Ảnh: Shutterstocks.

Ảnh: Shutterstocks.

Chứng khoán phái sinh: Chỉ số tạo “bàn đạp”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù vẫn còn thách thức cho bên nắm giữ cổ phiếu, nhưng hợp đồng phái sinh VN30F1M giữ vững vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.360 - 1.370 điểm, tạo được mức đáy sau cao hơn đáy trước và trở thành bàn đạp kỹ thuật hướng tới mức điểm cao hơn.

Chứng khoán Trung Quốc bước vào chu kỳ điều chỉnh

Thị trường chứng khoán châu Á vừa có tuần giao dịch đáng quên, khi hàng loạt chỉ số lớn của Trung Quốc sập gãy khỏi các ngưỡng hỗ trợ quan trọng và rơi vào chu kỳ điều chỉnh. Trong đó, chỉ số Shanghai Composite đánh mất hỗ trợ đường trung bình 200 ngày. Nguyên nhân chủ yếu đến từ các biện pháp cải tổ ngành giáo dục và quản lý ngành công nghệ từ chính phủ nước này.

Chỉ số Shanghai Composite đánh mất hỗ trợ đường trung bình 200 ngày.

Chỉ số Shanghai Composite đánh mất hỗ trợ đường trung bình 200 ngày.

Ngược lại, ở phía bên kia bờ Thái Bình Dương, các chỉ số Dow Jones, S&P500 và Nasdaq của thị trường Mỹ liên tục lập đỉnh mới. Sau Ủy ban Thị trường mở (FOMC) - cơ quan tạo lập chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell - chủ tịch cơ quan này khẳng định quan điểm chưa tăng lãi suất, cam kết tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi chủng virus Delta và tin tưởng rằng, lạm phát sẽ hạ nhiệt trong các tháng cuối năm.

Khi bị kẹp giữa các yếu tố liên thị trường tốt và xấu, chứng khoán Việt Nam cho thấy sức đề kháng khi giữ được nền hỗ trợ và hai phiên cuối tuần tăng điểm mạnh, 20 điểm mỗi phiên, đóng cửa tại 1.447,2 điểm.

Động lượng vẫn còn dù khó khăn chưa qua

Đóng cửa tuần tích cực, nhưng thử thách cho bên “cầm cổ” kéo dài đến những phút cuối cùng của phiên ATC. Các quỹ ETF mô phỏng chỉ số VN30-Index bán ra nhiều mã vốn hóa lớn như TCB, MBB, STB, VPB, CTG, REE…, suýt chút nữa khiến cho thị trường đánh mất thành quả trong ngày cuối tuần.

Thế nhưng, bên chiến thắng vẫn là phía mua, chỉ số đóng cửa gần mức cao nhất phiên, áp sát trở lại mốc kháng cự đường trung bình 20 ngày (MA20).

Diễn biến chỉ số VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Diễn biến chỉ số VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Khối lượng giao dịch ấn tượng cho thấy đà tăng có khả năng kéo dài sang đầu tuần mới. Điểm đáng lưu ý là ngưỡng kháng cự thực sự mạnh của xu hướng trung hạn là 1.470 - 1.480 điểm, tương ứng với nền giá cũ và đường trung bình 50 ngày.

Lưu ý khi giao dịch ngắn hạn

Đường giá VN30F1M hồi phục sau khi tạo mẫu hình 2 đáy.

Đường giá VN30F1M hồi phục sau khi tạo mẫu hình 2 đáy.

Trên sàn phái sinh, hợp đồng VN30F1M giữ vững vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.360 - 1.370 điểm, tạo được mức đáy sau cao hơn đáy trước và trở thành bàn đạp kỹ thuật hướng tới các vùng kháng cự tiếp theo.

Mẫu hình giá lúc này vẫn là các dao động trong biên độ rộng, chưa tạo ra xu hướng rõ ràng và cũng chưa hình thành xu hướng trung hạn cụ thể. Do đó, chiến lược “giao dịch theo xu hướng” vẫn là ưu tiên đứng ngoài quan sát.

Còn đối với chiến lược “giao dịch ngắn hạn”, phương hướng mở lệnh có phần rõ ràng hơn. Theo phân tích kỹ thuật, khi giá đã vượt qua viền cổ 1.420 - 1425 điểm của mẫu hình hai đáy thì đây sẽ trở thành khu vực hỗ trợ; ngược lại, kháng cự mạnh sẽ nằm quanh mốc 1.480 điểm. Nhà đầu tư nên áp dụng chiến lược “mua ở hỗ trợ, bán tại kháng cự”. Trong đó, ưu tiên mua tại 1.420 điểm và cắt lỗ nếu giá xuống dưới 1.400 điểm.

Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua

Theo kế hoạch, người viết mở vị thế mua theo chiến lược “giao dịch ngắn hạn” quanh ngưỡng 1.400 điểm với tỷ trọng nhỏ. Nhờ tỷ trọng nhỏ và nguồn lợi nhuận ban đầu, các lệnh mua được giữ cho tới hết phiên cuối tuần, bất chấp các rung lắc liên tục xảy ra trong vùng 1.400 - 1.420 điểm.

Nhiều khả năng thị trường sẽ hình thành vùng tích lũy giá mới trong 1 - 2 tuần tới. Đây sẽ là những dữ kiện quan trọng để đánh giá xu hướng trung hạn và tạo tiền để tăng tỷ trọng giao dịch phái sinh. Còn thời điểm hiện tại, hạn chế mở lệnh “full tài khoản” để có góc nhìn khách quan nhất.

Tin bài liên quan