Chứng khoán phái sinh: Tâm lý tích cực

Chứng khoán phái sinh: Tâm lý tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khối tự doanh mua ròng mạnh và nhóm cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn trở lại góp phần quan trọng giúp VN30-Index tăng điểm. Tâm lý “thị trường tăng trong nghi ngờ” vẫn còn, nhưng bên mua đang chiếm thế chủ động.

“Món quà” bất ngờ từ khối tự doanh

Trong thế trận của thị trường cơ sở tương đối cân bằng với khối ngoại duy trì động thái bán ròng và nhóm nhà đầu tư cá nhân liên tục gom hàng, tưởng chừng thị trường sẽ còn đi ngang trong thời gian dài, nhưng dòng tiền đến từ khối tự doanh của các công ty chứng khoán bất ngờ mua ròng mạnh trong 2 tuần qua. Đây là yếu tố quan trọng giúp VN30-Index phá thế cân bằng của thị trường và áp sát vùng đỉnh thời đại.

Tổng cộng trong 30 ngày qua, nhóm tự doanh đã mua ròng gần 3.000 tỷ đồng và chưa có dấu hiệu giảm tốc. Kỳ vọng, đây sẽ tiếp tục là động lực giúp thị trường duy trì trạng thái tích cực, nhất là trong tuần mà hợp đồng VN30F2110 sẽ đáo hạn vào thứ Năm tới (21/10). Ngoài ra, trong phiên cuối tuần qua, khối ngoại đã giảm nhẹ hoạt động bán ròng và chuyển sang mua một số mã có trọng số lớn trên chỉ số VN30-Index như VNM, VHM.

Lực mua chiếm thế chủ động ở vùng 1.500 điểm của VN30-Index

Gần sát mùa kết quả kinh doanh quý III/2021, nhóm cổ phiếu ngân hàng có chuyển biến khả quan trở lại. Cổ phiếu của những ngân hàng nhỏ với kết quả kinh doanh sơ bộ tích cực dẫn đầu đà tăng, trong khi nhóm bluechips của ngành ngân hàng trong rổ VN30-Index cũng không kém cạnh khi đồng loạt bứt khỏi nền giá cũ. Thay đổi rõ nét này giúp củng cố xu hướng tăng yếu của tuần trước đó, sang bức tranh tăng trưởng vững chắc hơn.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Theo thị phân tích kỹ thuật, vùng cản nhỏ 1.470 điểm của VN30-Index đã bị phá vỡ, chỉ báo ADX trong khung đồ thị giờ có lúc chạm 60 điểm trước khi đóng cửa tuần qua ở trên 25 điểm. VN30F1M cũng được sự ủng hộ của dòng tiền với lượng hợp đồng giữ qua đêm duy trì trên 40.000 và mức chênh lệch giá so với chỉ số cơ sở VN30-Index dần chuyển sang dương.

Bước vào tuần đáo hạn hợp đồng VN30F1M, kỳ vọng thị trường sẽ duy trì trạng thái tích cực, với bên mua chiếm thế chủ động.

Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Không mua đuổi

Thị trường trong tuần đáo hạn VN30F1M có triển vọng tích cực, nhưng nhà đầu tư vẫn cần thận trọng. Trong bối cảnh nền giá dao động biên độ lớn và không có mẫu hình rõ ràng, sẽ rất dễ xuất hiện các tín hiệu vượt cản giả. Bên mua có thể dự đoán đúng chiều hướng của thị trường, nhưng giao dịch có thể không đem lại kết quả.

Vùng 1.490 - 1.500 điểm của VN30F1M có vị thế mua tốt.
Vùng 1.490 - 1.500 điểm của VN30F1M có vị thế mua tốt.

Chiến lược giao dịch ngắn hạn hợp lý là mở vị thế mua khi giá điều chỉnh, vùng hỗ trợ cần quan sát mở lệnh là 1.490 - 1.500 điểm, canh chốt lời nếu giá tiệm cận mức cản 1.530 điểm.

Đối với nhà đầu tư ưa thích nắm giữ vị thế trung - dài hạn, có thể kiên nhẫn chờ đợi giá chiết khấu sâu hơn để có điểm tựa vững chắc về giá, đồng thời giao dịch tại hợp đồng VN30F2111 (hay còn gọi là VN30F2M). Hỗ trợ mạnh đầu tiên là mốc Fibonacci hồi quy 61,8% nằm tại 1.485 điểm, quản trị rủi ro khi giá xuyên thủng qua và vi phạm ngưỡng 1.465 điểm, chờ đợi sau thời điểm đáo hạn VN30F2110 để gia tăng tỷ trọng.

Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua

Người viết nắm giữ lệnh mua được mở tại 1.465 điểm từ tuần trước, đồng thời gia tăng khi giá vượt qua 1.510 điểm. Lệnh gia tăng tạm thời chưa mang lại kết quả, bởi giá đang tăng vội, cần sự tích lũy thêm và động lực của nhóm cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn.

Nhìn chung, mẫu hình giá, mẫu hình thanh khoản và các chỉ báo kỹ thuật đều đang cho thấy trạng thái tích cực. Nhà đầu tư nên tận dụng trạng thái nghi ngờ của thị trường để tích lũy vị thế, chờ đợi đà bùng nổ tiếp theo có thể xảy ra trong các tuần tới.

Tin bài liên quan