Một số doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh như UnitedHealth Group Inc, Netflix Inc và Goldman Sachs Group Inc đều có kết quả tốt hơn dự kiến, giúp các cổ phiếu này tăng mạnh, thậm chí Netflix còn tăng tới 19%.
Theo chương trình dữ liệu của Reuters, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong S&P 500 tăng nhẹ trong quý III, tốt hơn nhiều so với mức dự bảo giảm của giới phân tích. Không chỉ lợi nhuận, mà cả doanh thu của các doanh nghiệp trong S&P 500 cũng đều tăng trong quý III và đây sẽ là quý đầu tiên kể từ năm 2014 cả doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp đều tăng.
Ngoài kết quả kinh doanh khả quan, phố Wall còn nhận được thông tin tích cực là chỉ số giá tiêu dùng cơ bản của Mỹ trong tháng 9 thấp và có thể sẽ mất thời gian dài để đạt đến mức mục tiêu 2% mà Fed đề ra để tăng lãi suất.
Kết thúc phiên 18/10, chỉ số Dow tăng 75,54 điểm (+0,42%), lên 18.161,94 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,10 điểm (+0,62%), lên 2.139,60 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 44,01 điểm (+0,85%), lên 5.243,84 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính tăng mạnh trong phiên thứ Ba, lên mức cao nhất 1 tuần nhờ có sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu hàng hóa sau khi giá kim loại quý và dầu thô tăng khi đồng USD giảm trở lại sau phiên tăng cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 18/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 52,51 điểm (+0,76%), lên 7.000,06 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 127,98 (+1,22%), lên 10.631,55 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 56,68 điểm (+1,32%), lên 4.508,91 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, cũng giống chứng khoán Âu, Mỹ, các chỉ số chính trong khu vực cũng đều tăng điểm trong phiên thứ Ba. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ lực cầu tốt tại các mã nhạy cảm với nhu cầu nội địa, nhưng đà tăng bị giảm khi giới đầu tư thận trọng trước khi một số tập đoàn lớn công bố kết quả kinh doanh cuối tuần này. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông có phiên tăng mạnh nhất 1 tháng nhờ sự tác động tích cực từ thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục sau thông tin các ngân hàng Trung Quốc cho vay mạnh hơn dự kiến trong tháng 9.
Kết thúc phiên 18/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 60,03 điểm (+0,36%), lên 16.963,61 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 356,85 điểm (+1,55%), lên 23.394,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 42,71 điểm (+1,4%), lên 3.083,88 điểm.
Theo dữ liệu vừa công bố, chỉ số CPI cơ bản của Mỹ trong tháng 9 chỉ tăng 0,3% so với tháng 8 và tăng 1,5% so với cùng kỳ, đúng như kỳ vọng của thị trường và còn cách khá xa ngưỡng mục tiêu 2% mà Fed đặt ra để tăng lãi suất. Thông tin này hỗ trợ tích cực cho giá vàng, cùng với đó, đồng USD giảm trong phiên đầu tuần và ổn định trong phiên thứ Ba giúp giá vàng tăng khá mạnh trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 18/10, giá vàng giao ngay tăng 6,9 USD (+0,55%), lên 1.262,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 6,3 USD (+0,50%), lên 1.262,9 USD/ounce.
Việc đồng USD ổn định trở lại sau khi tăng mạnh trong phiên trước đó, cùng kỳ vọng các nhà sản xuất lớn sẽ đạt được thỏa thuận giảm sản lượng giúp giá dầu thô tăng nhẹ trong phiên thứ Ba.
Ngoài ra, giá dầu thô còn nhận được sự hỗ trợ với báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 3,8 triệu thùng trong tuần trước.
Kết thúc phiên 18/10, giá dầu thô Mỹ tăng 0,35 USD/thùng (+0,70%), lên 50,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,16 USD (+0,31%), lên 51,68 USD/thùng.