Chứng khoán phái sinh: Chiến lược Bán (Short) nên là chiến lược được ưu tiên

Chứng khoán phái sinh: Chiến lược Bán (Short) nên là chiến lược được ưu tiên

(ĐTCK) Thị trường luôn luôn đúng, nhà đầu tư cần nương theo xu hướng của thị trường. Trong bối cảnh các chỉ số giảm về khu vực hỗ trợ mạnh thì vị thế Mua (Long) đang xuất hiện cơ hội, nhưng chiến lược Bán (Short) vẫn nên được ưu tiên.

Yếu tố cơ bản: Những phiên giao dịch lịch sử của TTCK toàn cầu

Tuần qua, các chỉ số chứng khoán toàn cầu “tắt lịm” vì hầu hết đều giảm kịch biên độ. Thị trường chứng kiến làn sóng bán tháo khủng khiếp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008, trong đó thị trường chứng khoán Mỹ 2 lần buộc phải tạm ngừng giao dịch vì sự hoảng loạn của nhà đầu tư.

Thị trường Thái Lan, Indonesia, Ấn Ðộ cũng tạm ngừng giao dịch tự động vì chỉ số giảm kịch biên độ cho phép.

Sự tháo chạy này xuất phát từ việc giới đầu tư lo ngại những gói kích thích kinh tế về tiền tệ và tài khóa sẽ không thể cứu vãn nguy cơ suy thoái kinh tế sắp xảy ra với tác nhân chính là tình trạng ngày càng phức tạp của dịch Covid-19.

Chứng khoán phái sinh: Chiến lược Bán (Short) nên là chiến lược được ưu tiên ảnh 1

Giá trị giao dịch tích lũy của khối ngoại.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh trên diện rộng, kể cả bán trên sàn cũng như thông qua quỹ ETF.

Ðiểm đáng chú ý là khối ngoại rất ít khi bán ròng trên chứng chỉ quỹ VFMVN30, nhưng sự tháo chạy diễn ra qua ETF phản ánh thực tế đáng lo ngại trong con mắt của giới đầu tư nước ngoài với thị trường Việt Nam.

Yếu tố kỹ thuật: Trở về nơi bắt đầu sóng tăng 2016

Chứng khoán phái sinh: Chiến lược Bán (Short) nên là chiến lược được ưu tiên ảnh 2

Các chỉ số có một tuần giao dịch tồi tệ.

Các chỉ số vừa có một tuần giao dịch tồi tệ, có thể nói là tồi tệ nhất đối với chỉ số phái sinh kể từ lúc ra đời.

Chứng khoán phái sinh: Chiến lược Bán (Short) nên là chiến lược được ưu tiên ảnh 3

Nỗi sợ hãi của bên mua tăng lên.

Tâm lý giao dịch phái sinh thể hiện rõ sự tiêu cực khi độ lệch (basis) giữa phái sinh và cơ sở luôn duy trì trong trạng thái âm, thậm chí có những thời điểm, sàn phái sinh còn mang tính dẫn dắt thị trường cơ sở.

Ðiểm sáng hiếm hoi khi kết tuần là đồ thị kỹ thuật xuất hiện mẫu hình nến “rút chân” và basis cũng dần thu hẹp hơn, trạng thái bi quan không còn quá dữ dội ở vùng giá hiện tại. Nhưng nhìn chung, phải thừa nhận một thực tế là các nhà đầu tư đang giao dịch ở thị trường “con gấu” (giảm giá).

Dòng tiền tiếp tục rút ra khỏi thị trường trong bối cảnh dòng tiền trước đó đã suy yếu, điều này được phản ánh rất rõ trong những phiên các cổ phiếu trụ giảm giá sàn nhưng gần như không có lực mua mạn dạn.

Sự tê liệt và sợ hãi đã bị đẩy lên cao, khiến các định nghĩa về “giá trị” hay “giá rẻ” gần như trở nên vô nghĩa.

Chứng khoán phái sinh: Chiến lược Bán (Short) nên là chiến lược được ưu tiên ảnh 4

Thị trường chưa thoát khỏi trạng thái quá bán.

Ðà lan tỏa đang ở trạng thái quá bán, tuy nhiên, thuật ngữ quá bán là một cụm từ đầy “nguy hiểm”, bởi lịch sử cho thấy những nhịp giảm mạnh nhất của các chỉ số khi đang rơi vào trạng thái quá bán.

Tín hiệu quá bán chỉ có ý nghĩ cho khả năng đảo chiều khi và chỉ khi tín hiệu quá bán này được xác nhận tạo đáy với sự tham gia quyết liệt của dòng tiền mua bắt đáy.

Chứng khoán phái sinh: Chiến lược Bán (Short) nên là chiến lược được ưu tiên ảnh 5

Thị trường "mất trụ".

Thị trường đã không còn cổ phiếu trụ nào có khả năng kéo thị trường, những cổ phiếu được xem là “khỏe” nhất như CTG, VPB hay VCB cũng không tránh khỏi trạng thái bị bán tháo.

Trong khi đó, những cổ phiếu vốn đã tiêu cực thì lại càng tiêu cực hơn. Do vậy, sức phản kháng của chỉ số chung là rất yếu.

Nhìn chung, thị trường được xác nhận đang ở trong thị trường con gấu (giảm giá) cùng với hầu hết thị trường chứng khoán khác trên thế giới. Do vậy, ý tưởng về trụ dẫn dắt hiện tại gần như không có.

Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Canh bán trong các pha hồi phục

Thị trường luôn luôn đúng, các nhà đầu tư cần nương theo xu hướng của thị trường. Các góc nhìn về liên thị trường, khối ngoại hay góc nhìn về kỹ thuật đang phản ánh cùng một khái niệm chung là giảm. Do đó, chiến lược Bán (Short) nên là chiến lược được ưu tiên. Nhưng trong bối cảnh các chỉ số giảm về khu vực hỗ trợ mạnh của lịch sử thì vị thế Mua (Long) vẫn có cơ hội, dù còn “mờ ảo”.

Chứng khoán phái sinh: Chiến lược Bán (Short) nên là chiến lược được ưu tiên ảnh 6

VN30F1M đang có vùng hỗ trợ 660 - 670 điểm, kháng cự tại 740-750 điểm.

Chiến lược trong tuần này là canh các nhịp hồi để tìm điểm Short, trong đó vùng kháng cự 740 - 750 điểm được ưu tiên cho vị thế Short. Trong khi đó, vị thế Long chỉ nên được cân nhắc khi giá lao về kiểm chứng một lần nữa khu vực hỗ trợ mạnh quanh 660 - 670 điểm.

Tin bài liên quan