Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán hồi nhẹ, dầu lao dốc trở lại

(ĐTCK) Phiên giao dịch cuối tuần chứng khoán nhiều cảm xúc khác nhau của các nhà đầu tư trên các thị trường. Trong khi chứng khoán hồi trở lại sau 4 phiên giảm, thì vàng chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp, trong khi niềm vui của nhà đầu tư trên thị trường dầu mỏ ngắn chẳng tày gang.

Trong cuộc họp diễn ra tại San Francisco mới đây, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bà Jannet Yellen cho biết, Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong năm nay, bất chấp lạm phát và mức tăng tiền lương chưa đạt mục tiêu như mình đề ra, nhưng  mức tăng sẽ từ từ để không gây sốc cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006 của cơ quan này có thể sẽ thay đổi nếu dữ liệu kinh tế không hỗ trợ, theo Yellen. Fed đã duy trì chính sách lãi suất gần như bằng 0 kể từ tháng 12/2008 để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, các thông tin M&A đã giúp thị trường có phiên tăng điểm đầu tiên trong tuần, nhưng mức tăng khá khiêm tốn so với những phiên giảm mạnh trước đó. Vì vậy, phố Wall không tránh khỏi tuần giảm điểm mạnh

Kết thúc phiên 27/3, chỉ số Dow Jones tăng 34,43 điểm (+0,19%), lên 17.712,66 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,87 điểm (+0,24%), lên 2.061,02 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 27,86 điểm (+0,57%), lên 4.891,22 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 2,29%, chỉ số S&P 500 giảm 2,23%, chỉ số Nasdaq giảm 2,69%.

Tuần tới, phố Wall sẽ ít có thông tin để có biến động lớn. Dữ liệu kinh tế quan trọng nhất để xem liệu Fed có tăng lãi suất hay không là số liệu việc làm hàng tháng sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào thứ Sáu, nhưng trong ngày này phố Wall và các thị trường khác nghỉ giao dịch ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Vì vậy, tác động của thông tin này chỉ có thể xảy ra vào đầu tuần sau đó.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, một số thị trường đã hồi nhẹ trở lại sau 2 phiên giảm mạnh trước đó, tuy nhiên cũng không giúp cho chứng khoán châu Âu tránh khỏi tuần giảm điểm, thậm chí là tuần giảm lớn nhất trong năm.

Chứng khoán châu Âu trước đó đã có mạch tăng ấn tượng, các chỉ số lên mức cao nhất 7 năm rưỡi khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 1.100 tỷ euro và đồng euro giảm 20% so với đồng USD từ đầu năm, qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp của khu vực. Tuy nhiên, trong tuần này, áp lực chốt lời gia tăng, cùng với việc đồng euro tăng trở lại đã khiến các chỉ số này có những phiên giảm mạnh theo phố Wall.

Kết thúc phiên 27/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 40,31 điểm (-0,58%), xuống 6.855,02 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 24,65 điểm (+0,21%), lên 11.868,33 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 27,71 điểm (+0,55%), lên 5.034,06 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 2,39%, chỉ số DAX giảm 1,42% và chỉ số CAC 40 giảm 1,05%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm khá mạnh trong phiên cuối tuần, xuống mức thấp nhất 1 tuần khi các quỹ chốt NAV cuối quý. Tác động từ chứng khoán Mỹ và việc bị các quỹ chốt lời khiến chứng khoán Nhật Bản chấp dứt chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp trong tuần này khi chỉ số Nikkei 225 giảm 1,4% và là tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng Giêng.

Chứng khoán Hồng Kông giằng co trong phiên và kết thúc phiên cuối tuần với mức giảm nhẹ. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục duy trì mạch tăng của mình dù trong phiên có chịu áp lực chốt lời. Chứng khoán Trung Quốc tăng trở lại sau khi điều chỉnh đầu phiên nhờ thông tin về việc hỗ trợ thị trường nhà đất, thông qua việc kêu gọi các địa phương tạo quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở, hỗ trợ nhu cầu nhà ở của người dân.

Kết thúc phiên 27/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 185,49 điểm (-0,95%), xuống 19.285,63 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 10,88 điểm (-0,04%), xuống 24.486,20 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 9,00 điểm (+0,24%), lên 3.691,10 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,4%, chỉ số Hang Seng tăng 0,46%, trong khi chỉ số Shanghai Composite tăng tới 2,04%.

Như vậy, chuỗi tăng liên tiếp của giá vàng đã chính thức dừng lại ở con số 7 khi kim loại quý này đảo chiều giảm trong phiên cuối tuần. Giá vàng đảo chiều giảm trở lại sau phát biểu của Chủ tịch Fed về khả năng tăng lãi suất, khiến đồng USD tăng trở lại, gây áp lực lên vàng. Thông tin từ Yellen, cùng với việc vàng đã có chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp và cũng đang ở ngưỡng kháng cự 1.200 USD/ounce, nên vàng bị chốt lời và đóng cửa phiên cuối tuần với mức giảm 0,5%.

Kết thúc phiên 27/3, giá vàng giao ngay giảm 5,7 USD (-0,47%), xuống 1.198,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 6,5 USD/ounce (-0,54%), xuống 1.198,3 USD/ounce.

Tuy nhiên, dù giảm phiên cuối tuần, nhưng với đà tăng tốt trước đó, vàng vẫn đánh dấu tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp của mình. Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,35%, giá vàng giao tháng 4 tháng 1,4%.

Trong khi đó, dầu thô đã trả lại hết những gì đã có được ở phiên thứ Năm trong phiên cuối tuần khi nỗi lo về xung đột tại Yemen làm gián đoạn nguồn cung bớt đi. Tuy nhiên, cũng giống giá vàng, dù giảm giá trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu vẫn có tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp.

Kết thúc phiên 27/3, giá dầu thô Mỹ giảm 2,56 USD/thùng (-5,24%), xuống 48,87 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,78 USD (-4,93%), xuống 56,41 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng tới 6,89%, trong khi giá dầu thô Brent tăng khiêm tốn hơn với 1,97%.

Tin bài liên quan