Chứng khoán phái sinh: Bất ổn xuất hiện

Chứng khoán phái sinh: Bất ổn xuất hiện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số chung đóng cửa tuần qua trong sắc xanh, nhưng thị trường cơ sở không tránh khỏi tình trạng “đỏ lửa” trên nhóm vốn hóa trung bình.

Dự thảo luật thuế mới tại Mỹ khuấy đảo thị trường đầu cơ toàn cầu

Thị trường đầu tư tài chính quốc tế đang có dấu hiệu lung lay rõ rệt sau khoảng thời gian dài ổn định. Thông tin bất ngờ là kế hoạch đánh thuế tài sản gia tăng của Tổng thống Mỹ Joe Biden, kỳ vọng sẽ đem về cho ngân sách tới 1.000 tỷ USD, nhưng tác động trực tiếp tới giới siêu giàu cũng như những doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán.

Dòng tiền đầu cơ liên thị trường ngay lập tức phản ứng với thông tin trên. Chỉ số Dow Jones điều chỉnh 1% từ khu vực đỉnh, các tài sản phòng ngừa rủi ro như vàng có được tuần tăng trưởng thứ ba liên tiếp, trong khi Bitcoin “sập” 10% chỉ trong phiên cuối tuần. Những yếu tố trên phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư Việt Nam sau ngày nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương.

Xu hướng giá của một số tài sản đầu tư trên thế giới.

Xu hướng giá của một số tài sản đầu tư trên thế giới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Kỳ vọng trái chiều

Đóng cửa tuần qua trong sắc xanh, nhưng thị trường cơ sở không tránh khỏi tuần giao dịch “đỏ lửa” trên nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình (Midcap). Sự phân hóa đậm nét tiếp tục diễn ra trên ba sàn: cổ phiếu bluechips mà đại diện là VN30-Index hồi phục nhanh chóng về mốc gần 1.300 điểm với thanh khoản ấn tượng; ngược lại, chỉ số VNMidcap Index gãy hoàn toàn nền giá và hồi phục chưa được nửa cây nến đỏ trước đó.

Sự phân hóa là yếu tố tác động chính, giải thích lý do tại sao trên thị trường phái sinh, VN30F1M dao động rất mạnh trong 2 ngày cuối tuần. Độ lệch (Spread) giữa VN30F1M và VN30-Index liên tục co rồi giãn, đôi khi diễn biến trong phiên của VN30F1M trái ngược hoàn toàn với chỉ số VN30 khi tài khoản cơ sở của nhiều nhà đầu tư liên tục thua lỗ, tâm lý dĩ nhiên là bi quan, bi quan hơn rất nhiều so với sự vững vàng của VN30-Index.

Diễn biến VN30F1M, VN30-Index và mức chênh lệch giá.

Diễn biến VN30F1M, VN30-Index và mức chênh lệch giá.

Do đó, pha đảo chiều vào cuối tuần diễn ra càng bất ngờ và mạnh mẽ hơn. VN30F1M nhanh chóng tạo hai đáy quanh mốc 1.270 điểm, chốt phiên ở mức giá cao nhất là 1.296,7 điểm, với độ lệch giảm còn chưa tới -5 điểm.

Mốc hỗ trợ thành công cũng dần hình thành cho VN30F1M, mẫu hình nêm giá mở rộng tăng dần (mẫu hình đặc biệt hay xảy ra trong các mùa công bố báo cáo tài chính khi xuất hiện các kỳ vọng trái chiều), đây là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy trạng thái kỹ thuật ngắn hạn dần trở nên trung tính.

Kế hoạch đóng, mở vị thế mua (Long) VN30F1M trong tuần qua.

Kế hoạch đóng, mở vị thế mua (Long) VN30F1M trong tuần qua.

Chiến lược phù hợp nhất trong tuần tới dành cho nhà đầu tư là chờ đợi tín hiệu giá vượt hẳn qua 1.315 điểm, hoặc chờ đợi giá điều chỉnh sâu về 1.260 điểm để mở các vị thế mua ngắn hạn. Các vị thế mua trung hạn, sau khi tăng tỷ trọng tại vùng 1.260 điểm như kế hoạch, sẽ tập trung quản trị rủi ro quanh khu vực 1.250 điểm (đây còn gọi là chiến lược nâng dần mức cắt lỗ - stoploss sau khi kiểm chứng mốc hỗ trợ thành công).

Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua

Xu hướng tăng trung hạn được duy trì, do đó, các vị thế mua tiếp tục được ưu tiên, bất chấp chỉ số rung lắc. Người viết thực hiện giao dịch như kế hoạch đã đề ra, tăng tỷ trọng các vị thế mua trung hạn khi giá điều chỉnh về vùng 1.260 điểm.

Tuy nhiên, diễn biến giao dịch ngắn hạn không thuận lợi như kỳ vọng, mở vị thế mua khi giá vượt qua 1.300 điểm, để rồi phải cắt lỗ khi giá “gãy” trở lại. Các vị thế mua mới trong khung thời gian ngắn được hạn chế khi xu hướng ngắn hạn dần chuyển sang trạng thái trung tính.

Theo kinh nghiệm của người viết, mẫu hình Boardening Wedge là mẫu hình rất khó giao dịch trong biên độ dao động và các tín hiệu vượt cận trên hay cận dưới đều thiếu tin cậy để mở vị thế mới. Phương án phù hợp là quan sát để chờ đợi thị trường tạo dựng trạng thái kỹ thuật hoặc mẫu hình giá mới.

Tin bài liên quan