Chứng khoán Mỹ: Sự phấn khích với cổ phiếu sáng tạo

(ĐTCK) Sự phấn khích là dấu hiệu đặc trưng ở cuối mỗi chu kỳ của thị trường. Các nhà đầu tư đang bỏ ngoài tai những cảnh báo và cố gắng tối đa hóa thu nhập bề nổi.
 
Chứng khoán Mỹ: Sự phấn khích với cổ phiếu sáng tạo

Tuy vậy, chúng ta có thể không tìm được dữ liệu nào hỗ trợ chắc chắn cho quan điểm rằng, TTCK Mỹ đang ở trong giai đoạn phấn khích. Quả vậy, dữ liệu của Credit Suisse cho biết, các quỹ hưu trí ở Mỹ đang có cơ cấu cổ phiếu thấp nhất trong hơn 30 năm qua và vẫn tập trung vào các tài sản thay thế hơn là cổ phiếu thông thường. Một chỉ số của Bank of America Merrill Lynch cho thấy, các chiến lược gia ở Phố Wall đang khuyên nhà đầu tư nắm giữ một tỷ lệ cổ phiếu thấp hơn mức truyền thống 60/30/10 - cổ phiếu/trái phiếu/tiền mặt. Dữ liệu của ICI thì cho biết, một dòng tiền ròng đã chảy ra khỏi các quỹ cổ phiếu Mỹ 7 tuần liên tiếp.

Vậy điều gì đang khiến chứng khoán Mỹ liên tiếp phá vỡ các kỷ lục? Hãy nhìn vào các cuộc IPO gần đây. Ở đó, bạn sẽ thấy có những công ty được trả giá với mức… trên trời. Đó thường là những công ty hoạt động trong những lĩnh vực mới, với những sáng tạo đột phá, mà Tesla Motors - hãng xe hơi chạy điện - là một ví dụ.

Và tính chất đầu cơ ở chu kỳ hiện tại, rất giống với những gì đã xảy ra hồi bong bóng công nghệ những năm cuối thập kỷ 1990, dường như đang giới hạn trong một không gian hẹp gồm các cổ phiếu sáng tạo này.

Bong bóng cổ phiếu “sáng tạo”

Các nhà đầu tư đã quá tin vào giá trị của các cổ phiếu hồi xảy ra bóng bóng công nghệ khi bám vào những lý luận về một “nền kinh tế mới”. Các công ty sáng tạo ngày nay cũng được ứng xử theo cách tương tự. Nhà đầu tư dường như sẵn sàng trả những mức giá kỳ quặc cho các công ty này vì cho rằng, đó là những công ty đang làm thay đổi thế giới và không có liên quan đến chu kỳ kinh tế, chính phủ hay các sự kiện địa chính trị. Rất khó để nói một doanh nghiệp ô tô hay một công ty năng lượng không có liên hệ nào với nền kinh tế. Nhưng các công ty sáng tạo thì khác, nhà đầu tư có vẻ đang “hoa mắt, chóng mặt” với lợi nhuận tiềm năng của các công ty này.

Nhiều trong số những công ty sáng tạo được định giá cao “quá thể đáng” bởi tâm lý này. Theo Bloomberg, Tesla Motors, có lẽ nổi tiếng nhất trong số các công ty sáng tạo, đã được trả giá cao gấp hơn 850 lần giá trị doanh nghiệp tính trên cơ sở lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA). Chỉ số S&P 600 lĩnh vực công nghệ sinh học cao gấp 350 lần giá trị của các doanh nghiệp. Trong khi đó, giá trị doanh nghiệp của S&P 500 (tính theo EBITDA) chỉ thấp hơn 11 lần chỉ số. Ai đó có thể nghĩ rằng, bong bóng công nghệ vỡ đã dạy cho các nhà đầu tư bài học về việc tránh các cổ phiếu siêu đầu cơ, nhưng thực tế dường như không phải vậy.

Hệ số beta là một đại lượng chuẩn đo lường độ nhạy của một cổ phiếu với những thay đổi của thị trường. Một cổ phiếu với hệ số beta cao hơn sẽ có xu hướng biến động cường điệu so với thay đổi của thị trường và ngược lại. Hầu hết các cổ phiếu sáng tạo được thừa nhận là có hệ số beta cao. Và mọi lý thuyết tài chính cơ bản đều nói rằng, nhà đầu tư sẵn sàng trả thêm tiền để đối lấy sự an toàn, nhưng đòi hỏi phần bù cho sự chấp nhận rủi ro. Theo đó, các nhà đầu tư nhìn chung sẽ trả giá cao hơn cho các cổ phiếu có beta thấp và chiết khấu giá với các cổ phiếu có beta cao. Trong tình huống này, mức định giá của nhóm cổ phiếu sáng tạo dường như mang tính đầu cơ đặc biệt - không tuân theo quy luật trên.

Beta cao giá rẻ

Trong khi các cổ phiếu sáng tạo được bán với mức giá cao hơn rất nhiều mặt bằng chung vì các nhà đầu tư tin chắc vào sự thành công của các cổ phiếu này thì các cổ phiếu có beta cao truyền thống trong chỉ số S&P 500 đang có mức giá rẻ nhất trong vòng 30 năm.

Trong lịch sử, danh mục các cổ phiếu có beta cao trong S&P 500 có lúc bao gồm chủ yếu các cổ phiếu công nghệ, nhưng điều đó giờ không còn. Hiện tại, 1/5 cổ phiếu của S&P 500 có beta cao nhất bao gồm nhiều lĩnh vực có tính chu kỳ. Các công ty công nghệ chỉ chiếm 15% trong nhóm có hệ số beta cao, còn lại, lĩnh vực tài chính chiếm 23%, tiêu dùng 24% và công nghiệp 15%.

Ngoài ra, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra một sự thật đáng ngạc nhiên rằng, các công ty có hệ số beta cao truyền thống nằm trong số những doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất thế giới. Chỉ 17% trong số 1/5 doanh nghiệp có hệ số beta cao nhất của S&P 500 báo cáo lợi nhuận âm trong kỳ báo cáo gần nhất. Tỷ lệ này trong toàn bộ S&P 500 là 25%, ở châu Âu là 48% và ở các thị trường mới nổi là 49%. Sự hưng phấn với các cổ phiếu sáng tạo dường như là quá mức, nhưng sự thiếu hào hứng với những cổ phiếu truyền thống lại mang đến những cơ hội.             

Tin bài liên quan