Chứng khoán sáng 3/2: Cổ phiếu dầu khí không đỡ nổi thị trường

Chứng khoán sáng 3/2: Cổ phiếu dầu khí không đỡ nổi thị trường

(ĐTCK) Việc giá dầu thô thế giới đang trên đà hồi phục tốt giúp cổ phiếu dầu khí lấy lại đà tăng, nhưng trước áp lực bán đang diễn ra trên diện rộng, trong khi dòng tiền chỉ chảy vào nhỏ giọt khiến nhóm dầu khí không thể giúp thị trường tránh khỏi phiên giảm điểm tiếp theo.

Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, cũng là phiên giao dịch đầu tiên Thông tư 36 có hiệu lực, những tác động của thông tư này đã được hiện rõ trên thị trường. Thanh khoản sụt giảm, áp lực bán gia tăng, nhất là ở các mã có tính chất đầu cơ, vốn được nuôi dưỡng bằng dòng tiền margin. Áp lực bán từ nhóm cổ phiếu này đã lan tỏa ra cả thị trường, kéo hàng trăm mã giảm giá theo, bất chấp là cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, hay xấu.

Thông tư 36 đã được ban hàng gần 2 tháng rưỡi và khiến thị trường lao đao trong tháng giao dịch cuối năm ngoái. Nhiều ý kiến cho rằng, tác động của thông tư này đã được phản ánh hết và giờ là thời điểm thị trường chứng khoán sẽ đi vào thực chất hơn, chuyên nghiệp và bên vững hơn. Tuy nhiên, với thị trường chứng khoán, mà nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ chiếm số đông, đầu tư chủ yếu là ngắn hạn và sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính như thị trường chứng khoán Việt Nam, rõ ràng, Thông tư 36 đã gây ảnh hưởng lớn và dai dẳng hơn nhiều người nghĩ.

Với sự ảnh hưởng này, nhiều khả năng thị trường sẽ có cái Tết không vui như mọi năm. Tuy nhiên, thông tin tích cực đã bất ngờ đến với chứng khoán Việt Nam và thông tin này xuất phát từ bên ngoài.

Cụ thể, trên thị trường dầu thô, giá dầu thô đã sự hồi phục ấn tượng trong 2 phiên qua và cả phiên sáng nay. Nhiều nhà phân tích cho rằng, giá dầu đã chạm đáy vào cuối tuần trước và bắt đầu đi lên. Vì vậy, bất chấp thông tin không mấy tích cực là dữ liệu kinh tế không khả quan của Mỹ và Trung Quốc, cũng như cuộc đình công lớn nhất kể từ năm 1980 của công nhân các nhà máy lọc dầu của Mỹ, giá dầu cũng chỉ rung lắc nhẹ trong thời gian ngắn trong phiên giao dịch đầu tuần, trước khi lấy lại đà tăng với mức tăng 3%. Như vậy, chỉ trong 2 phiên, giá dầu thô thế giới đã có mức tăng trên 11%, trong đó, dầu thô Brent đã lên ngưỡng 55 USD/thùng và dầu thô tiêu chuẩn Mỹ cũng chạm tới mốc 50 USD/thùng.

Giá dầu tăng đã giúp nhóm cổ phiếu năng lượng trên thị trường Âu, Mỹ tăng mạnh, hỗ trợ tốt cho các thị trường này tăng điểm trong phiên đầu tuần. Và dĩ nhiên, nhóm cổ phiếu dầu khí đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng tích cực này.

Ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay (3/2), nhóm cổ phiếu dầu khí đã đồng loạt tăng giá, nhất là ở các mã lớn, giúp VN-Index có sắc xanh ngay từ đầu phiên, dù thị trường vẫn chịu áp lực bán khá lớn từ nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ, trong khi dòng tiền chảy vào thị trường vẫn nhỏ giọt.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 2,19 điểm (+0,38%), lên 572,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch 2,1 triệu đơn vị, giá trị 27,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, áp lực gia tăng đã khiến đà tăng mạnh của các mã dầu khí lớn bị hạ nhiệt. Trong đó, GAS từ mức tăng hơn 3%, hiện chỉ còn duy trì mức tăng tối thiểu 0,6%, PET, PVT, PXT… cũng chỉ còn duy trì sắc xanh nhạt, hoặc đảo chiều giảm trở lại, chỉ còn PVD vẫn giữ được đà tăng khá tốt, hơn 3,5%.

Trong khi nhóm dầu khí hạ nhiệt, thì nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ, vốn được sử dụng nhiều margin tiếp tục chịu áp lực bán ra, dù không còn lớn. Ngoài ra, nhóm ngân hàng cũng đang chịu áp lực chốt lời, khiến VN-Index không còn duy trì được sắc xanh lúc đầu phiên, mà quay đầu giảm điểm và đe dọa phá vỡ mốc 570 điểm.

Tương tự, với sự hỗ trợ của nhóm dầu khí, HNX-Index cũng có sắc xanh ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay, nhưng trước áp lực bán lớn sau đó ở nhiều mã khác, HNX-Index cũng quay đầu giảm trở lại.

Kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index giảm 1,65 điểm (-0,29%), xuống 568,72 điểm. VN30-Index giảm 3,7 điểm (-0,62%), xuống 594,76 điểm. Độ rộng của thị trường vẫn được mở rộng theo hướng tiêu cực khi số mã giảm gấp 2,4 lần số mã tăng. Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp khi chỉ có 49 triệu đơn vị, giá trị chưa tới 765 tỷ đồng được chuyển nhượng trong phiên sáng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,36 triệu đơn vị, giá trị 53 tỷ đồng.

Tương tự, HNX-Index cũng giảm 0,72 điểm (-0,85%), xuống 83,7 điểm. HNX30-Index giảm 1,2 điểm (-0,73%), xuống 161,64 điểm. Số mã giảm trên sàn này cũng gấp hơn 2,5 lần số mã tăng. Thanh khoản cũng đì đẹt với 23,8 triệu đơn vị, giá trị 287,4 tỷ đồng được chuyển nhượng và chủ yếu là khớp lệnh.

Ngoài một vài mã dầu khí lớn, thì thị trường cũng ghi nhận sự tích cực lẻ loi ở một số mã khác. Trong đó, trên HOSE là BVH, REE, sau đó có thêm SSI, CII, HCM.

Kết thúc phiên, PVD tăng 3,51%, lên 59.000 đồng, GAS tăng 1,96%, lên 78.000 đồng, BVH tăng 2,64%, REE tăng 1,06%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng sau chuỗi tăng ấn tượng nhờ hiệu ứng kết quả kinh doanh, đã chịu áp lực chốt lời khá lớn và tất cả đều đóng cửa trong sắc đỏ. Trong chiều muộn hôm qua, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông tin về tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định quốc hữu hóa ngân hàng này với mức giá mua lại của các cổ đông là 0 đồng/cổ phần. Việc Ngân hàng Nhà nước mua lại cổ phần của VNCB với giá 0 đồng là do ngân hàng này bị âm vốn chủ và việc này, theo Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh là nhằm có tiền trả cho người dân khi người dân có nhu cầu rút vốn.

Sau khi quốc hữu hóa VNCB, Ngân hàng Nhà nước giao cho Vietcombank quản lý và tham gia vào quá trình tái cơ cấu VNCB. Việc tham gia vào quá trình tái cơ cấu VNCB chắc chắn sẽ khiến Vietcombank tốn khá nhiều thời gian và gây hao mòn về nhân sự.

Trước đó, trong 2 cuộc họp tại Vietcombank và Vietinbank, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đều nhấn khá đậm về một nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng, được gọi là giai đoạn 2 tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong năm 2015. Một thông điệp rõ ràng đã được đưa ra là ngân hàng lớn phải “ôm” ngân hàng nhỏ.

Đóng cửa phiên sáng nay, VCB giảm nhẹ 0,56%, BID giảm 1,74%, CTG giảm 2,22%, EIB giảm 1,49%, STB giảm 3,26%, MBB giảm 1,43%. Trên HNX, ACB giảm 2,38%, SHB đứng ở tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao không còn chịu áp lực bán lớn như chiều qua, giúp đà giảm được hãm lại, thậm chí có một số mã đảo chiều tăng khá tốt. Cụ thể, trên HOSE, VHG tăng 2,54%, lên 12.100 đồng với 1,95 triệu đơn vị được khớp, KBC tăng nhẹ 1 bước giá, FLC, HQC và ITA đứng ở tham chiếu. Trên HNX, KLF tăng 2%, lên 10.200 đồng với 4,4 triệu đơn vị được khớp, PVX tăng nhẹ 1 bước giá, nhưng thanh khoản không cao. Trong khi đó, các mã giảm giá cũng chỉ giảm nhẹ 1 bước giá như OGC, DLG, SCR…

Tin bài liên quan