Nỗi sợ của giới đầu tư Phố Wall tăng mạnh trong phiên đầu tuần - Ảnh: Reuters

Nỗi sợ của giới đầu tư Phố Wall tăng mạnh trong phiên đầu tuần - Ảnh: Reuters

Chứng khoán lập đỉnh khi nỗi sợ hãi gia tăng

(ĐTCK) Bất chấp nỗi sợ hãi của giới đầu tư tăng trở lại, nhưng chứng khoán Âu, Mỹ vẫn tiếp tục thiết lập đỉnh cao mới trong phiên giao dịch đầu tuần.
Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của Phố Wall tăng 3,5% trong phiên đầu tuần, lên 11,15 sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2007 trong cuối tuần trước. Du tăng trở lại, nhưng chỉ số này vẫn dưới đường trung bình lịch sử.

Chỉ số VIX thường biến động ngược chiều với Phố Wall, đặc biệt là chỉ số S&P 500. Tuy nhiên, trong phiên đầu tuần, dù chỉ số này tăng trở lại, nhưng Phố Wall vẫn tiếp tục tăng điểm, trong đó, S&P 500 và Dow Jones lên mức cao kỷ lục mới, nhưng thanh khoản thị trường lại sụt giảm.

Phố Wall được nâng đỡ bởi các dữ liệu kinh tế được công bố trong tuần trước như ECB cắt giảm lãi suất, thậm chí về mức âm, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ khả quan…

Kết thúc phiên 9/6, chỉ số Dow Jones tăng 18,82 điểm (+0,11%), lên 16.943,10 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,83 điểm (+0,09%), lên 1.951,27 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 14,84 điểm (+0,34%), lên 4.336,24 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp sau động thái cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và dữ liệu việc làm khả quan của Mỹ.

Kết thúc phiên 9/6, chỉ số FTSE tại Anh tăng 16,79 điểm (+0,24%), lên 6.878,00 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 21,44 điểm (+0,21%), lên 10.008,63 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 8,00 điểm (+0,17%), lên 4.589,12 điểm.

Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm trong phiên đầu tuần mới nhờ dữ liệu việc làm của Mỹ được công bố cuối tuần trước. Việc thị trường lao động Mỹ khả quan khiến đồng USD tăng so với đồng yên và hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Nhật Bản, giúp chỉ số Nikkei 225 lên mức cao nhất 3 tháng.

Cũng trong ngày thứ Hai, Nhật Bản điều chỉnh mức tăng trong quý I, với mức tăng hàng năm là 6,5% thay vì 5,9% như công bố ban đầu. Dù mức điều chỉnh này không ảnh hưởng nhiều tới thị trường, nhưng nó phù hợp với mong đợi và dự đoán trước đó của giới phân tích.

Kết thúc phiên 9/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 46,76 điểm (+0,31%), lên 15.124,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 166,47 điểm (+0,73%), lên 23.117,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 0,55 điểm (+0,03%), lên 2.030,50 điểm.

Dữ liệu kinh tế khả quan, cùng thông tin tích cực về quan hệ Nga - Ukraine khiến giá vàng trở lại xu thế lình xình.

Kết thúc phiên 9/6, giá vàng giao ngay giảm 0,3 USD (-0,02%), xuống 1.252,00 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 1,6 USD (-0,13%), xuống 1.254,1 USD/ounce.  

Giá dầu cũng tăng vọt trong phiên đầu tuần nhờ dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ và Trung Quốc, 2 nền kinh tế tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới.

Kết thúc phiên 9/6, giá dầu thô Mỹ tăng 1,75 USD (+1,71%), lên 104,41 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,38 USD (+1,27%), lên 109,99 USD/thùng.

Tin bài liên quan