Chứng khoán phái sinh: Kỳ vọng sóng tăng trưởng quý I

Chứng khoán phái sinh: Kỳ vọng sóng tăng trưởng quý I

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đóng cửa tại mốc 1.498,28 điểm, dưới mức cản tâm lý 1.500 điểm. Về mặt kỹ thuật ngắn hạn, có thể coi các chỉ số đang ở ngưỡng cửa sóng ngắn hạn.

“Cổ phiếu vua” thức giấc

Trong buổi họp báo diễn ra vào ngày 28/12 của Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định sẽ kiểm soát chặt hơn dòng chảy tín dụng vào các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Thế nhưng, khi làm rõ hơn, ông cũng cho biết, đối với chứng khoán, nếu để phục vụ thị trường phát triển lành mạnh, ổn định thì nguồn vốn vẫn sẽ được tạo điều kiện.

Nhưng ngược lại, nếu có dấu hiệu đầu cơ, tăng nóng thì Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt lại. Như vậy, trong bối cảnh mặt bằng định giá VN-Index vẫn còn ở mức hấp dẫn, tỷ lệ giá trị ký quỹ trên tổng giá trị giao dịch vẫn ở mức thấp so với quá khứ thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng các chính sách vĩ mô sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thị trường.

Nhóm ngân hàng (chỉ số Bank Index) còn dư địa hồi phục do đà tăng chậm hơn VN-Index.

Nhóm ngân hàng (chỉ số Bank Index) còn dư địa hồi phục do đà tăng chậm hơn VN-Index.

Cũng trong buổi họp báo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề nghị các ngân nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, tiếp tục rà soát, cắt giảm chi phí hoạt động để dành nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro và tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.

Đây không phải là thông tin tích cực cho lợi nhuận ngành ngân hàng, nhưng nhóm “cổ phiếu vua” vẫn thức giấc trong những ngày cuối năm và dần nắm lại vai trò đầu tàu thị trường.

Đà hồi phục ngắn hạn có thể là dấu hỏi, nhưng dư địa hồi phục còn dồi dào do nhóm ngân hàng vốn đã tăng trưởng chậm hơn mặt bằng thị trường chung tới 8% trong 5 tháng cuối năm 2021. Đây có thể là tiền đề tạo lập sự kỳ vọng về sóng tăng trưởng quý I/2022 dành cho thị trường Việt Nam.

Kết thúc năm 2021 tại ngưỡng cửa sóng

VN-Index đóng cửa tại mốc 1.498,28 điểm, dưới mức cản tâm lý 1.500 điểm. VN30-Index đóng cửa tại 1.535,71 điểm, chớm qua nhưng chưa bứt hẳn khỏi viền cổ 1.530 điểm.

Về mặt kỹ thuật ngắn hạn, có thể coi các chỉ số đang ở ngưỡng cửa sóng ngắn hạn, với VN30-Index là viền cổ mẫu hình hai đáy, với VN-Index là cận trên của tam giác tích lũy. Khi áp lực đang gia tăng dần lên kháng cự và những kỳ vọng về dòng tiền ký quỹ sẽ được thả lỏng trong các phiên tới, không có nhiều lý do để đà tăng phải kết thúc ngay tại đây.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Điều này không có nghĩa rằng khó khăn đã trôi qua, đặc biệt là với các cổ phiếu vốn hóa lớn. Bởi đại đa số nhóm ngân hàng vẫn còn nằm dưới các mốc cản mạnh.

Các cổ phiếu dẫn dắt thực sự như TCB, MBB, đà tăng rất thiếu ấn tượng và quan trọng nhất là VN30-Index sẽ còn vấp phải rất nhiều ngưỡng kháng cự trong những tuần đầu năm 2022 như 1.540 điểm (kháng cự fibonacci), 1.560 điểm (vùng nền giá cũ), 1.580 điểm (mức đỉnh cũ).

Do đó, khả năng rất cao các rung lắc sẽ còn tiếp diễn, việc mua đuổi không được ưu tiên. Thay vào đó, nhà đầu tư có thể lựa chọn các nhịp điều chỉnh để tham gia mua mới và tăng tỷ trọng vị thế Mua trong tài khoản.

Khuyến nghị: “Tăng tỷ trọng Mua trong các nhịp điều chỉnh”

Nhà đầu tư phái sinh có tuần giao dịch tương đối thuận lợi và không có nhiều rung lắc nhờ lực cầu liên tục trên VN30F1M. Các rung lắc mạnh nhất xảy ra trong ngày đầu tuần trước khi các hợp đồng tương lai hồi phục nhanh và ổn định. Kể từ mốc hỗ trợ 1.500 - 1.505 điểm, giá duy trì được mẫu hình hai đáy trong khung tích lũy và tiếp tục kéo dài động lượng hồi phục hướng về vùng đỉnh cũ.

Thử thách là vẫn còn, rung giật kỳ vọng sẽ diễn biến khốc liệt hơn trên các khung đồ thị ngắn hạn như 15 phút và chiến lược giao dịch ngắn hạn là canh Mua trong các nhịp điều chỉnh với vùng hỗ trợ đầu tiên là 1.530 điểm, quản trị rủi ro đóng vị thế nếu giá vi phạm 1.515 điểm, với giá mục tiêu đỉnh cũ 1.560 điểm.

VN30F1M có động lượng hồi phục hướng về vùng đỉnh cũ.

VN30F1M có động lượng hồi phục hướng về vùng đỉnh cũ.

Khuyến nghị dành cho nhà đầu tư ưa thích nắm vị thế dài hạn, sau khi đã có mức lợi nhuận từ các vị thế thăm dò thì nhiệm vụ tiếp theo sẽ là quản trị và canh tăng tỷ trọng. Có hai phương án hợp lý: Một là, mở thêm vị thế Mua nếu giá điều chỉnh và phản ứng tốt với khu vực hỗ trợ trọng yếu là 1.505 điểm và đặt điểm cắt lỗ tại 1.480 điểm; Hai là, mở Mua khi giá vượt hẳn qua mốc cản 1.560 điểm và đặt điểm đóng bắt buộc toàn bộ các vị thế tại 1.530 điểm.

Chiến lược tiếp tục kỳ vọng vào đà tăng trưởng của thị trường Việt Nam sẽ tiếp diễn trong năm 2022, bởi những gói hỗ trợ nền kinh tế mạnh mẽ, bởi nền kinh tế hồi phục hậu dịch bệnh và cuối cùng là chờ đợi sự đột phá đến từ các sản phẩm như giao dịch T+0 hay hành trình nâng hạng.

Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua

Một tuần giao dịch thành công của người viết nhờ mở vị thế Mua ở đúng mức đáy tuần tại 1.505 điểm và chốt lời ở khu vực đỉnh tuần 1.53x theo kế hoạch được vạch ra. Các vị thế dài hạn tiếp tục nắm giữ nhờ có mức lợi nhuận ban đầu lấy vốn để quản trị, áp dụng chiến lược chốt lời thụ động và sẽ còn nắm giữ cho đến khi khu vực 1.500 điểm trên VN30F1M hoàn toàn bị xuyên thủng.

Lẽ dĩ nhiên, 2021 là một năm chứng khoán Việt Nam bùng nổ, cũng như những nhà đầu tư tin tưởng áp dụng chiến lược giao dịch phái sinh trong các bài viết và đặt trọng tâm vào việc tìm kiếm điểm Mua chắc chắn đã đạt được mức sinh lời ổn định. Kỳ vọng 2022 sẽ có nhiều biến động, nhưng con sóng tăng trưởng đầu năm mới có lẽ là không thể thiếu!

Tin bài liên quan