Chứng khoán sáng 26/2: Nhà đầu tư nắm giữ OGC bắt đầu hành động

Chứng khoán sáng 26/2: Nhà đầu tư nắm giữ OGC bắt đầu hành động

(ĐTCK) Sau 2 phiên kim hàng, sợ cơ hội tốt trôi qua, những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu OGC đã bắt đầu ra hàng trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, lực mua vẫn duy trì tốt, giúp mã này vẫn giữ được sắc tím.

Cú rớt mạnh trong đợt ATC cuối phiên giao dịch ngày hôm qua đã khiến tâm lý thận trọng bao trùm trong thời gian mở đầu phiên giao dịch sáng nay.

Động lực mua từ khối ngoại vẫn còn, lực đỡ của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn nhưng là... không đủ. Số lượng mã giảm điểm chiếm ưu thế khiến hai chỉ số chỉ giữ được sắc xanh thời gian giao dịch đầu, sau đó nhanh chóng đứng trước nguy cơ của một phiên giảm điểm nữa. 

Kết thúc đợt 1, Vn-Index tăng nhẹ 1,29 điểm (+0,22%) lên 593,95 điểm với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4 triệu đơn vị tương ứng tổng giá trị 44,26 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường không có nhiều biến động, các cổ phiếu bluechip tiếp tục lực đỡ chính giúp các chỉ số.  

Sau phiên điều chỉnh hôm qua, các cổ phiếu ngân hàng như VCB, MBB, BID, SHB cũng đã lấy lại sắc xanh cũng đã đóng góp cho việc duy trì sắc xanh của thị trường. Trong đó, VCB tăng 500 đồng, BID và CTG cùng tăng 300 đồng...

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí tăng nhẹ với sự dẫn dắt của các cổ phiếu chủ chốt PVD tăng 1,74%, GAS tăng 0,64% cùng sắc xanh của các cổ phiếu nhỏ như PXI, PXL, PXS.  Trong đó, đáng chú ý, cổ phiếu tí hon PTL tiếp tục duy trì sắc tím ở phiên thứ 7 liên tiếp nhờ có cơ hội thoát án hủy niêm yếu với thông tin kết quả kinh doanh năm 2014 có lãi.

Cổ phiếu tăng trần trong 2 phiên liên tiếp trước đó là OGC cũng đã chịu áp lực chốt lời và rung lắc nhẹ ở mức giá trần. Hiện OGC dưới mức trần một bước giá với mức tăng 3,57% lên 5.800 đồng/CP và thanh khoản lại vượt trội với hơn 5,53 triệu đơn vị được chuyển nhượng, lớn thị trường sau gần 40 phút giao dịch và dư bán trần hơn 2,94 triệu đơn vị. Đáng chú ý, khối lượng khớp lệnh cổ phiếu này liên tục tăng lên nhờ dòng tiền hấp thụ lớn.

Trong khi đó cổ phiếu vua thanh khoản trước đó là FLC cũng mới chỉ khớp hơn nửa triệu đơn vị nhưng cổ phiếu này đã lấy lại được sắc xanh với mức tăng nhẹ trên mốc tham chiếu một bước giá.

Khá định với nhận định của hầu hết các công ty chứng khoán rằng áp lực phân phối sẽ còn xuất hiện. Theo BVSC, thị trường tiếp tục điều chỉnh trong một hai phiên tới, khá nhiều các mã sẽ trở lại vùng mua hấp dẫn trong ngắn hạn.

Sau hơn 50 phút giao dịch, lực bán ở các cổ phiếu bluechip khiến nhiều cổ phiếu quay đầu giảm điểm và là tác nhân khiến VN-Index và HNX-Index cùng xuyên thủng mốc tham chiếu, trở lại giao dịch trong sắc đỏ.

Tại thời điểm 10h04, VN-Index giảm 0,71 điểm (-0,12%) tạm đứng ở mức 591,95 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 29,84 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 385,5 tỷ đồng. HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,22%) xuống 85,47 điểm với tổng giá trị giao dịch gần 11 triệu đơn vị, trị giá hơn 137 tỷ đồng

Tuy nhiên, áp lực điều chỉnh chỉ diễn ra trong thời gian ngắn trước khi lực cầu ồ ạt tung ra đã giúp thị trường lấy lại đà tăng khá tích cực. Nhiều cổ phiếu bluechip cùng các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nới rộng đà tăng, là điểm tựa giúp thị trường tiếp tục củng cố sắc xanh đến hết phiên giao dịch.

Đóng cửa, VN-Index tăng 2,67 điểm (+0,45%), lên 595,33 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 56,3 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 839,56 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,54 triệu đơn vị, trị giá 118,5 tỷ đồng. Đáng chú ý JVC thỏa thuận 3 triệu đơn vị, giá trị 61,5 tỷ đồng. VN30-Index tăng 2,45 điểm (+0,4%), lên 621,89 điểm với 16 mã tăng, 9 mã giảm và 5 mã đứng giá.

Tương tự, HNX-Index tăng 0,22 điểm (+0,25%), lên 85,88 điểm. Dòng tiền vẫn khá thận trọng khiến thanh khoản chỉ duy trì ở mức thấp với tổng khối lượng giao dịch đạt 21,93 triệu đơn vị, trị giá 268,6 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp hơn 1 triệu đơn vị, trị giá 5,64 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 0,44 điểm (+0,27%), lên 165,46 điểm với 9 mã tăng, 7 mã giảm và 14 mã đứng giá.

Nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng đang là lực đỡ chính của thị trường. Bên cạnh PVD duy trì mức tăng 500 đồng/CP, các cổ phiếu nhỏ trong ngành như PVT, PTL, PXI, PXS, PXT đều tăng điểm, trong đó, ngoài PTL còn có PXT cũng được kéo trần. Đóng cửa PTL đã khớp gần 1,4 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 280.000 đơn vị, trong khi PXS tăng mạnh và khớp hơn nửa triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, tích cực nhất là cổ phiếu VCB khi đà tăng được nới rộng và đóng cửa với mức tăng 2,36%, lên 39.000 đồng/CP, trong đó, nhà đầu tư nước ngoài góp công khá lớn cho việc nâng đỡ giá cổ phiếu khi họ mua vào chiếm hơn 47% tổng khối lượng khớp lệnh của VCB. BID tăng hơn 1% và đóng cửa ở mức 18.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 1,47 triệu đơn vị.

Sau 2 phiên tiết cung, OGC đã bắt đầu xuất hiện lực chốt lời. Nhiều nhà đầu tư nắm giữ OGC không tin tưởng vào chuỗi tăng trần kéo dài của mã này, nên đã nhanh chóng bán ra trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, lực mua ở OGC vẫn rất mạnh, giúp mã này được khớp tới hơn 15 triệu đơn vị trong phiên sáng nay, so với chỉ mấy trăm ngàn đơn vị trong 2 phiên đầu năm Ất Mùi. Đóng cửa, OGC đã bảo toàn sắc tím khi tăng 5,36%, lên 5.900 đồng/CP và còn dư mua trần 330.610 đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu đầu cơ khác là NVN sau 2 năm liên tiếp 2012 và 2013 thua lỗ, Công ty vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2014 với lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm tới 115 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp (106,56 tỷ đồng) và được HOSE cảnh báo có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc. Chính vì vậy, NVN đã nhanh chóng giảm xuống mức sàn với khối lượng khớp chỉ đạt 1.500 đơn vị.

Trên HNX, các cổ phiếu chủ chốt ngành dầu khí cũng lần lượt đảo chiều, như PVS tăng 1,13%, PVC tăng nhẹ 0,43%, PGS tăng 1,1% đã hỗ trợ tích cực cho HNX-Index lấy lại sắc xanh. Trong khi PVX chịu áp lực chốt lời sau 2 phiên tăng ấn tượng, thì PVV đã thay thế vị trí của PVX khi tăng trần ngay từ đầu phiên với khối lượng khớp lệnh đạt 250.300 đơn vị và còn dư mua trần 365.800 đơn vị.

KLF sau công bố kết quả kinh doanh năm 2014 khả quan với doanh thu 831,25 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 91,37 tỷ đồng, lần lượt tăng 112,28% và 164,62% so với năm 2013 và dự kiến chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 10% đã tăng hơn 1,9%, lên 10.700 đồng/CP và khớp 4,54 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.

Tin bài liên quan