Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán giảm điểm trong tiếc nuối

(ĐTCK) Đang trên đà phục hồi tích cực, thông tin bất lợi từ cuộc đàm phán Hy Lạp được đưa ra cuối phiên khiến chứng khoán toàn cầu đảo chiều và đánh mất điểm trong những phút cuối phiên.

Theo dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố, trợ cấp thất nghiệp hàng tuần đứng ở 271.000, giảm nhẹ so với các nhà phân tích mong đợi.

Chi tiêu tiêu dùng Mỹ tăng 0,9% trong tháng 5, mức tăng mạnh nhất trong gần 6 năm, trong khi thu nhập cá nhân tăng 0,5% trong tháng trước.

Trong khi đó, chỉ số PMI dịch vụ giảm từ mức 56 trong tháng 5, xuống 54,6 trong tháng 6, cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong các lĩnh vực dịch vụ.

Chỉ số sản xuất của Fed Kansas City cải thiện trong tháng 6, lên mức 9, từ mức giảm 13 trong tháng 5.

Những thông tin này giúp phố Wall có khởi đầu phiên khả quan khi cả 3 chỉ số chính đều tăng điểm trong buổi sáng và đầu phiên giao dịch chiều. Tuy nhiên, sau khi cuộc đàm phán nợ giữa Hy Lạp và các chủ nợ kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Các bên tiếp tục sẽ nỗ lực gặp nhau vào ngày thứ Bảy trong một nỗ lực cứu vãn tình thế trước ngày 30/6, thời điểm Hy Lạp phải trả nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Sau thông tin này, giới đầu tư đã vội vã rút lui, khiến chứng khoán Mỹ đảo chiều và đóng cửa trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên 25/6, chỉ số Dow Jones giảm 75,71 điểm (-0,42%), xuống 17.890,36 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,27 điểm (-0,3%), xuống 2.102,31 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 10,22 điểm (-0,2%), xuống 5.112,19 điểm.

Cũng giống như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng có diễn biến khá tích cực trong phần lớn thời gian của phiên thứ Năm, nhưng gần như những nỗ lực trước đó đều đã bị đánh mất trong thông tin từ cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp bị bế tắc được đưa ra.

Kết thúc phiên 25/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 36,98 điểm (-0,54%), xuống 6.807,82 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 1,87 điểm (+0,02%), lên 11.473,13 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 3,64 điểm (-0,07%), xuống 5.041,71 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau những phiên giao dịch khởi sắc, các thị trường chính của khu vực đã đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Năm sau thông tin không mấy khả quan về tình hình nợ Hy Lạp. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản rút lui khỏi mức cao nhất 18 năm rưỡi vừa thiết lập hôm thứ Tư, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục giảm mạnh gần 3,5% trong phiên bán tháo mạnh hôm thứ Năm sau 2 phiên hồi phục được 5% trước đó.

Kết thúc phiên 25/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 96,63 điểm (-0,46%), xuống 20.771,40 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 259,22 điểm (-0,95%), xuống 27.145,75 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 162,37 điểm (-3,46%), xuống 4.527,78 điểm.

Thị trường vàng không có nhiều biến động trong phiên thứ Năm khi không có thêm thông tin nào tác đọng đủ mạnh đến thị trường. Dù vậy, kết thúc phiên giao dịch này, vàng tiếp tục có phiên giảm giá thứ 4 liên tiếp.

Kết thúc phiên 25/6, giá vàng giao ngay giảm 2,1 USD (-0,18%), xuống 1.172,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 1,1 USD/ounce (-0,09%), xuống 1.171,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 1,1 USD/ounce (-0,09%), xuống 1.171,8 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thông tin do dự trữ xăng và khí tự nhiên của Mỹ tăng mạnh tuần trước, lấn át thông tin kho dự trữ dầu thô giảm tuần thứ 8 liên tiếp.

Kết thúc phiên 25/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,57 USD/thùng (-0,95%), xuống 59,70 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,29 USD (-0,46%), xuống 63,20 USD/thùng.

Tin bài liên quan