Nền kinh tế Mỹ đang đối phó với đà giảm tốc mạnh bậc nhất trong lịch sử, 36 triệu người xin trợ cấp thất nghiệp chỉ trong 8 tuần qua.
Các chuyên gia kinh tế liên tục cảnh báo về thời kỳ giảm phát sắp tới, khi các chỉ số đo lường giá cả tiêu dùng giảm mạnh kỷ lục trong tháng 4, cả doanh nghiệp và người dân đều vật lộn trước các áp lực thời đại dịch.
Kỳ vọng nền kinh tế hồi phục nhanh chóng theo hình chữ V cũng phai nhạt. Theo báo cáo của Goldman Sachs Group Inc, có rất ít doanh nghiệp dự kiến hồi phục theo chữ V, đa phần cho rằng kịch bản sắp tới sẽ theo hình chữ U hoặc chữ L, đồng nghĩa với việc cần nhiều thời gian hơn để kinh tế phục hồi và tốc độ leo dốc là chậm chạp. Khoảng 180 công ty thuộc S&P 500 đã hạ thấp mục tiêu lợi nhuận trong giai đoạn này.
Các thị trường tài chính tràn ngập những dự báo đầy thận trọng. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đánh giá, nền kinh tế đối diện rủi ro xuống dốc nghiêm trọng, thúc giục Quốc hội Mỹ có thêm các gói hỗ trợ, thậm chí quan tâm tới việc sử dụng lãi suất âm để thúc đẩy tăng trưởng.
Trong bối cảnh như vậy, thị trường chứng khoán tỏ ra không liên quan tới bức tranh vĩ mô u ám, dốc sức giữ đà tăng tốc.
Chỉ số S&P 500 giảm chưa tới 10% kể từ đầu năm tới nay, hồi phục mạnh so với đợt bán tháo vào tháng 3 khi đại dịch bùng nổ, 1/5 số cổ phiếu trong chỉ số tăng giá so với đầu năm.
Chỉ số Nasdaq 100, có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp Internet và công nghệ sinh học tăng 5%.
Vậy điều gì đã khiến nhà đầu tư tiếp tục gắn bó với thị trường, tạo nên đà tăng có phần “quá khích” hiện tại?
Câu trả lời dường như chính là: Không có lựa chọn nào khác ngoài cổ phiếu. Cụ thể, lợi suất của các loại trái phiếu chính phủ được đánh giá là an toàn đang ở mức gần 0%. Với nhà đầu tư, ngay cả khi chứng khoán có biến động bất thường và rủi ro ở mức cao thì hiệu quả đầu tư mang lại chắc chắn vẫn hấp dẫn hơn con số lợi nhuận gần 0%.
Đáng chú ý, nhiều quỹ đầu tư, quỹ lương hưu đang đón nhận dòng vốn và chịu áp lực phải săn tìm lợi nhuận, theo đó, chứng khoán vẫn là lựa chọn tốt hơn.
Một giả thuyết khác được Noah Smith, nhà bình luận tài chính tại Đại học Stony Brook và Bloomberg Opinion đưa ra rằng, thị trường chứng khoán đang có những lực đỡ khiến nhà đầu tư không phải chịu lỗ.
Những trụ cột đó bao gồm Fed, Quốc hội, Tổng thống Mỹ Donald Trump - những “thế lực” sẵn sàng tiến hành nhiều biện pháp hỗ trợ để giữ thị trường chứng khoán ổn định.
Bên cạnh đó, một quan điểm vẫn được nhắc tới là tại thị trường Mỹ, nhiều doanh nghiệp lớn thống trị chỉ số S&P 500 lựa chọn hướng xây dựng hoạt động kinh doanh không phụ thuộc quá lớn vào các sinh hoạt đời sống vật lý của con người ngay từ trước khi đại dịch diễn ra.
Điều này khiến doanh nghiệp nói riêng và thị trường chung có khả năng chống chịu tốt hơn trong bối cảnh giãn cách xã hội.
Tất nhiên, hàng loạt nhà đầu tư tên tuổi trên thị trường bao gồm Bill Miller, Paul Singer, Paul Tudor Jones, Stan Druckenmiller và David Tepper đều thể hiện sự nghi ngờ về tính bền vững của đà tăng hiện tại.
Tâm lý thận trọng thực tế luôn hiện hữu, khi tỷ lệ đặt cược vào đà giảm của chỉ số S&P 500 bằng các hợp đồng tương lai, công cụ ưu thích của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đang ở mức cao gần kỷ lục.
Chứng khoán Mỹ vẫn đang đón nhận những phiên giao dịch hưng phấn, nhất là khi có thông tin tích cực về phương pháp chữa Covid-19, tuy nhiên, thị trường thiếu đi lực đẩy mạnh để leo lên nấc thang mới.
Theo đó, kể từ đầu tháng 4 tới nay, chỉ số S&P 500 giao dịch quanh quẩn ở 2 mức kháng cự (mức Fibonacci 0,5 và 0,61). Nguyên nhân chính là thiếu vắng các thông tin mang tính bước ngoặt, đủ để đưa ra quyết định hành động.