Phố Wall liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán lên đỉnh cao mới, giá vàng đảo chiều

(ĐTCK) Dù có mức tăng kiêm tốn hơn phiên đầu tuần, nhưng cũng đủ giúp phố Wall thiết lập mức cao lịch sử mới, trong đó Dow Jones lần đầu vượt ngưỡng 19.000 điểm. Trong khi đó, giá dầu và vàng hạ nhiệt sau phiên tăng tốt trước đó.

Dù có những phiên điều chỉnh, nhưng thị trường chứng khoán Mỹ đã có chuỗi tăng điểm ấn tượng và liên tiếp thiết lập mức đỉnh cao lịch sử kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11. Chứng khoán Mỹ phản ứng tích cực với chiến thắng của ông Donald Trump bởi những hứa hẹn của Tổng thống đắc cử này về chính sách tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm kiểm soát đối với ngân hàng, ngành dược.

Sau phiên điều chỉnh cuối tuần trước, phố Wall đã nhanh chóng phục hồi trở lại trong phiên đầu tuần mới nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô lên mức cao nhất 3 tuần và lấy lại được hết cả vốn, lẫn lãi trong phiên này, để thiết lập mức cao lịch sử mới.

Trong phiên giao dịch thứ Ba (22/11), phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu viễn thông và tiêu dùng. Dù đà tăng không mạnh như phiên đầu tuần, nhưng cũng đủ giúp các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ thiết lập mức cao lịch sử mới, trong đó Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 19.000 điểm và S&P 500 cũng vượt ngưỡng 2.200 điểm.

Chỉ số Dow Jones chỉ mất có 121 ngày giao dịch để tăng từ mức 17.000 điểm lên 18.000 điểm, nhưng sau đó có chuỗi ngày dài lình xình do chịu nhiều thông tin tác động khác nhau và phải mất 483 ngày để từ mức 18.000 điểm lên 19.000 điểm.

Kể từ đầu năm, Dow Jones tăng 9,2%, trong khi S&P 500 cùng tăng 7,8%.

Kết thúc phiên 22/11, chỉ số Dow tăng 67,18 điểm (+0,35%), lên 19.023,87 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,76 điểm (+0,22%), lên 2.202,94 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 17,49 điểm (+0,33%), lên 5.386,35 điểm.

Tượng tự, chứng khoán châu Âu cũng duy trì được đà tăng trong phiên thứ Ba nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu kim loại và khai thác mỏ. Nhóm cổ phiếu tài nguyên cơ bản trên thị trường chứng khoán châu Âu đã có mức tăng gấp đôi so với mức đáy sau khi giá các kim loại như nhôm, đồng tăng 1-2%.

Kết thúc phiên 22/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 41,76 điểm (+0,62%), lên 6.819,72 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 28,72 điểm (+0,27%), lên 10.713,85 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 18,77 điểm (+0,41%), lên 4.548,35 điểm.

Trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, trận động đất và cảnh báo sóng thần chỉ tác động nhẹ lên thị trường chứng khoán Nhật Bản khi mở cửa phiên giao dịch sáng thứ Ba. Sau đó, thị trường đã trấn tĩnh trở lại và chỉ số Nikkei 225 lấy lại đà tăng khi đồng yên giảm, tác động tích cực tới các doanh nghiệp của nước này. Kết thúc phiên thứ 3, chỉ số Nikkei 225 có phiên tăng thứ 5 liên tiếp, nhưng mức tăng trong phiên này bị hạn chế nhiều do nhà đầu tư thận trọng trước ngày nghỉ lễ.

Sau mấy phiên lình xình, chứng khoán Hồng Kông cũng bứt phá mạnh trong phiên thứ Ba khi có phiên tăng mạnh nhất trong 2 tuần nhờ chứng khoán Mỹ thiết lập đỉnh cao lịch sử mới trong phiên trước đó, đem lại sự lạc quan cho các thị trường châu Á nói chung và chứng khoán Hồng Kông nói riêng. Ngoài ra, thị trường còn được hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng khi các nhà đầu tư kỳ vọng OPEC sẽ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong cuộc họp diễn ra vào tuần sau.

Tương tự, chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng tiếp tục duy trì đà tăng mạnh nhờ nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng và năng lượng khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với diễn biến của phố Wall, giúp chỉ số Shanghai Composite lên mức cao nhất hơn 10 tháng rưỡi.

Kết thúc phiên 22/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 56,92 điểm (+0,31%), lên 18.162,94 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 320,29 điểm (+1,43%), lên 22.678,07 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 30,20 điểm (+0,94%), lên 3.248,35 điểm.

Trên thị trường vàng, với việc giá kim loại quý này giảm về mức thấp nhất 9 tháng trong phiên cuối tuần trước đã kích hoạt lực cầu bắt đáy gia tăng, giúp giá vàng hồi phục tốt trong phiên đầu tuần mới và duy trì đà tăng khá ổn trong phiên giao dịch châu Á và châu Âu hôm thứ Ba. Tuy nhiên, khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, với việc các chỉ số chứng khoán liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sự, sự hấp dẫn của vàng đã mất đi ít nhiều, khiến giá kim loại quý này quay đầu giảm trở lại.

Kết thúc phiên 22/11, giá vàng giao ngay giảm 1,9 USD (-0,16%), xuống 1.212,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 1,4 USD (+0,12%), lên 1.211,2 USD/ounce.

Sau phiên tăng mạnh đầu tuần, giá dầu đã chững lại trong phiên thứ Ba khi nhà đầu tư không chắc chắn về khả năng OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong cuộc họp diễn ra vào tuần sau. Ngày 30/11, các nước OPEC sẽ nhóm họp tại Vienne (Áo) để thảo luận về việc cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, Irắc và Iran vẫn đang chần chừ về việc này, khiến giới đầu tư không mấy tin tưởng về khả năng một thỏa thuận cắt giảm sản lượng có thể đạt được.

Kết thúc phiên 22/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,21 USD/thùng (-0,44%), xuống 48,03 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,22 USD (+0,45%), lên 49,12 USD/thùng.

Tin bài liên quan