Chứng khoán phái sinh: Đà hồi phục vững chắc

Chứng khoán phái sinh: Đà hồi phục vững chắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện tại, có nhiều yếu tố giúp thị trường chứng khoán nói chung và các hợp đồng phái sinh nói riêng tích lũy, để đà hồi phục vững chắc hơn.

Bối cảnh liên thị trường phức tạp, nhưng không đáng ngại

Diễn biến liên thị trường trong tuần qua có phần phức tạp và phân hóa mạnh. Trong khi chứng khoán Mỹ liên tục vượt đỉnh thời đại thì đa số các thị trường châu Á đang rơi vào trạng thái đi ngang “tiến thoái lưỡng nan”, cá biệt chỉ số Kospi đã hoàn toàn chuyển sang trạng thái điều chỉnh khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dần nâng lãi suất.

Xu hướng của các chỉ số/tài sản đầu tư tài chính trên thế giới.

Xu hướng của các chỉ số/tài sản đầu tư tài chính trên thế giới.

Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế thế giới và môi trường chính sách tiền tệ đang dần thắt chặt, thì sự mạnh mẽ của Việt Nam lại ngày càng được thể hiện rõ. Việt Nam đang lệch pha cả về xu hướng thị trường chứng khoán và chính sách vĩ mô, do đó, nhà đầu tư chưa cần quá quan tâm đến các chỉ báo liên thị trường, ít nhất là trong ngắn hạn.

Trong các phiên giao dịch tiếp theo, tâm điểm sẽ hướng đến quyết định về lãi suất của Fed, sự xác nhận về những gói hỗ trợ nền kinh tế đang được kỳ vọng của Việt Nam và kết quả kinh doanh của một số cổ phiếu lớn còn lại trong rổ VN30 như VIC, VCB, BID… Với nhiều thông tin quan trọng, đây có thể là yếu tố giúp thị trường chứng khoán nói chung và các hợp đồng phái sinh nói riêng tích lũy, để đà hồi phục vững chắc hơn.

Kỳ vọng duy trì xu hướng tăng trưởng

Tưởng chừng thị trường đã bước vào pha suy yếu sau khi VN30-Index quay đầu thủng mốc 1.500 điểm, VN30F1M cũng đã lùi về vùng hỗ trợ mạnh là khu vực nền giá cũ 1.470 điểm, thì những thông tin hỗ trợ bất ngờ khiến chứng khoán Việt Nam tăng điểm 4 phiên liên tiếp. Cú rũ mạnh cũng khiến bên Bán hoàn toàn bỏ cuộc và có lúc chênh lệch giữa hợp đồng VN30F1M và VN30-Index đã chạm đến mức dương 10 điểm.

Bên mua thận trọng hơn sau khi VN30F1M tăng giá mạnh.

Bên mua thận trọng hơn sau khi VN30F1M tăng giá mạnh.

Sự chững lại chỉ xảy ra trong ngày cuối tuần do đây là ngày cơ cấu cuối cùng của Quỹ VFM VNDiamond. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư kết hợp với đà hưng phấn của bên cầm tiền tạo thành phiên đi ngang kèm thanh khoản rất cao ở VN30-Index.

Đây có thể là sự báo hiệu một nền chỉ số mới được hình thành, đặc biệt khi mức cản đỉnh thời đại 1.560 điểm đang tới gần, tuy nhiên, kỳ vọng xu hướng tăng trưởng sẽ vẫn tiếp tục được duy trì.

Ưu tiên chiến lược Mua thấp

Chiến lược trong tuần mới sẽ tiếp tục xoay quanh các mốc hỗ trợ quanh trọng như đỉnh cũ 1.520 điểm của VN30F1M, mốc tâm lý 1.500 điểm trên VN30-Index và xa hơn là 1.400 điểm của VN-Index. Trong bối cảnh dòng tiền không “mặn mà” với nhóm cổ phiếu ngân hàng, thì rung lắc tất yếu sẽ tiếp tục xảy ra và lực cầu sẽ xuất hiện xung quanh các cột mốc trên.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Dựa vào quan điểm đó, nhà đầu tư xây dựng chiến lược giao dịch “giao dịch ngắn hạn”: Giải ngân bám theo xu hướng và mua mới từng phần nếu điều chỉnh. Các cột mốc cần quan sát Mua là 1.520 điểm và 1.510 điểm, quản trị rủi ro trong trường hợp sập gãy hẳn khỏi mức 1.500 điểm và tạo ra phân kỳ âm với động lượng.

Dành cho nhà đầu tư ưa thích nắm giữ vị thế trung - dài hạn, sau khi đã tăng tỷ trọng Mua khi giá vượt qua 1.510 điểm thì đây là lúc nằm im cho lợi nhuận “chạy”. Chưa có nhiều lý do để tiếp tục mở mới khi vẫn còn những vùng cản mạnh như 1.560 điểm, và ngược lại cũng không cần vội vàng đóng vị thế nếu mốc hỗ trợ 1.500 điểm còn được bảo toàn.

Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua

Có thể coi tuần vừa qua là tuần giao dịch thành công đối với nhà đầu tư bám theo chiến lược giao dịch đã vạch ra. Theo đúng kế hoạch, người viết tăng tỷ trọng Mua ngắn hạn trọng trong khu vực 1.480 điểm và chốt lời khi giá hồi phục về vùng cản 1.520 điểm. Các vị thế dài hạn vẫn được nắm giữ và cũng đã có mức lợi nhuận “giắt lưng” khoảng 50 điểm, thoải mái trong việc quản trị rủi ro.

Khi những rào cản ngắn hạn như đáo hạn phái sinh, cơ cấu ETFs hay lo ngại về kết quả kinh doanh quý III đều đã vượt qua, lại được hỗ trợ bởi yếu tố bối cảnh thông tin vĩ mô, không có nhiều lý do khiến đà tăng của thị trường sớm kết thúc.

Tin bài liên quan