Chứng khoán MB sẽ ra mắt vào quý III năm nay

Chứng khoán MB sẽ ra mắt vào quý III năm nay

(ĐTCK) Đại hội đồng cổ đông CTCP Chứng khoán Thăng Long (TLS) ngày 20/4/2012 đã thông qua một quyết định quan trọng: quyết định đổi tên TLS sang CTCP Chứng khoán MB (MBS).

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc TLS, ông Lưu Trung Thái cho biết, MBS ra đời để thực hiện một định hướng phát triển mới, đó là bám sát mô hình kinh doanh và quản trị rủi ro của Ngân hàng mẹ - Ngân hàng MB, trên cơ sở kế thừa những giá trị mà TLS đã tạo dựng.

 

Sau quyết nghị của ĐHCĐ về việc đổi tên Công ty thành MBS, xin ông cho biết lộ trình và thời điểm để Công ty chính thức mang tên mới này?

Trước khi HĐQT TLS có tờ trình ĐHCĐ về quyết định đổi tên, chúng tôi đã có công văn xin ý kiến HĐQT MB và đã được HĐQT Ngân hàng chấp thuận. Trên cơ sở sự chấp thuận của HĐQT Ngân hàng mẹ và ĐHCĐ của TLS vừa qua, chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý tiếp theo để báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK về kế hoạch đổi tên này. Tôi hy vọng, cơ quan quản lý sẽ ủng hộ chúng tôi để có thể từ quý III năm nay, TLS sẽ chính thức mang tên mới là MBS.

Về phía Công ty, để đi đến ngày công bố thương hiệu mới và nhận diện logo mới, chúng tôi còn nhiều việc phải làm. Trên cơ sở nghiên cứu hệ thống nhận diện và chiến lược của Ngân hàng mẹ, chúng tôi sẽ xây dựng một hệ thống nhận diện cho MBS, phù hợp với định hướng của HĐQT và chiến lược phát triển của Công ty. Một việc nữa mà chúng tôi sẽ làm trước khi công bố thương hiệu mới là xây dựng cho MBS một slogan mới.

 

Sự thay đổi căn bản nhất mà ông và HĐQT mong đợi khi quyết định đổi tên TLS sang MBS là gì, thưa ông?

Trải qua một giai đoạn kinh doanh khó khăn, việc tái cấu trúc Công ty, thay đổi để tồn tại và phát triển là nhiệm vụ tất yếu mà chúng tôi đã và đang thực hiện. Trong quá trình này, đổi tên là bước đi rõ nét nhất để định vị rằng, CTCK trong MB Group sẽ bám sát mô hình kinh doanh và quản lý của Tập đoàn mẹ, trên cơ sở đó xây dựng một chiến lược kinh doanh bền vững cho mình.

Như các bạn cũng biết, MB là một ngân hàng lớn, uy tín đã được xác lập vững chắc trong nền kinh tế và trong TOP 4 ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam. Đây là một lợi thế rất lớn cho chúng tôi trong quá trình tái cấu trúc CTCK. Hiện MB có tới 1,5 triệu khách hàng cá nhân và 35.000 khách hàng tổ chức, vì thế, điều chúng tôi mong đợi nhất là hoạt động của MBS sẽ gắn chặt hơn với Ngân hàng mẹ, trên cơ sở hợp tác cung cấp các sản phẩm tài chính đa dạng và khai thác hệ thống khách hàng rộng lớn từ MB.

Bên cạnh đó, tại MB, công tác quản trị rủi ro để phát triển bền vững luôn là yêu cầu số 1. Vì thế, khi được mang tên MBS, chúng tôi cũng mong muốn xây dựng MBS thành một CTCK có hệ thống quản trị rủi ro tốt để từ đó có bước phát triển bền vững hơn.

Khi quyết định đổi tên Công ty, chúng tôi cũng mong muốn thay đổi văn hóa làm việc theo hướng xây dựng được một đội ngũ nhân sự tinh thông nghiệp vụ, hoạt động trên cơ sở đặt mục tiêu bảo vệ lợi ích khách hàng, bảo vệ lợi ích Công ty lên trên hết. Tuy nhiên, xây dựng một thương hiệu mới định vị được trên thị trường là công việc không đơn giản và chúng tôi cần thời gian để hiện thực hóa chiến lược này.

Cổ đông lớn nhất của TLS là MB (nắm 62%) đặt niềm tin và đang làm mọi cách để thay đổi tình hình của TLS

 

Vấn đề lớn nhất tại TLS có lẽ là khoản phải thu hàng trăm tỷ đồng của nhà đầu tư. Ông đã và đang làm thế nào để giải quyết khó khăn này?

Đầu tiên, chúng tôi chọn phương pháp hợp tác chặt chẽ với nhà đầu tư để tìm cơ hội thu hồi khoản nợ xấu trên cơ sở các quyết định khôn ngoan trong từng hoàn cảnh thực tế. Trong trường hợp sự hợp tác không mang lại kết quả, chúng tôi buộc phải áp dụng các biện pháp quyết liệt để đảm bảo lợi ích của Công ty. Dù vậy, điều chúng tôi mong muốn nhất là sự hợp tác, vì khó khăn nào cũng có thể giải quyết được, nếu các bên có thiện chí và hợp tác trên cơ sở ý thức rõ quyền và nghĩa vụ trong các quan hệ kinh tế.

 

Cuối năm 2011, TLS ghi nhận khoản lỗ gần 600 tỷ đồng, nhưng sang quý I năm nay, TLS đã có lãi. Ông có thể cho biết con số lợi nhuận cụ thể và vì sao lại có sự chuyển biến này?

Quý I năm nay, Công ty chúng tôi có lãi, nhưng chưa nhiều, là 540 triệu đồng. Tuy nhiên đây là con số đáng khích lệ nếu so với thực trạng tài chính của Công ty khi kết thúc năm 2011.

Để có được sự chuyển biến trên, trong quý I, chúng tôi đã tiến hành xử lý và thu hồi được gần 150 tỷ đồng nợ xấu, điều chỉnh hợp lý các chi phí về tài chính và cắt giảm các chi phí hoạt động, đồng thời không làm phát sinh rủi ro mới. Mục tiêu xuyên suốt năm 2012 của chúng tôi là tập trung vào các mảng kinh doanh tạo doanh thu cho Công ty, cắt giảm triệt để chi phí, quản lý rủi ro chặt chẽ và thu hồi nợ xấu. Trong ĐHCĐ vừa qua, chúng tôi đã quyết định con số doanh thu kế hoạch năm 2012 là 302 tỷ đồng, lợi nhuận là 10,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu TLS từng có lúc giao dịch khá sôi động trên thị trường tự do với định giá cao hơn nhiều mệnh giá. Tuy nhiên, giá cổ phiếu này hiện nay chỉ bằng giá một mớ rau. Ông cảm nhận thế nào về thực tế này?

Cũng như các cổ phiếu khác, giá cả giao dịch phản ánh giá trị của Công ty theo đánh giá của nhà đầu tư. Cổ phiếu TLS hiện có giá chưa bằng mệnh giá là do nhà đầu tư định giá trên cơ sở khoản lỗ lũy kế của Công ty và môi trường kinh doanh còn nhiều thách thức phía trước. Là người đứng đầu Công ty, tôi cũng rất buồn vì thực tế này. Tuy nhiên, tôi tin rằng, hoạt động của Công ty và theo đó là giá cổ phiếu sẽ có chuyển biến trong thời gian tới, bởi cổ đông lớn nhất của chúng tôi là MB (nắm 62%) đặt niềm tin và đã làm mọi cách để thay đổi tình hình của Công ty. Thực tế, sau 4 tháng kể từ khi TLS có sự thay đổi về con người (thay đổi nhân sự HĐQT, Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát), hoạt động của Công ty đã hiệu quả hơn và tôi tin rằng, chúng tôi đang đi đúng hướng.

Tái cơ cấu TLS để tổ hiệu quả hoạt động là nhiệm vụ mà ĐHCĐ đã giao cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện nhiệm vụ này và đó cũng là cách duy nhất chúng tôi có thể làm để giảm bớt sự thua thiệt cho cổ đông, tiến tới việc có lãi.

 

Sau quyết định đổi tên và bước đầu Công ty đã  kinh doanh có lãi, liệu ông có tính đến việc sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn?

Niêm yết luôn là mục tiêu chung của những công ty đại chúng hướng đến sự phát triển minh bạch và bền vững. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, để đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn niêm yết, Công ty chúng tôi cần thêm một khoảng thời gian. Ưu tiên cao nhất của TLS lúc này là tái cấu trúc để thay đổi mô hình kinh doanh hướng đến sự phát triển bền vững, giải quyết khoản lỗ lũy kế 556 tỷ đồng vào cuối năm 2011. Chúng tôi cần 2-3 năm tới để thực hiện tốt ưu tiên số 1, sau đó mới  tính đến việc niêm yết.

Tuy nhiên, nếu mô hình kinh doanh mới mà MBS sẽ thực hiện phát huy hiệu quả thì tiến trình lên sàn của Công ty chúng tôi có thể sẽ sớm hơn.

 

Nếu TLS được thị trường biết đến do hướng rất mạnh vào hoạt động môi giới thì MBS - được hình thành trên nền tảng của TLS - sẽ chọn mảng kinh doanh nào làm cốt lõi cho Công ty, thưa ông?

TLS đã từng dựa vào mảng môi giới trên cơ sở các dịch vụ tài chính đa dạng và nhiều ưu đãu cho nhà đầu tư. MBS cũng xác định sẽ phát triển dựa trên nền tảng môi giới và dịch vụ ngân hàng đầu tư, nhưng sẽ quản trị rủi ro một cách chặt chẽ để đảm bảo sự bền vững của Công ty và khách hàng.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và mở rộng đa dạng các dịch vụ khác trên cơ sở phát huy các lợi thế từ Tập đoàn mẹ - MB.