Sau những phiên tăng giảm thất thường, chứng khoán Trung Quốc đại lục chốt phiên cuối tuần với sắc xanh khi chỉ số Shanghai Composite tăng 0,38% lên 2.917,01 điểm còn Shenzhen Composite tăng nhỉnh hơn với 0,441% và đạt 1.779,43 điểm. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Hang lên điểm 0,39% trong giờ giao dịch cuối phiên.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 chốt phiên mất 0,59% còn 23.687,59 điểm khi cổ phiếu “nặng ký” của hãng bán lẻ Fast Retailing giảm mạnh 1,8%. Chỉ số Topix cũng mất 0,6% và kết thúc ngày giao dịch với 1.702,87 điểm. Lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần là cổ phiếu của hãng ô tô Nissan với cú trượt sâu 9,64% sau khi công ty này dự báo lợi nhuận hoạt động năm 2020 sẽ giảm khoảng 40%.
Trái chiều với thị trường Nhật Bản, chỉ số Kospi của Hàn Quốc lên điểm 0,48% và đạt 2.243,59 điểm, còn chỉ số S&P/ASX 200 của Australia đóng cửa ở mức 7.130,20 điểm, tăng 0,38%. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng lên 0,25%.
Tâm lý e ngại của nhà đầu tư càng hiện rõ sau khi Trung Quốc hôm 13/2 công bố số ca tử vong và nhiễm Covid-19 tăng đột biến do thay đổi cách thống kê (tính cả số người được chẩn đoán nhiễm bệnh lâm sàng). Riêng tỉnh Hồ Bắc - tâm dịch Covid-19 - hôm nay 14/2 công bố thêm 116 trường hợp tử vong và 4.823 trường hợp nhiễm virus tính đến cuối ngày 13/2.
Thông tin thu hút sự quan tâm nhiều của giới đầu tư hôm nay là nhận định của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về kinh tế nước này thời Covid-19. Tờ Straits Times dẫn lời ông Lý Hiển Long cho biết tác động kinh tế của Covid-19 lên quốc đảo này đã "vượt mặt" dịch SARS năm 2003.
Singapore là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 vì đây là một trong những quốc gia ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất ngoài Trung Quốc.
Thêm thông tin đáng chú ý là việc Trung Quốc hôm nay kích hoạt cắt giảm một nửa thuế suất đối với khoảng 75 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Mỹ theo công bố hồi đầu tháng 2.
Theo thông báo của Bộ Tài chính Trung Quốc, thuế quan đối với một số hàng hóa Mỹ sẽ được cắt giảm từ 10% xuống 5% và từ 5% xuống 2,5% đối với các mặt hàng khác của Mỹ. Các điều chỉnh thuế suất này có hiệu lực từ 1:01 chiều 14/2. Tuy nhiên, Bộ này không nêu rõ múi giờ áp dụng các điều chỉnh thuế.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tăng từ mức 99,087 lên 99,113. Đồng yên Nhật Bản mạnh lên và giao dịch ở mức 109,78 “ăn” 1 USD còn đô la Australia cũng lên giá và đổi tay ở mức 1 AUD/0,6722 USD.
Giá dầu trên thị trường châu Á chiều nay nhích nhẹ, với dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng nhẹ lên 56,37 USD/thùng còn dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ lên giá 0,12% và giao dịch ở mức 51,48 USD/thùng.