Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán hồi phục, vàng, dầu giảm mạnh

(ĐTCK) Những thông tin kinh tế trái chiều tiếp tục được công bố khiến thị trường chứng khoán Âu, Mỹ chưa thoát khỏi xu hướng lình xình, dù đã phục hồi nhẹ trở lại trong phiên thứ Tư. Trong khi đó, vàng và dầu đã quay đầu giảm giá, nhất là dầu thô với mức giảm lên tới hơn 2,5%.

Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Tư cho biết, thâm hụt thương mại trong tháng Tư giảm xuống 40,9 tỷ USD từ mức 50,6 tỷ USD trong tháng 3. Sự sụt giảm 19,2% trong thâm hụt thương mại tháng 4 là mức giảm lớn nhất kể từ đầu năm 2009 và ít hơn 3 tỷ USD so với dự báo.

Thậm hụt thương mại giảm mạnh trong tháng 4 là do nhập khẩu giảm 3,3%, xuống 230,8 tỷ USD, trong khi xuất khẩu tăng 1%, lên 189,9 tỷ USD nhờ việc dịch vụ bán cho nước ngoài của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục 60,9 tỷ USD trong tháng. Trong những tháng gần đây, sức mạnh của đồng USD đã làm cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ đắt hơn ở nước ngoài.

Thông tin này cho thấy, nền kinh tế Mỹ đã phục hồi phần nào sau quý sụt giảm đầu năm và điều này ủng hộ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể xem xét tăng lãi suất vào cuối năm nay.

Thông tin trên giúp phố Wall hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư. Tuy nhiên, thông tin kinh tế công bố hôm thứ Tư không chỉ là tin tích cực.

Theo một báo cáo khác, tăng trưởng dịch vụ của Mỹ chậm hơn trong tháng 4 do đồng USD tăng mạnh. Chính thông tin này, cũng như lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất khiến đà tăng của chứng khoán Mỹ không mạnh.

Báo cáo bảng lương trong lĩnh vực tư nhân ADP vừa công bố cho thấy, có thêm 201.000 việc làm tạo thêm trong tháng 5. Tuy nhiên, thị trường ít phản ứng với báo cáo này.

Bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố vào sáng thứ Sáu với dự kiến sẽ có thêm 225.000 việc làm được tạo mới trong tháng 5.

Dường như, giới đầu tư đang hướng vào dữ liệu này, nên chứng khoán chỉ diễn biến lình xình từ đầu tuần đến nay.

Kết thúc phiên 3/6, chỉ số Dow Jones tăng 64,33 điểm (+0,36%), lên 18.076,27 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,47 điểm (+0,21%), lên 2.114,07 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 22,71 điểm (+0,45%), lên 5.099,23 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Mario Draghi rằng, Ngân hàng sẽ duy trì một chính sách ổn định và xem xét thông qua biến động thị trường trái phiếu đã khiến đồng euro tăng manh và lợi suất trái chiếu cũng tăng, kéo theo đợt bán mạnh trên thị trường trái phiếu châu Âu, ảnh hưởng đến thị trường cổ phiếu. Trong khi chỉ số chứng khoán chung của khu vực quay đầu giảm cuối phiên, thì các chỉ số riêng vẫn giữ được đà tăng, dù đã đánh mất mức cao nhất trong ngày.

Trong số các chỉ số tăng, chỉ số DAX của Đức tăng mạnh nhất nhờ sự hỗ trợ của Adidas khi cổ phiếu của đại gia sản xuất đồ thể thao này tăng 1,2% sau thông tin Chủ tịch FIFA Sepp Blatter từ chức. Adidas là nhà tài trợ lớn của FIFA và các chuyên gia cho rằng, Blatter từ chức sẽ giúp có lợi cho hãng này.

Kết thúc phiên 3/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 22,19 điểm (+0,32%), lên 6.950,46 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 90,82 điểm (+0,80%), lên 11.419,62 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 29,71 điểm (+0,59%), lên 5.034,17 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản ghi nhật phiên điều chỉnh thứ 2 liên tiếp do chịu áp lực chốt lời sau chuỗi phiên tăng liên tiếp dài nhất 3 thập kỷ trước đó. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tăng trở lại nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng và bất động sản, trong khi chứng khoán Trung Quốc gặp lực cản từ cổ phiếu tài chính ngân hàng, sau động thái mở đường tự do hóa lãi suất của Bắc Kinh, sẽ đe dọa lợi nhuận của các ngân hàng.

Kết thúc phiên 3/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 69,68 điểm (-0,34%), xuống 20.473,51  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 190,75 điểm (+0,69%), lên 27.657,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 0,55 điểm (-0,01%), đứng ở mức 4.909,98 điểm.

Trên thị trường vàng, bất chấp đồng USD tiếp tục có phiên giảm, xuống mức thấp nhất gần 2 tuần, nhưng vàng không thể duy trì được đà tăng, thậm chí có cú bước hụt khá nguy hiểm trong nửa cuối phiên Mỹ, xuyên qua ngưỡng 1.180 USD/ounce, trước bật nhẹ trở lại, hãm bớt đà giảm vào cuối phiên.

Cũng giống như các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, giới đầu tư trên thị trường vàng cũng đang hướng tới dữ liệu quan trọng nhất sắp được công bố là bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ.

Kết thúc phiên 3/6, giá vàng giao ngay giảm 7,7 USD (-0,65%), xuống 1.185,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 9,4 USD/ounce (-0,79%), xuống 1.184,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 9,2 USD/ounce (-0,77%), xuống 1.184,9 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, theo thông tin mới công bố, các kho dự trữ của Mỹ giảm 1,95 triệu thùng trong tuần trước, mạnh hơn so với mức dự báo 1,7 triệu thùng của các nhà phân tích. Đây là thông tin tích cực cho giá dầu, tuy nhiên, nhà đầu tư đã bỏ qua thông tin này và tập trung vào thông tin, các kho dự trữ sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi ấm, tăng 3,8 triệu thùng, gấp gần 4 lần so với mức dự báo là 1,1 triệu thùng.

Thông tin trên, cùng với lo ngại trước cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào thứ Sáu này khiến giá dầu giảm mạnh trong phiên thứ Tư. OPEC, nơi cung cấp 1/3 lượng cung dầu thô thế giới sẽ không giảm sản lượng trong cuộc họp lần này.

Kết thúc phiên 3/6, giá dầu thô Mỹ giảm 1,62 USD/thùng (-2,72%), xuống 59,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,69 USD (-2,65%), xuống 63,80 USD/thùng.

Tin bài liên quan