Tình hình Ukraine vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, thậm chí nguy cơ một cuộc nội chiến ở quốc gia này đang hiện hữu.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh của AIG mới công bố gây thất vọng với lợi nhuận giảm 27%, khiến cổ phiếu này mất 4,1% và lan sang cả nhóm cổ phiếu tài chính, trong khi nhóm cổ phiếu internet đã chấm dứt chuỗi tăng mạnh, khiến Phố Wall giảm mạnh trong phiên giao dịch thứ Ba (6/5).
Kết thúc phiên 6/5, chỉ số Dow Jones giảm 129,53 điểm (-0,78%), xuống 16.401,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,94 điểm (-0,90%), xuống 1.867,72 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 57,30 điểm (-1,38%), xuống 4.080,76 điểm.
Tình hình ở Ukraine cũng tác động đến chứng khoán châu Âu, khiến các thị trường chính của khu vực này đều mất điểm. Bên cạnh đó, dấu hiệu chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu châu Âu, khiến cổ phiếu của các công ty này giảm mạnh, đặc biệt là các công ty xuất khẩu của Đức.
Kết thúc phiên 6/5, chỉ số FTSE tại Anh giảm 23,86 (-0,35%), xuống 6.798,56 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 61,97 điểm (-0,65%), xuống 9.467,53 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 34,62 điểm (-0,78%), xuống 4.428,07 điểm.
Chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông nghỉ giao dịch ngày thứ Ba, trong khi chứng khoán Trung Quốc tiếp tục nhích nhẹ. Kết thúc phiên 6/5, chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 0,68 điểm (+0,03%), lên 2.028,04 điểm.
Sau 2 phiên tăng mạnh và tiến sát mức cao nhất 3 tuần nhờ tình hình căng thẳng ở Ukraine, giá vàng đã quay đầu giảm nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba do áp lực chốt lời. Tuy nhiên, đà giảm của vàng không quá lớn khi những rủi ro vẫn còn, đặc biệt là tình hình Ukraine, trong khi giá kim loại quý này cũng được hỗ trợ bởi đồng USD giảm giá.
Kết thúc phiên 6/5, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 1,80 USD (-0,14%), xuống 1.307,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 0,7 USD (-0,05%), xuống 1.308,6 USD/ounce.
Giá dầu thô Mỹ chỉ hồi nhẹ trong phiên thứ Ba sau phiên giảm đầu tuần, trong khi giá dầu thô Brent vẫn giảm khá mạnh. Kết thúc phiên 6/5, giá dầu thô Mỹ tăng nhẹ 0,02 USD (+0,02%), lên 99,50 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,66 USD (-0,62%), xuống 107,06 USD/thùng.