Các yếu tố tác động chính đến diễn biến thị trường nghiêng về xu hướng tích cực
Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVSC)
Nối tiếp đà hưng phấn của TTCK trong năm 2017, BVSC duy trì quan điểm tích cực về xu hướng chủ đạo của thị trường trong năm 2018 khi đa số các yếu tố tác động chính đến diễn biến thị trường vẫn nghiêng về xu hướng tích cực. Trong đó, một yếu tố quan trọng và mang tính nền tảng là diễn biến khởi sắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn.
Dựa theo dự phóng kết quả kinh doanh của nhóm các doanh nghiệp lớn, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) của thị trường sẽ ở mức 12%. Điều này đồng nghĩa với việc nếu định giá P/E của thị trường không đổi ở mức hiện tại, chỉ số VN-Index sẽ có thể tăng trưởng 12% trong năm 2018.
Các phiên chào bán vốn nhà nước trong năm nay dự kiến nhận được sự quan tâm của giới đầu tư và nếu diễn ra thành công sẽ là một yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường, cũng như nhóm cổ phiếu có liên quan.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nên thận trọng với nguồn cung cổ phiếu lớn bơm ra thị trường trong năm 2018. Đứng từ góc độ quản lý danh mục của các quỹ đầu tư, để sẵn sàng nguồn lực tham gia vào các thương vụ IPO, thoái vốn nhà nước, ngoài việc cố gắng tăng quy mô hoạt động của quỹ thì ít nhiều họ vẫn phải thực hiện tái cấu trúc danh mục.
Đối với triển vọng các nhóm ngành tiềm năng năm 2018, tôi tiếp tục đánh giá cao các ngành được hưởng lợi từ chu kỳ hồi phục của nền kinh tế vĩ mô như bất động sản, ngân hàng, vật liệu xây dựng, bên cạnh các ngành đang được đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng nhờ các chuyển biến nội tại trong ngành như dầu khí, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng.
Triển vọng thị trường rất tích cực xét trên nhiều khía cạnh
Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc CTCK MB (MBS)
Thị trường chứng khoán trong năm 2018 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tốt hơn so với các năm trước. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng cường tham gia thị trường và giao dịch sôi động.
Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có sự phân lớp, sàng lọc cổ phiếu một cách rõ ràng. Cổ phiếu của những doanh nghiệp có nền tảng hoạt động kinh doanh tốt, quản trị doanh nghiệp minh bạch, được hưởng lợi từ các chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, có kết quả kinh doanh tăng trưởng sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư.
Thanh khoản của thị trường đang có những chuyển biến theo hướng tích cực, tôi dự báo thanh khoản năm nay vào khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng/ phiên. Giao dịch sôi động của thị trường có thể giúp chỉ số VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm 2018.
Với những bước đi đúng hướng trong việc phát triển thị trường, tương lai của ngành chứng khoán đang rất tích cực xét trên nhiều khía cạnh như quy mô, thanh khoản và sự đa dạng về hàng hóa, sản phẩm của thị trường sẽ ngày càng tăng, tạo thêm nhiều công cụ cho nhà đầu tư.
TTCK sẽ tiếp tục là kênh hút vốn và hấp dẫn các nhà đầu tư
Ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc CTCK Vietinbank
TTCK năm 2018 được kỳ vọng trên nhiều phương diện, từ triển vọng đến cơ hội. Những lực đẩy giúp TTCK Việt Nam thành công trong năm qua sẽ tiếp tục là động lực của thị trường năm nay. Đó là sự ổn định của nền kinh tế, đặc biệt là các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô có sự thay đổi tích cực, chúng ta thấy được sự quyết tâm của Chính phủ trong việc kiến tạo một môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. TTCK Việt Nam có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư ngoại, đây là nhân tố thúc đẩy thị trường tăng trưởng và sôi động.
Năm 2018 sẽ là năm cao điểm trong tiến trình tái cơ cấu, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước, hứa hẹn cung cấp cho thị trường nhiều hàng hóa có chất lượng và nhà đầu tư có thể mua được với quy mô lớn. Bên cạnh xu thế cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và các giải pháp hỗ trợ thị trường, thì năm 2018 sẽ đón thêm 2 sản phẩm mới chủ lực là chứng quyền có bảo đảm và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Có thể nói, TTCK năm 2018 sẽ tiếp tục là kênh hút vốn và hấp dẫn các nhà đầu tư.
Nền kinh tế đang được hưởng lợi từ lực lượng lao động trẻ, quá trình đô thị hóa nhanh, thu nhập trên đầu người tăng và người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, vì vậy các ngành nghề được kỳ vọng có cơ hội đầu tư và triển vọng như dịch vụ tài chính (ngân hàng, chứng khoán…), bất động sản, vật liệu xây dựng, bán lẻ, tiêu dùng, dịch vụ hàng không…
TTCK năm nay được kỳ vọng tăng trưởng tích cực, tuy nhiên rủi ro cũng sẽ song hành với sự thăng hoa này. Dòng tiền nóng đang đổ vào thị trường ở cả trong và ngoài nước thì rủi ro cũng tăng lên và không loại trừ khả năng xuất hiện nhiều hơn các nhịp điều chỉnh.
Sự phân hóa giữa các cổ phiếu ngày càng tăng. Thực tế cho thấy, 15 mã chứng khoán có vốn hóa lớn nhất đã chiếm hơn 65% vốn hóa toàn thị trường, trong đó 5 mã có vốn hóa lớn nhất đã chiếm khoảng 40% quy mô vốn hóa của VN-Index. Đây là rào cản đối với các quỹ lớn, để giải ngân hàng chục, hàng trăm triệu USD vào thị trường là câu chuyện không dễ dàng.
Dòng tiền, đặc biệt là dòng vốn ngoại, dự báo tiếp tục tăng mạnh
Ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Thị trường tiếp tục được dự báo tăng trưởng cả về điểm số và quy mô, niềm tin của nhà đầu tư được củng cố, bởi một số yếu tố như kinh tế vĩ mô dự báo tăng trưởng ổn định quanh mức 6,9 - 7 %, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự báo quanh mức 15 - 20%, Nhà nước có kế hoạch thoái vốn tại nhiều công ty niêm yết lớn cũng như kế hoạch IPO và niêm yết các DNNN...
Đối với dòng tiền, đặc biệt là dòng vốn ngoại, chúng tôi dự báo tiếp tục tăng mạnh trong năm 2018. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam có mức tương tác với thị trường quốc tế ngày càng lớn nên sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ nếu thị trường tài chính quốc tế có những biến tiêu cực.
Định giá theo chỉ số P/E so sánh của TTCK Việt Nam hiện quanh mức 21 - 22 lần và chỉ số này đang hướng đến mức cao nhất trong lịch sử là 24 lần trong năm 2007.
Dù TTCK được dự báo tích cực nhưng sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu sẽ cao hơn, theo đó cơ hội đầu tư vào những cổ phiếu vốn hóa lớn cũng phong phú hơn khi Nhà nước đẩy mạnh thoái vốn và IPO tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, các cổ phiếu vốn hóa vừa với định giá theo P/E dưới 10 lần, chỉ bằng 30 - 50% mức định giá nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cũng là những cơ hội tốt để đầu tư. Thêm vào đó, các sản phẩm phái sinh trong năm 2018 sẽ giúp nhà đầu tư phân bổ rủi ro và tìm kiếm lợi nhuận.
Xét về ngành, tôi đánh giá cổ phiếu nhóm ngành tài chính - ngân hàng sẽ tiếp tục là cơ hội tốt để các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận. Ngoài ra, ngành sản xuất các sản phẩm công nghiệp, ngành hàng tiêu dùng và bất động sản dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực.
Thị trường chứng khoán sẽ tăng cả về chất và về lượng
Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc CTCK Vietcombank (VCBS)
Năm 2018, các chỉ báo đang ủng hộ cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định và có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực hơn năm 2017 như dòng tiền đầu tư vào Việt Nam ở mức cao, trực tiếp và gián tiếp vào thị trường tài chính, kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, lãi suất duy trì ở mức thấp hợp lý...
Với tốc độ tăng trưởng GDP cao cùng nền tảng vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, thị trường Việt Nam đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các dòng vốn đầu tư quốc tế.
Đặc biệt, việc Nhà nước thực hiện thoái vốn khỏi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn sẽ tạo ra động lực thu hút nguồn vốn ngoại mạnh mẽ hơn nữa, giúp thị trường chứng khoán tăng cả về chất và về lượng trong năm 2018. Cùng với đó, kỳ vọng việc thị trường chứng khoán được nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ xóa bỏ rào cản cuối cùng để thị trường Việt Nam hội nhập với thế giới.