Khối ngoại duy trì xu hướng rút ròng
Chứng khoán thế giới và các yếu tố liên thị trường nói chung vừa có tuần giao dịch khởi sắc, trợ giúp cho tâm lý nhà đầu tư trong giai đoạn điều chỉnh nhạy cảm. Tuy nhiên, áp lực rút vốn của khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn có tác động rõ ràng đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trung bình mỗi ngày, khối này bán ra hơn 200 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch ròng của khối ngoại và tự doanh từ đầu tháng 8 (Đơn vị: tỷ đồng). |
Nguyên nhân khối ngoại bán ròng lần này chủ yếu xuất phát từ động thái nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (Bank of Korea), bất chấp tỷ giá USD/VND tại Việt Nam liên tục giảm, tức VND tăng giá so với USD. Điểm tích cực là đà bán ròng đã hạ nhiệt so với mức trung bình hơn 1.133 tỷ đồng/phiên của tuần giao dịch trước đó và khối ngoại bắt đầu mua ròng trở lại trên thị trường phái sinh.
Tuyến phòng thủ 1.400 - 1.420 điểm được bảo toàn
Diễn biến tiêu cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng là lý do chính khiến thị trường không có được 3 phiên hồi phục liên tiếp. Ba mã cổ phiếu ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là VCB, CTG và BID đều có giá dao động dưới đường trung bình 200 ngày. Một số mã ngân hàng khác như TCB tạo mẫu hình vai - đầu - vai (giảm giá), VPB có thanh khoản sụt giảm…
Thế nhưng, lực cầu trong phiên chiều cuối tuần qua đã cứu nguy cho các chỉ số. VN30-Index giữ được tuyến phòng thủ 1.400 - 1.420 điểm, còn nhà đầu tư phái sinh như trút bỏ gánh nặng và đẩy giá VN30F1M vượt chỉ số cơ sở. Nhìn chung, đà rơi đã được “hãm phanh”.
Diễn biến chỉ số VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá. |
Tuần giao dịch tiếp theo chỉ kéo dài 3 ngày do có 2 ngày nghỉ lễ, kỳ vọng chỉ số VN30-Index sẽ tiếp tục đi ngang trong biên độ 1.390 - 1.420 điểm. Chiến lược phù hợp cho hợp đồng tương lai VN30F1M là giao dịch trong biên độ.
VN30F1M đang đứng trước ngưỡng cửa quyết định xu hướng
Theo phân tích kỹ thuật, nếu giá sập gãy khỏi ngưỡng 1.380 điểm thì lực bán nhiều khả năng sẽ áp đảo hoàn toàn. Trường hợp chỉ số giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.400 điểm và tích lũy sẽ giúp bên mua có thời gian “hàn gắn vết thương” và ổn định lại cung - cầu. Thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên ưu tiên quan sát, không mở vị thế mới cho chiến lược “giao dịch theo xu hướng”.
Đối với chiến lược “giao dịch ngắn hạn”, nhà đầu tư có thể tiếp tục mở các vị thế với tỷ trọng nhỏ khi hai đáy được tạo chưa phải là mẫu hình đảo chiều mạnh. Trong khi đó, mở vị thế bán đuổi có rủi ro, bởi động lượng RSI trên khung đồ thị giờ cho thấy trạng thái phân kỳ dương.
VN30F1M đang đứng trước ngưỡng cửa quyết định xu hướng. |
Cụ thể, áp dụng chiến lược giao dịch trong biên độ, ưu tiên mở vị thế mua nếu giá VN30F1M điều chỉnh về vùng 1390 - 1.400 điểm và mở vị thế bán nếu giá hồi phục về vùng 1.430 - 1.440. Các vị thế mở mới nên đặt mức cắt lỗ 10 điểm.
Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua
Tiếp tục tuân thủ kế hoạch, người viết đóng toàn bộ các vị thế mua khi giá thủng 1.410 điểm và quan sát trong ngày cuối tuần.
Sau phiên hồi phục đầu tiên ngày 24/8, dòng tiền một lần nữa chuyển dịch trở lại các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, vốn không có tác động đến chỉ số VN30-Index. Điều này tạo ra các dao động trong biên độ phức tạp và khó dự báo trên VN30F1M, do đó, nhà đầu tư cần tỉnh táo và hạn chế mở vị thế nếu không có mức giá hợp lý.