Chứng khoán phái sinh: Chờ đợi sự bùng nổ

Chứng khoán phái sinh: Chờ đợi sự bùng nổ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các sự kiện rủi ro đã kích hoạt dòng tiền mở vị thế bán trên sàn phái sinh, nhưng sau giai đoạn tích lũy, pha bùng nổ theo 2 chiều có thể diễn ra trong tuần giao dịch cuối tháng 9 này.

Áp lực bán của khối ngoại chưa giảm

Thị trường phái sinh vừa trải qua tuần giao dịch tương đối căng thẳng. Dù rung lắc trên chỉ số VN30-Index không lớn, nhưng khi kết hợp giữa yếu tố đòn bẩy của hợp đồng tương lai và những sự kiện ảnh hưởng lên thị trường đã đem lại hàng loạt cung bậc cảm xúc cho nhà đầu tư.

Việc tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc đứng trước nguy cơ vỡ nợ khiến thị trường chứng khoán nước này cũng như nhiều nước khác trên thế giới giảm điểm.

Khối ngoại bán ròng 16 trong 18 tháng qua (Đơn vị: tỷ đồng).

Khối ngoại bán ròng 16 trong 18 tháng qua (Đơn vị: tỷ đồng).

Tác động lớn hơn đến thị trường Việt Nam là quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), theo đó, Mỹ sẽ bắt đầu thực hiện biện pháp thu hẹp quy mô mua lại trái phiếu từ tháng 11/2021 và kết thúc chương trình mua lại vào giữa năm sau. Điều này có thể khiến dòng tiền ngoại tiếp tục rút ra khỏi thị trường Việt Nam, nhóm nhà đầu tư nước ngoài vốn đã bán ròng tới 16 trong 18 tháng qua.

Đà tăng trên VN30-Index chưa thuyết phục

Những rung lắc mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần qua kiểm chứng ngưỡng hỗ trợ 1.430 điểm, còn các sự kiện rủi ro kích hoạt dòng tiền mở vị thế bán trên sàn phái sinh. Số lượng hợp đồng giữ qua đêm đang tiến gần đến con số 40.000, còn giá VN30F1M đã thấp hơn chỉ số VN30-Index hơn 10 điểm.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.
Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Trong trạng thái tăng bám theo kênh, diễn biến điều chỉnh trong phiên cuối tuần đã tạo ra vùng đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước trên cả VN30-Index và VN30F1M, kết hợp với sự xuất hiện của dòng tiền bán chứng khoán phái sinh có thể khiến bức tranh xu hướng thị trường dần chuyển sang trạng thái trung tính.

Chiến lược đầu tư phù hợp cho tuần mới (27 - 31/9/2021) cho nhà đầu tư phái sinh là quan sát, chờ đợi pha bùng nổ theo một trong hai chiều lên hoặc xuống để bám theo đà.

Giá có chiều hướng thu hẹp

Động lượng tăng của VN30F1M đang yếu dần.

Động lượng tăng của VN30F1M đang yếu dần.

Trong ngắn hạn, động lượng tăng của VN30F1M đang yếu dần và giá có chiều hướng thu hẹp khiến biên lợi nhuận của chiến lược giao dịch trong biên độ nhỏ dần.

Do đó, dù biên độ giá duy trì vùng 1.430 - 1.470 điểm, nhưng chiến lược giao dịch ngắn hạn nên được áp dụng cho tuần mới là mở vị thế bán nếu giá xuyên thủng qua ngưỡng hỗ trợ, hoặc mở vị thế mua nếu giá vượt hẳn khỏi ngưỡng kháng cự.

Dưới góc nhìn dài hạn hơn, tuần cuối tháng 9 này có thể sẽ mang tính chất quyết định đến chiều hướng trung hạn của thị trường. Trạng thái tích lũy đang dần chín muồi với thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng và lượng hợp đồng giữ qua đêm tăng mạnh. Hiện tại, xu hướng của thị trường chưa được quyết định, vì vậy, nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát, chờ đợi cơ hội rõ ràng hơn.

Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua

Diễn biến bất ngờ từ Evergrande nhanh chóng kéo sập giá VN30F1M khỏi kênh tăng. Người viết lựa chọn đứng ngoài quan sát và không mở vị thế mới trong tuần qua do rủi ro có tính hệ thống và chưa được kiểm soát.

VN30-Index và VN-Index hiện đã đi ngang 3 tuần liên tiếp, khối lượng giao dịch suy giảm và sự thiếu dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng đang khiến tâm lý của không ít nhà đầu tư dần trở nên chán nản. Đây có thể là điều kiện phù hợp để phía “nhà tạo lập” đưa ra những hành động mạnh tay ngay trong tuần này, nhằm quyết định cho xu hướng trung - dài hạn của thị trường.

Tin bài liên quan