tranh truyền thống sang các hoạt động khác đã mang lại kết quả kinh doanh và sự tăng trưởng vượt bậc của các công ty chứng khoán nhỏ.
Trong số này, chứng khoán SmartInvest (AAS) đang là công ty có hoạt động kinh doanh hiệu quả và an toàn với doanh thu phần lớn tới từ trái tức và tỷ lệ doanh thu/vốn điều lệ xấp xỉ bằng 1 lớn nhất trong các công ty chứng khoán đang hoạt động trên thị trường.
Tại nước Mỹ phát triển, Robinhood một công ty chứng khoán nhỏ cũng vừa huy động vốn cho vòng tiếp theo là Series G và cán mốc định giá 11,2 tỷ đô, tức khoảng 13 lần doanh thu ước tính năm 2020 dù công ty này vẫn lỗ hơn 100 triệu đô trong năm gần nhất.
Doanh thu quý 2/2020 đạt 180 triệu đô tăng 100% QoQ so với cùng kỳ với 15 triệu tài khoản chủ yếu là của các nhà đầu tư nhỏ F0. Như vậy, có thể thấy những giá trị tồn tại cũ cũng có thể bị đánh bật bởi các nhân tố mới trong ngành mà nhiều người vẫn nhìn thấy cảnh “cá lớn nuốt cá bé” trong thập kỷ trước.