Chứng khoán sáng 6/2: Nghỉ Tết sớm

Chứng khoán sáng 6/2: Nghỉ Tết sớm

(ĐTCK) Với những diễn biến không mấy tích cực gần đây của thị trường, nhận thấy cơ hội không còn lớn, nhiều nhà đầu tư đã quyết định nghĩ Tết sớm khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh trong tuần này.

Sau phiên giảm mạnh hôm thứ Ba (3/2), thị trường đã có 2 phiên hồi phục khá tốt về mặt điểm số dưới sự hỗ trợ luân phiên của 2 nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng.

Sự tích cực này được đánh giá sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn khi nhóm ngân hàng – nhóm thu hút tốt dòng tiền thời gian gần đây, vẫn được đánh giá cao. Trong khi với tình hình giá dầu có sự hồi phục ổn định, thì nhóm dầu khí cũng được xem là động lực của thị trường.

Tuy nhiên, việc thanh khoản liên tục giảm mạnh cho thấy tâm lý nhà đầu tư có phần ngại rủi ro, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đã cận kề.

Bước vào phiên cuối tuần, với đà tăng sẵn có của của nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng, VN-Index mở cửa trong sắc xanh. Dù vậy, cũng như phiên trước, tâm lý ngại thận trọng của nhà đầu tư khiến thanh khoản thị trường tiếp tục èo uột.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,86 điểm (+0,33%) lên 569,03 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 1,3 triệu đơn vị, trị giá 17,63 tỷ đồng.

Diễn biến trên HNX cũng không khác gì mấy như trên HOSE, điểm thì vẫn tăng và thanh khoản vẫn cứ nhỏ giọt.

Giao dịch trên 2 sàn chủ yếu diễn ra ở 2 nhóm VN30 và HNX30, trong khi nhiều mã khác trên thị trường gần như bất động.

Trên HOSE, các mã dầu khí lớn như GAS, PVD, PVT tiếp tục tăng tốt và là nhóm tích cực nhất trong việc duy trì màu xanh của chỉ số. GAS tăng 1.500 đồng lên 80.000 đồng/CP. Còn PVD và PVT cùng tăng 500 đồng.

Bên cạnh đó, VCB tiếp tục được khối ngoại “để mắt” nên tăng mạnh 8000 đồng lên 35.700 đồng. Mã này hiện đang khớp hơn 300.000 đơn vị, trong đó khoảng 40% là do khối ngoại mua vào.

Ngoài VCB, MBB và CTG cũng đang có được sắc xanh nhẹ, trong khi EIB, STB, BID đứng tham chiếu.

Ngoài 2 nhóm dẫn dắt chính là dầu khí và ngân hàng, nhóm cổ phiếu thị trường cũng đang được giao dịch mạnh.

Mã OGC gây chú ý khi liên tục có diễn biến trồi sụt. Phiên sáng nay, mã này lại bật tăng mạnh trở lại lên sát mức trần 5.300 đồng và hiện khớp 1,15 triệu đơn vị.

Các mã khác như HAI, DLG, ITA, KBC... cũng đều tăng điểm. Trong đó 2 mã nhận được chú ý thời gian qua như HAI và DLG tiếp tục có thanh khoản nổi bật đều trên 1 triệu đơn  vị.

Đáng chú ý, mã CCL hiện đang có thanh khoản đứng thứ 2, chỉ sau FLC với hơn 1,6 triệu đơn vị và có lúc đã “nằm sàn” 3.700 đồng.

Còn FLC tiếp tục bị bán ra và giảm nhẹ 1 bước giá xuống 10.500 đồng/CP và khớp 1,79 triệu đơn vị, cao nhất HOSE.

Trên HNX, sắc xanh được duy trì vững khi nhóm cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng điểm. PLC tăng 500 đồng, PVS và PVC cùng tăng 200 đồng.

Các mã lớn khác như ACB, SHB, KLF, LAS... cũng đều tăng điểm, qua đó hỗ trợ tốt cho chỉ số. Trong đó, KLF khớp mạnh nhất với 3,56 triệu đơn vị và cũng là mã duy nhất khớp trên 1 triệu đơn vị.

Tại thời điểm 10h30, VN-Index tăng 4,42 điểm (+0,78%) lên 571,59 điểm, với tổng khối lượng giao dịch đạt 21,98 triệu đơn vị, giá trị 374 tỷ đồng. HNX-Index cũng tăng 0,62 điểm (+0,74%) tạm đứng ở mức 83,8 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 12,8 triệu đơn vị, giá trị 162 tỷ đồng.

Với sự ổn định của nhóm dầu khí, VN-Index tiếp tục hướng tới ngưỡng 575 điểm. Nhưng việc lực cầu tỏ ra quá yếu, trong khi áp lực bán ở mức giá cao là khá lớn nên VN-Index bị đẩy lui dần về mốc 570 điểm và dao động nhẹ trên mốc này cho đến hết phiên sáng.

Tâm lý e ngại vẫn chiếm lĩnh thị trường nên hoạt động giao dịch trở nên trì trệ, kéo thanh khoản tiếp tục rơi thảm.

Trên HNX, các lệnh khớp gần như chỉ nhích nhẹ, biểu đồ giao dịch trong 1 tiếng cuối của phiên gần như là 1 đường thẳng.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 4,99 điểm (+0,88%) lên 572,16 điểm với 103 mã tăng và 68 mã giảm. Chỉ số VN30-Index tăng 3,68 điểm (+0,62%) lên 594,96 điểm với 19 mã tăng và 5 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 31,23 triệu đơn vị, giá trị 522,28 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận là 1,9 triệu đơn vị, trị giá 70,88 tỷ đồng.

Với 78 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index tăng 0,73 điểm (+0,88%) lên 83,9 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 1,39 điểm (+0,87%) lên 161,67 điểm với 17 mã tăng và 3 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,42 triệu đơn vị, giá trị 219,51 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận có đóng góp chỉ 12,9 tỷ đồng, tương đương hơn 930.000 đơn vị.

Trong nửa cuối phiên, hoạt động giao dịch bị tiết giảm mạnh nên đà tăng và thanh khoản của nhóm ngân hàng, dầu khí cũng như một mã số lớn khác trong VN30 như VNM, VIC, DPM, FPT.... không có sự tích cực hơn.

GAS giữ mức tăng 1.500 đồng, còn PVD vẫn tăng 500 đồng lên 60.000 đồng/CP, PVT tăng 300 đồng lên 13.200 đồng/CP.

Trong khi đó, áp lực bán tăng khiến các mã ngân hàng yếu đà. MBB và CTG quay về tham chiếu, STB thậm chí còn giảm 1 bước giá xuống 17.800 đồng/CP. Chỉ còn VCB tăng 700 đồng lên 35.600 đồng/CP và EIB tăng 300 đồng lên 13.400 đồng/CP. Thanh khoản cao nhất trong nhóm này là CTG với hơn 1,2 triệu đơn vị được khớp.

Tương tự, nhóm cổ phiếu thị trường cũng không giữ được nhịp tăng như nửa đầu phiên. DLG quay về tham chiếu 10.600 đồng/CP và khớp 1,47 triệu đơn vị. Mã CCL cũng đã trở về mốc tham chiếu 3.900 đồng/CP và khớp được 1,75 triệu đơn vị.

OGC, HAI và ITA chỉ còn tăng 1 bước giá, trong đó HAI khớp 1,67 triệu đơn vị, ITA là 1,25 triệu đơn vị và OGC là 2,1 triệu đơn vị.

Mã FLC cũng chẳng có động tĩnh nào đáng kể, khi vẫn giữ nguyên mức giảm 100 đồng và khớp được 2,56 triệu đơn vị.

Trên HNX, áp lực bán khiến một loạt các mã như SHB, PVX, PVG, PGS, SCR, HUT... quay về mốc tham chiếu. Tuy nhiên, các mã dầu khí thị giá cao như PVS, PVC, PLC hay LAS, KLF, ACB, BVS, DBC... có được sắc xanh nhẹ, qua đó vẫn giữ chắc được sắc xanh của HNX-Index.

Phiên sáng nay, trong nhóm HNX30, duy nhất KLF là khớp hơn 1 triệu đơn vị (hơn 4 triệu đơn vị được khớp) và chỉ còn tăng nhẹ 100 đồng. Ngoài ra, còn có thêm FIT là khớp được 1,45 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan