Chứng khoán khởi sắc, giá vàng điều chỉnh trở lại

Chứng khoán khởi sắc, giá vàng điều chỉnh trở lại

(ĐTCK) Nỗi lo về việc Fed đẩy mạnh tăng lãi suất trong năm nay giảm bớt, cùng với kết quả kinh doanh khả quan của các tập đoàn vừa công bố giúp phố Wall khởi sắc trong phiên cuối tuần, trong khi giá vàng quay đầu điều chỉnh khi đồng USD hồi phục trở lại.

Chứng khoán Mỹ có phiên giao dịch khởi sắc hôm thứ Sáu cuối tuần trước nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ và lợi suất trái phiếu giảm khi lo lắng về việc Fed tăng lãi suất nhiều trong năm nay giảm bớt.

Fed cho biết, kỳ vọng đà tăng trưởng ổn định và không có rủi ro nghiêm trọng nào khiến họ phá vỡ kế hoạch tăng lãi suất trong năm nay. Theo kế hoạch mà giới đầu tư kỳ vọng, Fed sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm nay, bắt đầu từ cuộc họp trong tháng 3 này, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của tân Chủ tịch Jerome Powell.

Lợi suất trái phiếu giảm trở lại giúp nhóm cổ phiếu tiện ích, bất động sản tăng mạnh 2,66% và 1,72%. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu công nghệ tăng 2,17% nhờ kết quả kinh doanh khả quan của HPE và HP Inc với mức tăng lần lượt của 2 cổ phiếu này là 10,5% và 3,5%. Hai công ty này được tách ra từ Tập đoàn HP vào cuối năm 2015. Ngoài báo cáo lợi nhuận lớn, HPE còn công bố trả cổ tức 7 tỷ USD cho cổ đông.

Kết thúc phiên 23/2, chỉ số Dow Jones tăng 347,51 điểm (+1,39%), lên 25.309,99 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 43,34 điểm (+1,60%), lên 2.747,30 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 127,31 điểm (+1,77%), lên 7.337,39 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,36%, chỉ số S&P 500 tăng 0,55% và chỉ số Nasdaq tăng 1,35%. Đây là tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp của phố Wall sau 2 tuần lao dốc trước đó, dù mức tăng của tuần này khiêm tốn hơn rất nhiều so với mức tăng từ hơn 4% đến hơn 5% trong tuần trước đó.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại giằng co quanh mức tham chiếu trong phiên giao dịch cuối tuần trước, trong đó chứng khoán Anh đóng cửa giảm nhẹ do kết quả kinh doanh kém tích cực của một số doanh nghiệp vừa công bố, còn chứng khoán Đức và Pháp may mắn có được sắc xanh nhạt.

Kết thúc phiên 23/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 7,98 điểm (-0,11%), xuống 7.244,41 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 21,88 điểm (+0,18%), lên 12.483,79 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 8,14 điểm (+0,15%), lên 5.317,37 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng giảm 0,69% sau khi hồi phục 2,85% trong tuần trướ. Trong khi chỉ số DAX và CAC 40 duy trì đà tăng tuần thứ 2 liên tiếp dù mức tăng khiêm tốn hơn rất nhiều so với tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, DAX tăng 0,26% sau khi tăng 2,85% tuần trước đó và CAC 40 tăng 0,68% sau khi có mức tăng 3,98% tuần trước đó.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, phiên tăng điểm trước đó của phố Wall, cùng lo ngại về việc đẩy mạnh tốc độ tăng lãi suất của Fed giảm bớt giúp chứng khoán Nhật Bản hồi trở lại trong phiên cuối tuần. Ảnh hưởng từ chứng khoán Mỹ và Trung Quốc đại lục cũng giúp chứng khoán Hồng Kông hồi phục trở lại, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục duy trì đà tăng trong phiên thứ 2 liên tiếp sau kỳ nghỉ lễ, dù mức tăng hạn chế hơn nhiều so với phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 23/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 156,34 điểm (+0,72%), lên 21.892,78  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 301,49 điểm (+0,97%), lên 31.267,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 20,47 điểm (+0,63%), lên 3.289,02 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,79%, tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Chỉ số Hang Seng cũng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 0,49%, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,45% của tuần trước đó. Chỉ số Shanghai Composite tiếp tục tăng 2,81% sau khi đã tăng 2,21% tuần trước đó.

Trong khi đó, giá vàng quay đầu giảm nhẹ khi chứng khoán khởi sắc và đồng USD lấy lại đà tăng sau phiên điều chỉnh mạnh hôm thứ Năm.

Kết thúc phiên 23/2, giá vàng giao ngay giảm 3,2 USD/ounce (-0,24%), xuống 1.328,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 2,3 USD/ounce (-0,17%), xuống 1.330,4 USD/ounce.

Với sức mạnh của đồng USD và sự khởi sắc của thị trường chứng khoán, giá vàng đã giảm trở lại 1,36% và 1,90% sau khi tăng 2,34% và 2,89% tuần trước đó.

Đà giảm trong tuần qua, cùng với triển vọng của nền kinh tế cũng như đà khới sắc của thị trường chứng khoán, cả giới đầu tư và phân tích đã có cái nhìn thận trọng hơn khi dự báo về xu hướng của giá vàng trong tuần này.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 19 chuyên gia tham gia trả lời, trong đó có 7 người, chiếm 37% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, thấp hơn nhiều con số 60% của tuần trước; có 5 người, chiếm 27% dự báo giảm, thấp hơn so với mức 35% của tuần trước; và 7 người còn lại, chiếm 35% dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Tương tự, trong cuộc thăm dò trực tuyến, có 900 lượt người tham gia (gấp đôi so với tuần trước đó), trong đó có 423 lượt, chiếm 47% dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại, thấp hơn nhiều so với con số 63% của tuần trước đó; có 366 lượt bình chọn, chiếm 41% dự báo giá vàng sẽ giảm, cao hơn mức 27% của tuần trước; 111 lượt, chiếm 12% giữ quan điểm trung lập.

Giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh trong phiên cuối tuần trước bất chấp số lượng giàn khoan của Mỹ tuần trước tiếp tục tăng thêm 1 giàn, lên 799 giàn. Giá dầu thô tăng khi OPEC và các nước sản xuất lớn khác như Nga tiếp tục thỏa thuận cắt giảm sản lượng và duy trì ổn định nguồn cung, trong khi các quỹ phòng hộ đã tăng đầu cơ vào dầu thô Mỹ lần đầu tiên trong 4 tuần.

Kết thúc phiên 23/2, giá dầu thô Mỹ tăng 0,78 USD (+1,23%), lên 63,55 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,92 USD (+1,37%), lên 67,31 USD/thùng.

Giá dầu thô có tuần tăng mạnh thứ 2 liên tiếp với mức tăng lần lượt 3,03% và 3,81% sau khi đã tăng 4,19% và 3,26% tuần trước đó. 

Tin bài liên quan