Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, thị trường chứng khoán quý I/2020 gặp nhiều bất lợi do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, giá dầu thế giới giảm mạnh và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán trong quý I năm nay chỉ đạt 29,5 nghìn tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 23/3/2020, chỉ số VN-Index đạt 657,43 điểm, giảm 25,5% so với cuối tháng trước và giảm 31,6% so với cuối năm 2019; mức vốn hóa thị trường đạt 3.302 nghìn tỷ đồng, giảm 24,7% so với cuối năm 2019.
Tuy nhiên, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 3 đạt 5.608 tỷ đồng/phiên, tăng 24% so với tháng trước. Tính chung quý I/2020, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 4.676 tỷ đồng/phiên, tăng 0,04% so với bình quân năm 2019.
Hiện nay, thị trường cổ phiếu có 756 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 883 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt gần 1.414 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2019.
Trên thị trường trái phiếu, hiện có 483 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.163 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với cuối năm 2019. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu tháng 3 đạt 13.863 tỷ đồng/phiên, tăng 32,2% so với tháng trước. Tính chung quý I/2020, giá trị giao dịch bình quân đạt 11.025 tỷ đồng/phiên, tăng 19,7% so với bình quân năm 2019.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân trong tháng 3 đạt 168.829 hợp đồng/phiên, tăng 28% so với tháng trước. Tính chung quý I/2020, khối lượng giao dịch bình quân đạt 122.436 hợp đồng/phiên, tăng 38% so với bình quân năm trước. Tại thời điểm cuối tháng 2/2020, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 97.427 tài khoản, tăng 7% so với cuối năm 2019.
Trên thị trường tài chính ngân hàng, số liệu thống kê vừa được cơ quan này công bố, tính đến thời điểm 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm trước tăng 1,9%), cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ngày 16/3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất.
Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm.
Hiện tại, lãi suất huy động đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,2 - 0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3 - 5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3 - 7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6 - 7,5%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến ở mức 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,0 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I/2020 lại đạt mức tăng cao, ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã cung cấp nhiều gói sản phẩm linh hoạt mang tính thời điểm, tăng gói hỗ trợ nhằm thu thút khách hàng sở hữu các hợp đồng bảo hiểm phù hợp, trong đó có các gói bảo hiểm Corona.
Để khắc phục khó khăn cho thị trường tài chính chứng khoán, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh trong các quý tới, Tổng cục Thống kê kiến nghị điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các tổ chức tín dụng đáp ứng đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành hàng có tính mùa vụ, gặp khó khăn trong tiêu thụ.