Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm, tại sao?

Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm, tại sao?

(ĐTCK) Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với kết quả ông Barack Obama tái đắc cử, các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Mỹ và châu Âu đồng loạt mất điểm ở mức mạnh nhất trong nhiều tháng qua. Nhiều NĐT lo ngại nguy cơ tiếp tục bế tắc trong các chính sách tài chính sau cuộc bầu cử.

Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích tại sao TTCK Mỹ giảm điểm. Đó có thể là những lo lắng từ thỏa hiệp tài khóa “fiscal cliff” về tăng thuế và giảm chi tiêu, suy thoái kinh tế và những băn khoăn về hiệu quả chính sách của Cục Dự trữ Liên bang.

Nói rộng hơn, động thái bán tháo không gây nhiều ngạc nhiên khi xem xét một loạt thách thức mà ông Obama phải đối mặt trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.

“Triển vọng kinh tế có thể không có nhiều khác biệt nếu ông Mitt Romney giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, đặc biệt là khi Quốc hội vẫn còn bị phân chia (phân cực, chia rẽ), nhưng sự yếu kém của chứng khoán ngay sau đó rất có ý nghĩa”, ông Julian Jessop, Giám đốc toàn cầu về kinh tế tại Capital Economics nhận xét trong một báo cáo gửi khách hàng.

“Như chúng ta đã dự đoán, trọng tâm đã nhanh chóng chuyển sang sự không chắc chắn đối với thỏa hiệp tài khóa ‘fiscal cliff’ và có thể trở lại cuộc khủng hoảng chưa được giải quyết ở khu vực đồng Euro”, báo cáo viết.

Trên thực tế, trải qua một cuộc bầu cử chỉ là một trong những trở ngại chính đối với thị trường. Các vấn đề tài chính của Mỹ và châu Âu, cũng như các cuộc xung đột hạt nhân với Iran và các thách thức khác đã gây ra những kết quả kém chắc chắn hơn và sẽ kéo dài trong nhiều tháng, nếu không nói là nhiều năm.

“Việc tái đắc cử của Tổng thống Obama đã loại bỏ một sự không chắc chắn trên thị trường trong vài tháng qua. Nhưng vẫn còn sự lo ngại về việc liệu Quốc hội sẽ giải quyết ra sao việc thắt chặt trong chính sách tài khóa dự kiến sẽ xảy ra vào đầu năm tới”, Jessop nhận định.

“Với việc Quốc hội vẫn bị phân chia, Tổng thống Obama sẽ đấu tranh để giành sự ủng hộ của cả hai đảng cho một thỏa thuận toàn diện hơn, để có thể giải quyết các vấn đề dài hạn là làm thế nào giúp tài chính của quốc gia trở lại bền vững”, ông này nói thêm.

Phản ứng với danh sách các sự không chắc chắn, nhiều NĐT đã kìm lại việc kinh doanh chứng khoán và đẩy các chỉ số chính giảm hơn 2%.

Theo Tập đoàn Đầu tư Bespoke, sự sụt giảm của thị trường sau cuộc bầu cử đã ở tốc độ giảm tồi tệ thứ năm kể từ năm 1900. Tồi tệ nhất, giảm 5% vào năm 2008, sau khi các cử tri trao cho Obama nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên.

Đà giảm này sẽ kéo dài bao lâu và giảm bao nhiêu là điều không chắc chắn, nhưng những dấu hiệu ban đầu thì không hề tốt. Việc suy giảm ngay lập tức sau cuộc bầu cử lịch sử báo trước một sự suy giảm thêm trong thời gian tới.

Bước vào năm 2013, ông Obama sẽ phải đối mặt với xu hướng lịch sử rằng, năm đầu tiên của một nhiệm kỳ Tổng thống thường không phải là năm tích cực cho TTCK.

“TTCK sẽ bị ảnh hưởng trong suốt 12 tháng, việc luôn xảy ra sau một cuộc bầu cử”, ông Len Tannenbaum, Giám đốc điều hành của Fifth Street Finance ở New York phát biểu.

Tannenbaum cho biết, những tác động của chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Cục Dự trữ Liên bang trong việc mua nợ sẽ mờ dần trong năm nay, sau khi giúp thúc đẩy hiệu suất vốn chủ sở hữu tăng lên trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Obama.

“Thị trường đã được dựng lên ở mức cao không thật”, ông này nói. Một chương trình QE trị giá nửa tỷ USD trong 1 năm không hề bền vững trong dài hạn. Những mức cao không thật này sẽ sớm kết thúc bởi Barack Obama sẽ tăng thuế và cắt giảm quyền lợi. Sự kết hợp của hai yếu tố này không phải là điều tốt cho nền kinh tế”.

Thật vậy, các nhà kinh tế đang trở nên “bận rộn” với nguy cơ sụt giảm tăng trưởng trong tương lai trong sự trỗi dậy của cơn bão Sandy , cũng như tác động kéo theo từ bất cứ giải pháp nào được đưa ra để tránh thoả hiệp “fiscal cliff”.

Goldman Sachs hôm thứ Tư tuần trước đã cắt giảm dự báo tổng sản phẩm quốc dân trong quý IV/2012 tăng từ 1,9% xuống 1,5%. Việc cắt giảm này dựa trên khả năng rằng, Obama sẽ loại bỏ việc cắt giảm thuế của thời George W. Bush cho những người có mức lương trên 250.000 USD/năm và các tác động mà siêu bão Sandy sẽ tác động đối với nền kinh tế.