Chứng khoán ngày 21/1: Tiềm ẩn cung đột biến

Chứng khoán ngày 21/1: Tiềm ẩn cung đột biến

(ĐTCK) Xu hướng tăng điểm ngắn hạn vẫn được đánh giá lạc quan. Tuy nhiên, do VN-Index đã có mức tăng rất tốt trong hơn 2 tuần qua nên áp lực cung tiềm ẩn sẽ được dự báo có khả năng tăng đột biến trong các phiên còn lại trước kỳ nghỉ Tết.
ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 21/1.

Áp lực cung tiềm ẩn dự báo có khả năng tăng đột biến

(CTCK FPT - FPTS)                                                                      

Phiên mở đầu tuần mới tiếp tục ghi nhận sự bứt phá của nhiều mã bluechips, trong đó phải kể đến một số cổ phiếu tăng mạnh như BVH, DPM, STB, MSN… đã giúp VN-Index tiếp tục có sự bứt phá về điểm số, VN-Index vượt mốc 550 điểm lần đầu tiên sau 4 năm. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index tiếp diễn trạng thái điều chỉnh phiên thứ 2 liên tiếp, đóng cửa ở mức 72,5 điểm.

Quan sát diễn biến, có thể thấy sự chuyển dịch của dòng tiền sang sàn HOSE kèm theo lực cầu tích cực của khối ngoại với giá trị mua ròng lên tới 365 tỷ đồng đã góp phần hỗ trợ tích cực đối với xu thế của chỉ số VN-Index.

Trong ngắn hạn, cùng với những thông tin lạc quan như khả năng mở room cho khối ngoại hay sự kiện cổ phiếu BIDV sẽ lên sàn ngày 24/1 tới đây thì xu thế tăng điểm này của thị trường sẽ tiếp tục được đánh giá lạc quan.

Tuy nhiên, do VN-Index đã có mức tăng rất tốt trong hơn 2 tuần qua nên áp lực cung tiềm ẩn sẽ được dự báo có khả năng tăng đột biến trong các phiên còn lại trước kỳ nghỉ Tết.

Theo đó, chúng tôi bảo lưu khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế mở ra các vị thế mua mới ở thời điểm hiện tại, chiến lược giao dịch phù hợp vẫn là nắm giữ tỷ trọng cao đối với những cổ phiếu có thông tin cơ bản hỗ trợ và có thể canh bán dần nếu giá đạt tới mức lợi nhuận kỳ vọng.

Đà tăng của nhóm largecap sẽ chững lại

(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)

Cú tăng điểm mạnh thứ 2 do lực mua của khối ngoại vào nhóm cổ phiếu largecap như MSN, HPG,VNM, BVH... không còn khiến nhà đầu tư quá ngỡ ngàng nữa. Vì thế dù điểm số sàn HOSE tăng mạnh nhưng chỉ số HNX-Index lại quay đầu giảm.

Nếu nhà đầu tư chỉ quan tâm nhiều vào các mã bluechips sẽ khó nhận thấy áp lực bán lớn đang diễn ra, mà tựu chung là rơi vào nhóm cổ phiếu nhỏ.

Trong khi đó, quan sát đà tăng của nhóm largecap có thể thấy đà tăng nhóm này ở phiên ngày 21/1 sẽ chững lại. Vì thế, nếu áp lực bán lớn xảy ra có thể chỉ số VN-Index sẽ lần đầu tiên giảm sau 12 phiên tăng điểm liên tiếp.

Trong dự báo, chúng tôi vẫn đề cập đến áp lực bán trong 3 ngày đầu tiên của tuần và kỳ vọng nó sẽ giảm dần sau phiên ngày thứ 4. Tuy nhiên, việc giá cổ phiếu tiếp tục giảm điểm đang khiến nhiều nhà đầu tư không chịu nhiều áp lực tài chính vẫn tỏ ra lo ngại và lưỡng lự giữa bán hay không bán.

Nhìn ở khía cạnh tích cực thì cầu mua vào vẫn khá tốt khi 3 phiên liên tiếp vẫn giữ mức thanh khoản cao. Nhiều mã cổ phiếu sẽ sớm tạo ra vùng hỗ trợ mạnh, và nếu điều đó diễn ra thì nhiều khả năng 3 phiên còn lại trước tết những mã này sẽ lại tạo nên sự khởi sắc.

Thị trường sẽ rung lắc mạnh quanh ngưỡng cản 550 điểm

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Mặc dù có tăng trưởng nhưng thị trường cũng xuất hiện những dấu hiệu giảm nhiệt.

Ngoại trừ những cổ phiếu vốn hóa lớn có ảnh hưởng mạnh đến chỉ số, các cổ phiếu bluechips, midcaps và penny còn lại đều có xu hướng điều chỉnh sau chuỗi ngày tăng giá khá mạnh.

Sẽ chỉ có một vài cổ phiếu bluechips duy trì được mặt bằng giá tốt trong thời gian tới và bỏ qua chỉ số chính, việc lựa chọn cổ phiếu sẽ ảnh hưởng quyết định tới kết quả đầu tư.

Trong phiên 21/1, thị trường sẽ rung lắc mạnh quanh ngưỡng cản 550 điểm và nhiều khả năng giảm dần từ cuối phiên 2.

Nhà đầu tư nên thận trọng với việc mua đuổi cổ phiếu giai đoạn này và mục tiêu đầu tư nên hướng đến tầm nhìn trung hạn.

Nên chốt lời từng bước  

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường tiếp tục có phiên tăng giảm trái chiều trên cả hai sàn với sự phân hóa rõ nét giữa các dòng cổ phiếu. Trong khi một số cổ phiếu bluechips vốn hóa lớn trên HOSE vẫn tiếp tục hồi phục, làm trụ đỡ cho VN-Index thì đa số các dòng cổ phiếu vốn hóa trung bình nhỏ hoặc có tính thị trường cao lại quay đầu sụt giảm.

Theo quan sát của chúng tôi, đây là phiên thứ 2 liên tiếp thị trường có sự lệch pha này và nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ động thái tăng cường giải ngân của các quỹ ETFs và một số nhà đầu tư tổ chức khác, tập trung vào các mã bluechips.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu cơ của các nhà đầu tư trong nước cũng cộng hưởng khiến giá một số cổ phiếu bluechips tăng nóng. Hiện tượng này khiến nhiều người liên tưởng đến giai đoạn đầu năm 2013 khi khối ngoại đẩy mạnh mua vào giúp thị trường hồi phục khá tích cực.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khả năng tái diễn hiện tượng này, đặt trong bối cảnh hiện tại khi giá cổ phiếu đã được đẩy lên một mặt bằng mới tương đối cao và gói QE3 đang dần bị thu hẹp, sẽ trở nên khó khăn hơn.

Mặc dù xu hướng tăng trung hạn vẫn đang được xác nhận khá vững chắc nhưng rủi ro sớm bước vào một đợt điều chỉnh ngắn hạn đang ở mức cao.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ hoặc tái cơ cấu vị thế trung hạn ở mức trung bình và thực hiện chốt lời từng bước, đảo danh mục phần danh mục ngắn hạn tại các điểm kháng cự hoặc theo kỳ vọng của mỗi cổ phiếu.

Khối ngoại vẫn chưa giảm nhiệt

(CTCK Rồng Việt -VDSC)

Đóng cửa phiên 20/1, VN-Index có phiên tăng điểm thứ 12 liên tiếp, trong đó xu hướng rõ nhất cho thấy dòng tiền đang tập trung tại bluechips với sự tham gia trực tiếp của khối ngoại.

Đặc biệt, cả hai quỹ VNM và FTSE đều đang giao dịch ở mức premium khá cao lần lượt là 9,85% và 1,07%.

Với diễn biến trên, khả năng phát hành thêm chứng chỉ quỹ trong tương lai là khá chắc chắn. Do đó, sự tham gia của khối ngoại trong các phiên sau được dự báo vẫn chưa giảm nhiệt.

Dù vậy, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm thận trọng trong bản tin trước, nhà đầu tư nên tránh giải ngân vào các cổ phiếu bluechips tăng nóng đặc biệt khi thời gian nghỉ Tết sắp đến gần.

Giữ tỷ trọng cao các mã cơ bản tốt và để lãi chạy

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

VN-Index nới rộng chuỗi tăng điểm lên con số 12 phiên liên tục nhờ tiến thêm một cách ấn tượng 1,9%, đưa chỉ số vượt qua mức 550 điểm. Đây là mức điểm cao nhất của VN-Index kể từ xu hướng tăng dài diễn ra trong năm 2009, năm có gói kích cầu.

Hiện tại, diễn tiến của thị trường đang theo hai hướng: các mã vốn hóa cao và có nền tảng cơ bản tốt hoạt động mạnh và là yếu tố dẫn dắt chính cho chỉ số. Ngược lại, các mã vốn hóa nhỏ, nặng tính đầu cơ, vốn gia tăng nhiều lần trong giai đoạn trước, đang trong giai đoạn tích lũy/phân phối. Nhờ đặc điểm này, chỉ số vẫn gia tăng rất mạnh do tỷ trọng vốn hóa vượt trội của các mã đang gia tăng nhanh. Trong phiên, BVH (+6,8%), MSN (+3,7%), HGP (+3,0%), VCB (+2,8%),… Các mã ngân hàng cũng gia tăng mạnh trong vài phiên trở lại đây, trong phiên 20/1, STB (+6,8%).

Thị trường đang thử nỗ lực phá vỡ kỷ lục tăng điểm 13 phiên liên tục dịp Tết Nguyên đán 2013. Về kỹ thuật, những đợt tăng vọt như vậy của chỉ số hay của các cổ phiếu là các giai đoạn rất khó giao dịch cho các nhà đầu tư đã bỏ lỡ cơ hội: giá tăng quá nhanh dẫn tới các mức dừng lỗ trở nên quá xa. Điều này dẫn tới khó quản lý rủi ro và việc giao dịch thành công có nhiều tính chất may rủi. Công việc dễ dàng hơn với các nhà đầu tư đang nắm giữ các cổ phiếu cơ bản tốt. Họ chỉ việc tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao và gán cho các vị thế này các mức thoát vị thế trượt (trailing stops).

Tin bài liên quan