Chứng khoán quốc tế lộn xộn và khó dự báo trong tâm bão Corona

Chứng khoán quốc tế lộn xộn và khó dự báo trong tâm bão Corona

(ĐTCK) Trước sự bùng phát dịch cúm do virus Corona gây ra, đa số thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến các phiên giao dịch hoảng loạn, ngoại trừ nước Mỹ.

Châu Á “lên cơn sốt”

Đa phần các thị trường chứng khoán châu Á đang đỏ lửa trước tác động từ dịch cúm Corona xuất phát từ Trung Quốc, nhất là khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố dịch do virus Corona là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch năm Canh Tý (ngày 30/1/2020) với đà bán tháo mạnh mẽ của nhà đầu tư. Hàng trăm mã giảm sàn kéo theo thị trường lao dốc, chỉ số VN-Index mất tới gần 32 điểm, phá vỡ mốc 960 điểm.

Chỉ 1 phiên này đã xóa đi hoàn toàn thành quả tăng điểm trong gần 2 tuần trước đó. Phiên cuối tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục rơi 22,9 điểm, xuống mức 936,6 điểm. Áp lực bán dồn dập trên toàn thị trường, với gần 100 mã giảm sàn phiên này.

Không riêng Việt Nam, đa phần các thị trường chứng khoán châu Á đều trong tình trạng tương tự. 1/5 số cổ phiếu đang niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Đài Loan, tương đương 198 mã, đã giảm tới mức giới hạn tối đa 10% trong ngày 30/1, ngay khi thị trường bắt đầu giao dịch sau kỳ nghỉ Tết.

Chỉ số tiêu chuẩn tại sàn Đài Loan kết thúc ngày ở mức thấp hơn 5,8% so với phiên giao dịch trước khi nghỉ Tết.

Tương tự, chỉ số Kospi (Hàn Quốc) giảm 1,7%, Hang Seng Index (Hồng Kông) giảm 2,6%, chỉ số Nikkei Stock Average (Nhật Bản) rơi xuống mức 22.977 điểm, lần đầu tiên ở dưới mức 23.000 điểm trong 3 tháng qua.

Các thành viên thị trường còn tỏ ra lo lắng không biết Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải sẽ “hoảng loạn” tới mức nào khi mở cửa trở lại vào ngày 3/2 tới.

Với diễn biến này, thị trường chứng khoán châu Á đã đón nhận tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 5/2019 (thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khuấy động thị trường) cho tới nay.

“Nhà đầu tư lo lắng về tác động lâu dài tới hoạt động sản xuất của các hệ thống cung ứng tại châu Á, cũng như ảnh hưởng dài hạn tới nền kinh tế xuất phát từ đợt dịch này”, Yukino Yamada, Chiến lược gia trưởng tại Daiwa Securities nhận xét.

Thực tế, lo ngại của thị trường châu Á là dễ hiểu, khi hoạt động sản xuất - kinh doanh tại khu vực này phụ thuộc lớn vào Trung Quốc và trở nên dễ tổn thương trước quy mô gia tăng nhanh chóng của dịch bệnh.

Dưới đây là ví dụ điển hình. Hon Hai Precision Industry, nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới vừa chứng kiến giá cổ phiếu giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng qua. Doanh nghiệp cùng ngành là Pegatron cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Đây là 2 nhà sản xuất, lắp ráp sản phẩm iPhone chính của Apple, với nhà máy tại tỉnh Hà Nam và Giang Tô.

Hiện tại, Trung Quốc đã kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tới ngày 10/2/2020, trong khi đó, bất kỳ sự chậm trễ nào trong thời gian tới đều khiến các nhà sản xuất này không thể đáp ứng kịp đơn hàng cho mẫu iPhone mới, dự kiến sẽ bán rộng rãi kể từ cuối tháng 2/2020.

Hon Hai cuối tuần trước cho biết, Tập đoàn đã thiết lập một trung tâm phản ứng nhanh nội bộ quy mô lớn để đối phó với đại dịch. Công ty đang thuê 700.000 - 1.000.000 công nhân Trung Quốc làm việc và có các biện pháp để phòng chống theo đúng quy chuẩn.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất đình trệ, không chỉ cố phiếu của doanh nghiệp sản xuất đi xuống, mà các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng bao gồm công ty sản xuất linh kiện, vận chuyển, phân phối, bán lẻ… đều chịu áp lực.

Giá cổ phiếu của Taiwan Semiconductor Manufacturing Co, nhà sản xuất bộ xử lý iPhone và Largan Precision, nhà sản xuất mắt kính camera đều giảm hơn 5%.

Không riêng Apple, các nhà sản xuất điện thoại di động lớn khác, bao gồm AAC Technologies Holdings, Samsung Electronics đểu chứng kiến cổ phiếu xuống dốc.

Bên cạnh hoạt động sản xuất, ngành dịch vụ - du lịch cũng chịu tổn thất lớn vì dịch bệnh, nhất là khi đây đang là thời điểm vàng - khoảng thời gian nghỉ lễ dài nhất trong năm đối với du khách Trung Quốc.

Tại Nhật Bản, All Nippon Airways cho biết, lượng khách của hãng giảm 10% trong dịp Tết năm nay so với cùng kỳ nghỉ lễ năm ngoái. Trong đó, lượng vé đặt mua của du khách Trung Quốc giảm một nửa trong tháng 2/2020 so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Casio Computer loay hoay chưa tìm được giải pháp đối phó với tình trạng khó khăn hiện tại. Doanh số bán hàng tại Trung Quốc chiếm 20% tổng doanh thu, trong khi Công ty có các cơ sở sản xuất tại tỉnh Quảng Đông và nhiều cửa hiệu phải đóng cửa.

Nomura Securities cuối tuần trước hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận của Imperial Hotel xuống còn 4,9 tỷ yên (2,75 triệu USD), giảm 300 triệu yên do nhu cầu du lịch thấp hơn từ Trung Quốc. Hơn một nửa lượng khách của Imperial Hotel tại Tokyo và Osaka tới từ thị trường ngoại quốc.

Chứng khoán Mỹ giữ sắc xanh

Chứng khoán quốc tế lộn xộn và khó dự báo trong tâm bão Corona ảnh 1

Diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ.

Lo sợ trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, nhưng chứng khoán Mỹ vẫn duy trì sắc xanh, đối lập với màu đỏ của các thị trường bên ngoài.

Ed Moya, chiến lược gia tại OANDA nhận định: “Tác động của dịch cúm hiện tại đối với hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc, cũng như tình hình xuất khẩu khó khăn hơn sẽ buộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ thị trường, trong đó có nới lỏng tiền tệ.

Trung Quốc cần nền kinh tế tăng trưởng tích cực hơn để tạo bệ đỡ trong trường hợp xấu nhất là xung đột thương mại với Mỹ diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Hiện tại, chứng khoán Mỹ giữ đà tăng, nhưng không mạnh, mà là thế giằng co. Thị trường chỉ thực sự tự tin hơn khi dịch bệnh được kiểm soát”.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Fox Business, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho rằng, dịch cúm Corona hiện tại có tác động tích cực tới kinh tế Mỹ, bởi các rủi ro về sức khỏe buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường khác bên ngoài Trung Quốc.

Đây được xem là các bệ đỡ giúp thị trường chứng khoán Mỹ đi ngược lại so với diễn biến chung của các thị trường chứng khoán trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, một trong những trợ lực còn xuất phát từ các báo cáo kết quả kinh doanh tích cực của nhiều công ty Mỹ. Microsoft Corp, Telsa Inc, Coca-Cola Co… là các gương mặt nổi tiếng vừa công bố những con số tăng trưởng trong năm 2019.

Đáng chú ý, Amazon lại một lần nữa chiếm ngôi vị đầu tiên trong danh sách các công ty có vốn hóa hơn 1.000 tỷ USD trên thị trường, sau khi cho biết doanh số bán hàng và lợi nhuận quý IV/2019 tăng 21%, vượt xa mọi dự báo trước đó.

Tuy nhiên, với việc WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp trên toàn cầu, đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng dịch bệnh mới chỉ bắt đầu và những điều tồi tệ nhất có thể đang ở phía trước đối với nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Do đó, các thành viên thị trường đều tỏ ra thận trọng về diễn biến thị trường trong thời gian tới.

Kathryn Kaminski, Chiến lược gia trưởng tại AlphaSimplex Group cho rằng: “Thị trường chứng khoán chưa thực sự biết cách ứng xử với sự kiện như hiện nay. Nhà đầu tư vẫn loay hoay giao dịch theo các thông tin cập nhật về dịch bệnh, hay trở nên lo lắng quá mức… Điều này khiến diễn biến thị trường trở nên lộn xộn và khó dự báo hơn bao giờ hết”.

Thanh khoản trên 5.000 tỷ đồng/phiên trong đà giảm của VN-Index

Phiên giao dịch đầu tiên năm Canh Tý ghi nhận VN-Index giảm gần 32 điểm với 5.051 tỷ đồng được chuyển nhượng trên cả 3 sàn (HOSE, HNX, UPCoM). Phiên giao dịch tiếp theo diễn ra vào ngày 31/1/2020 ghi nhận 5.586 tỷ đồng được sang tên giữa các nhà đầu tư, dù chỉ số chứng khoán tiếp tục giảm 22,9 điểm trong phiên này.

So với thanh khoản bình quân 4.659 tỷ đồng/phiên của năm 2019, thanh khoản của TTCK trong 2 phiên đầu năm Canh Tý có sự tăng trưởng đáng kể. Thực tế này cho thấy, dù rất nhiều nhà đầu tư hoảng loạn, bán tháo cổ phiếu trong bối cảnh dịch cúm Corona bùng phát, nhưng vẫn có những dòng tiền lớn đang mua vào cổ phiếu. Thanh khoản vững là yếu tố căn bản hỗ trợ TTCK sớm trở lại cân bằng khi yếu tố tâm lý qua đi.

Tin bài liên quan